Để hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển, các cấp, các ngành của huyện Hải Hậu đã đẩy mạnh và nâng cao chất lượng cải cách hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính. Huyện huy động mọi nguồn lực đầu tư hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp yên tâm đầu tư sản xuất, kinh doanh. Huyện tăng cường công tác quản lý, phát triển CCN, điểm công nghiệp tạo hạ tầng đồng bộ để kích thích các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các cơ sở sản xuất công nghiệp đầu tư mở rộng sản xuất.
Sản xuất cửa nhôm đúc tại làng nghề xã Hải Vân (Hải Hậu). |
Theo đồng chí Phạm Vinh Dự, Trưởng Phòng Kinh tế và hạ tầng huyện Hải Hậu: Sự chủ động, nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp của huyện đã nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư. Đến nay, tại 3 CCN Hải Phương, làng nghề xã Hải Minh, thị trấn Thịnh Long đã có 35 doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư sản xuất, kinh doanh với tổng vốn đầu tư trên 3.000 tỷ đồng; góp phần giải quyết việc làm cho trên 19 nghìn lao động với thu nhập bình quân từ 6-7 triệu đồng/tháng. Tại địa bàn các xã còn thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư sản xuất như: Công ty TNHH VIET POWER đầu tư 500 tỷ đồng xây dựng nhà máy sản xuất giầy dép xuất khẩu tại xã Hải Tân, giải quyết việc làm cho trên 4.800 lao động; Công ty TNHH Smart Shirts Garments đầu tư 6,5 triệu USD xây dựng nhà máy may công nghiệp tại xã Hải Hà, giải quyết việc làm 1.500 lao động; Công ty MVE Technology Co.,Ltd, đầu tư 8 triệu USD xây dựng nhà máy sản xuất linh kiện điện tử MSL giải quyết việc làm cho 1.000 lao động; Công ty CP Đầu tư may Hải Đường đã đầu tư nhà máy may xuất khẩu tổng vốn trên 100 tỷ đồng tại các xã Hải Đường, Hải Hưng giải quyết việc làm cho 1.500 lao động.
Các cơ sở, doanh nghiệp bám sát diễn biến thị trường để điều chỉnh, tăng tốc sản xuất các mặt hàng, đảm bảo kịp thời đáp ứng đủ và trúng nhu cầu của người tiêu dùng, nhất là trong tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp. Nhóm các doanh nghiệp làng nghề chế biến nông sản, thực phẩm, chế biến gỗ đã tích cực tham gia, tiếp nhận sự hướng dẫn, hỗ trợ của ngành chức năng cải tiến quy trình kỹ thuật, bao bì, mẫu mã nâng cao chất lượng sản phẩm theo hướng an toàn thực phẩm, đạt tiêu chí của chương trình OCOP. Theo chủ Siêu thị đồ gỗ mỹ nghệ Hoàng Lân, làng nghề gỗ mỹ nghệ Hải Minh: Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát, các cơ sở, doanh nghiệp làng nghề đã chủ động giữ vững chất lượng sản phẩm, chịu giảm lãi suất, cung ứng sản phẩm ở mức giá kích thích nhất nhằm thu hút sức mua của người tiêu dùng. Bản thân siêu thị cũng đẩy mạnh quảng bá thương hiệu trên các nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin, môi trường internet, nhờ đó trong dịp phục vụ Tết Nguyên đán này, lượng sản phẩm xuất bán vẫn tiếp tục gia tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, sản phẩm của siêu thị còn tiếp tục thâm nhập sâu vào thị trường các tỉnh miền trong.
Những nỗ lực kể trên đã giúp nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất của huyện duy trì ổn định, phát triển dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19. Năm 2020 giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (theo giá so sánh 2010) toàn huyện ước đạt 5.238 tỷ đồng, tăng 0,33% so với kế hoạch năm, tăng 231% so với năm 2015. Tuy nhiên, theo đánh giá của UBND huyện Hải Hậu sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn huyện còn một số bất cập. Cụ thể, quy mô của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hoạt động ngoài các CCN nhìn chung còn nhỏ, nằm xen kẽ với các hộ dân, chưa được quy hoạch tập trung. Thị trường tiêu thụ sản phẩm của một số ngành, nhất là một số ngành nghề có sản phẩm xuất khẩu chưa ổn định; thu nhập của người lao động nhìn chung còn thấp. Khả năng thu hút các doanh nghiệp về đầu tư hạ tầng tại các CCN còn gặp nhiều khó khăn; tiến độ thực hiện dự án của các doanh nghiệp tại một số CCN còn chậm. Mặt bằng sản xuất của làng nghề còn chật hẹp. Cơ sở hạ tầng ở các làng nghề còn nhiều hạn chế, như hệ thống giao thông phục vụ cho việc vận chuyển nguyên liệu, tiêu thụ sản phẩm chưa được đầu tư đồng bộ; sản xuất còn gây ô nhiễm môi trường ở một số địa phương, doanh nghiệp.
Năm 2021, huyện Hải Hậu đặt mục tiêu phấn đấu tốc độ phát triển doanh nghiệp mới đạt từ 10% trở lên, toàn huyện có trên 550 doanh nghiệp; giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 2010) tăng từ 17,8% trở lên, giá trị các ngành dịch vụ (giá so sánh 2010) tăng từ 8,6% trở lên. Để đạt mục tiêu đề ra, huyện tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp: Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp huyện; phấn đấu đứng trong top 5 của tỉnh về cải cách hành chính. Rà soát, điều chỉnh quy hoạch các CCN Hải Phương, Thịnh Long; tiếp tục lập, phê duyệt và kêu gọi đầu tư để thực hiện quy hoạch chi tiết các CCN: Hải Đông, Hải Xuân. Thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng CCN làng nghề Hải Vân, CCN Hải Xuân và vận động các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đầu tư cải tạo môi trường làng nghề Hải Minh. Định hướng, đề xuất kêu gọi đầu tư FDI xây dựng mới một số khu, CCN phụ trợ sản xuất linh kiện, phụ tùng, nguyên vật liệu cho các ngành công nghiệp. Tiếp tục quan tâm, động viên các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, phát triển sản xuất, kinh doanh và thực hiện tốt các quy định phòng, chống dịch COVID-19. Tăng cường huy động nguồn lực hỗ trợ, nâng cao năng lực quản trị cho các doanh nghiệp; trong đó phấn đấu hỗ trợ đào tạo về khởi sự kinh doanh và quản trị ít nhất 50% số doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thúc đẩy doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị phát triển các lĩnh vực, sản phẩm có thế mạnh của huyện; trong đó phấn đấu 50 lượt trở lên doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị trong các ngành, sản phẩm có thế mạnh của huyện. Đôn đốc các xã, thị trấn rà soát, lựa chọn sản phẩm thế mạnh, đặc trưng của địa phương và phối hợp với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn lựa chọn, phát triển ít nhất 1 sản phẩm OCOP ở mỗi xã, thị trấn; đồng thời nâng cấp một số sản phẩm OCOP đã có lên tiêu chuẩn 5 sao./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy