Trước sức ép cạnh tranh gay gắt từ loại hình bán hàng trực tuyến, kênh bán lẻ truyền thống cũng đang nỗ lực đổi mới bằng việc ứng dụng công nghệ và nâng cấp quầy hàng để tăng sức cạnh tranh thu hút khách hàng. Nhờ đó khách hàng được chăm sóc chu đáo hơn, kích cầu tiêu dùng, gia tăng tiêu thụ hàng hóa.
Khách hàng sử dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc thực phẩm khi mua hàng tại điểm bán hàng Việt tại thành phố Nam Định. |
Cùng với sự gia tăng nhanh chóng của kinh doanh trực tuyến nhiều tiểu thương kinh doanh tại các chợ truyền thống đều cho biết sức mua đã sụt giảm nhiều trong những năm gần đây. Chợ Hoàng Ngân trước đây là chợ lớn bán các loại vải may mặc cho người dân toàn thành phố và khu vực lân cận nhưng hiện tại các tiểu thương đã phải nghỉ bán hoặc thu nhỏ do kinh doanh không hiệu quả. Theo nhận định của ngành chức năng, thực trạng này có một phần do sự lớn mạnh của thương mại điện tử (TMĐT) với rất nhiều ưu điểm như không tốn chi phí gian hàng, nhân viên giao dịch mà có thể giới thiệu nhiều sản phẩm, tương tác với nhiều khách hàng tại cùng một thời điểm. TMĐT phát triển, người tiêu dùng, các tiểu thương dễ dàng lên mạng lựa chọn sản phẩm từ nhiều chợ đầu mối khác nhau hoặc từ cơ sở sản xuất để hạ giá thành. Bên cạnh đó thì người tiêu dùng lựa chọn hàng hóa mà không phải trực tiếp ra chợ cũng như dễ dàng so sánh giá giữa các sản phẩm cùng loại thay vì phải đi nhiều chợ để khảo giá, rồi phải “luyện” năng lực mặc cả như trước đây. Đặc biệt khi dịch COVID-19 bùng phát thì xu hướng mua bán trực tuyến trở nên phổ biến hơn. Để giúp kênh bán hàng truyền thống phát triển trong điều kiện công nghệ bùng nổ, Sở Công Thương đã từng bước nâng cấp chợ truyền thống theo hướng sạch, đẹp, văn minh, hiện đại, phù hợp với xu hướng và tập huấn thương mại ở từng khu vực, vừa duy trì nét văn hóa truyền thống đặc trưng (phiên họp, hàng hóa đặc trưng của chợ) vừa khuyến khích các hộ kinh doanh kết hợp ứng dụng công nghệ thông tin quảng bá sản phẩm và đăng ký tham gia bán hàng tại các sàn giao dịch TMĐT nói chung và sàn giao dịch TMĐT của tỉnh tại địa chỉ (http://thuongmainamdinh.vn). Tiểu thương tại chợ truyền thống đã tích cực sắp xếp lại quầy hàng theo từng nhóm sản phẩm, cam kết bán hàng chất lượng và bán đúng giá niêm yết, đồng thời linh hoạt tổ chức kênh bán hàng trực tuyến. Tại các chợ đầu mối như chợ Rồng, chợ Mỹ Tho, hầu hết các chủ sạp lớn đều sử dụng phần mềm quản lý bán hàng trong mua bán, đồng thời lập trang web để quảng cáo và chào bán hàng trực tuyến, đăng ký bán hàng qua các sàn giao dịch thương mại Tiki.vn, Sendo.vn và Voso.vn… Hình hình thức giao dịch này đã mang lại hiệu quả cao cho hoạt động mua bán, khách hàng mua buôn ở các tỉnh, thành và một số nước bạn Lào, Campuchia đặt hàng trực tuyến và thanh toán qua ngân hàng một cách tiện lợi. Ngoài các chợ đầu mối, ở những chợ bán lẻ, hoạt động kinh doanh cũng được sắp xếp lại phù hợp, khoa học hơn. Chị Phạm Thị Phương, chủ sạp hàng rau, củ, quả, hàng công nghệ phẩm tại chợ Năng Tĩnh cho biết: ngay khi nhận thấy sức mua ở chợ truyền thống giảm, tôi đã tìm hiểu và áp dụng quảng cáo bán hàng qua mạng xã hội. Theo đó, hằng ngày vào buổi tối hoặc sáng sớm, tôi chủ động đăng bài giới thiệu sản phẩm của quầy hàng và định hướng món ăn, nhận gia công sơ chế nguyên liệu và nhận địa chỉ trả hàng tại nhà cho khách. Bên cạnh đó tôi cũng cố gắng bày biện gian hàng thật đẹp, gọn gàng khu chế biến thực phẩm để cho khách hàng trải nghiệm trước khi đặt hàng hoặc trực tiếp quay video hình ảnh nguyên liệu, quá trình sơ chế để khách hàng yên tâm lựa chọn. Với cách làm này, doanh thu của quầy hàng tăng hơn hẳn so với trước đây và còn tạo được việc làm cho nhiều lao động khác. Tại chợ Cầu Ốc, xã Lộc Hòa (thành phố Nam Định), được sự hỗ trợ của Sở Công Thương xây dựng mô hình chợ an toàn thực phẩm nên đã đầu tư cải tạo nền chợ, đóng bàn quầy theo đúng tiêu chuẩn và niêm yết giá đầy đủ. Chị Trần Thị Thủy, kinh doanh thịt lợn cho biết: áp dụng mô hình chợ an toàn thực phẩm, sản phẩm thịt lợn bày bán được chứng nhận, dễ dàng truy xuất nguồn gốc, chúng tôi tự tin quảng cáo bán hàng trên các trang mạng xã hội như facebook, zalo để thu hút khách hàng. Từ những đơn hàng đặt qua mạng, tôi chủ động sơ chế theo yêu cầu của khách, tránh dồn dập vào thời gian cao điểm, khách hàng cũng không phải mất thời gian chờ đợi như đi mua trực tiếp. Được chăm sóc chu đáo hơn nên lượng hàng bán ra tăng hơn hẳn so với thời gian trước đây.
Kênh bán lẻ truyền thống vẫn đang đáp ứng đến 85% nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn. Hiệu quả từ việc bán hàng trực tuyến đã được khẳng định phát huy hiệu quả ngay tại các chợ truyền thống và là xu hướng tất yếu của giao dịch thương mại trong tương lai. Tuy nhiên, việc bán hàng trực tuyến cho kênh bán hàng truyền thống còn gặp rất nhiều khó khăn do phát triển tự phát, chưa có định hướng cụ thể. Việc ứng dụng bán hàng online cũng chỉ thực sự phù hợp với những người trẻ trong khi bán hàng ở chợ truyền thống lại chủ yếu là người “có tuổi”. Bên cạnh đó nhiều hàng hóa bán tại chợ truyền thống chưa đảm bảo các tiêu chí về an toàn vệ sinh thực phẩm, và các quy định về nhãn hàng hóa để tham gia vào các sàn giao dịch TMĐT. Do đó, để tiếp tục hỗ trợ các tiểu thương tiếp cận với xu hướng kinh doanh mới, Sở Công Thương cần có phương án hỗ trợ các tiểu thương phát triển các kỹ năng giao dịch, tiếp cận với các sàn giao dịch TMĐT do Nhà nước hỗ trợ như: sàn giao dịch TMĐT của tỉnh tại địa chỉ (http://thuongmainamdinh.vn); “Gian hàng Việt trực tuyến” do Bộ Công Thương tổ chức và các trang web TMĐT Voso.vn, Postmart.vn của Tổng Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT). Hỗ trợ các tiểu thương hoàn thiện sản phẩm, đảm bảo các tiêu chí cơ bản để đáp ứng yêu cầu giao dịch TMĐT. Các tiểu thương bán lẻ cũng nên tự chỉnh trang tạo nét đặc trưng qua cách trang trí quầy hàng, lựa chọn hàng hóa tinh tế hay thái độ giao tiếp, cách phục vụ… để thu hút khách hàng khi trải nghiệm thực tế cũng như mua sắm qua mạng internet./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương