Báo cáo đánh giá hiện trạng môi trường tỉnh giai đoạn 2016-2020 cho thấy, những vụ việc vấn đề xung đột môi trường xảy ra chủ yếu là tranh chấp, khiếu nại giữa các cơ sở sản xuất, kinh doanh (bên gây ô nhiễm môi trường) và cộng đồng dân cư là bên chịu sự ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường. Trong giai đoạn này, Sở TN và MT đã tiếp nhận 45 đơn thư khiếu nại, phản ánh của người dân về ô nhiễm môi trường; trong đó có 31 vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở và 14 vụ việc chuyển tiếp cho các cấp có thẩm quyền giải quyết. Ngoài ra, theo báo cáo của Thanh tra tỉnh, năm 2020 số phản ánh về tình trạng gây ô nhiễm môi trường là một trong những nội dung chiếm tỷ lệ cao trong các đơn thư kiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh. Các trường hợp đều được xử lý, giải quyết theo phân cấp chức năng, nhiệm vụ. Tuy nhiên, nhiều vụ việc người dân không chấp thuận phương thức giải quyết gây mâu thuẫn kéo dài.
Cán bộ xã Nam Hùng và Phòng TN và MT huyện Nam Trực xác định khu vực phát sinh ô nhiễm môi trường của doanh nghiệp, gây xung đột môi trường trên địa bàn. |
Cụ thể gồm: Cử tri huyện Vụ Bản nhiều lần kiến nghị về việc xả thải của các cơ sở sản xuất tại KCN Bảo Minh, đề nghị cơ quan chức năng có biện pháp để đảm bảo vệ sinh môi trường, sinh hoạt và sức khỏe của nhân dân xung quanh. Người dân sinh sống xung quanh KCN Mỹ Trung nhiều lần kiến nghị tình trạng chưa có hệ thống xử lý nước thải của KCN dẫn đến một số nhà máy, công ty tại KCN xả thải trực tiếp ra môi trường, gây ô nhiễm, ảnh hưởng tới sức khỏe và sản xuất của nhân dân khu vực xung quanh. Cử tri huyện Mỹ Lộc cũng nhiều lần kiến nghị tình trạng máng nước thải của Trạm bơm Quán Chuột (thành phố Nam Định), đi qua Quốc lộ 10 và 3 thôn Hồng Phú, Tân Đệ, Phố Bến của xã Mỹ Tân) không qua xử lý, gây ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh hoạt của người dân xung quanh… Nguyên nhân chính gây nên những mâu thuẫn, xung đột môi trường được các ngành, các địa phương liên quan xác định là do năng lực kiểm soát các vấn đề về xã hội, môi trường không theo kịp sự phát triển kinh tế. Tổng hợp các thách thức về môi trường thời điểm hiện tại, tỉnh ta đã xác định: Tổ chức bộ máy về quản lý môi trường của tỉnh mặc dù đã được kiện toàn nhưng đội ngũ cán bộ còn thiếu nhiều về số lượng, chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ, thực tế tại địa phương. Cán bộ quản lý về tài nguyên môi trường ở cấp huyện, cấp xã còn thiếu về số lượng và yếu về chất lượng. Đặc biệt cán bộ cấp xã được phân công kiêm nhiệm nhiều việc như địa chính, xây dựng, môi trường... nhưng chủ yếu tập trung vào quản lý đất đai. Vẫn còn tình trạng chồng chéo, bỏ trống, phân tán chức năng, nhiệm vụ quản lý giữa một số sở, ngành; sự phối hợp giải quyết các vấn đề môi trường liên ngành còn gặp khó khăn và hiệu quả còn hạn chế. Bên cạnh đó, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật vẫn còn một số bất cập, thể hiện sự chồng chéo, không rõ ràng, chưa đầy đủ và thiếu tính đồng bộ trong các quy định của văn bản quy phạm pháp luật. Một số chính sách về môi trường đã được ban hành và tổ chức thực hiện nhưng hiệu quả chưa cao, chưa phù hợp với thực tế, thậm chí một số văn bản vừa ban hành đã phải điều chỉnh, bổ sung gây khó khăn trong công tác quản lý môi trường ở địa phương. Có thể thấy, cơ chế hành chính đang tồn tại nghịch lý là xã không có chức năng giải quyết; đơn thư gửi lên huyện thì tiếp tục được gửi đến ngành chức năng phối hợp giải quyết. Quy trình, thời gian từ tiếp nhận kiến nghị, khiếu kiện đến lúc ngành chức năng bố trí được người, thiết bị máy móc kiểm tra, thu thập dữ liệu, chứng cứ vi phạm kéo dài cũng tạo cơ hội cho đơn vị, đối tượng vi phạm, gây ô nhiễm môi trường kịp xóa dấu vết. Đó là các ngyên nhân khiến người dân bức xúc, có xu hướng tự tập hợp nhau để gây sức ép, phản đối đơn vị, cá nhân, doanh nghiệp gây ô nhiễm, thậm chí khiếu kiện vượt cấp.
Để nâng cao hiệu quả giải quyết các xung đột liên quan đến môi trường, tỉnh yêu cầu phải tăng cường sự quản lý chỉ đạo của các cấp, các ngành, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để thực thi chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường. Tăng cường số lượng cán bộ quản lý về bảo vệ môi trường ở các cấp. Đối với cấp xã nên bố trí cán bộ chuyên trách có trình độ chuyên môn về môi trường; không để cán bộ môi trường cấp xã kiêm nhiệm quá nhiều nhiệm vụ như hiện nay. Đồng thời cần quan tâm hơn nữa đến đào tạo cán bộ để đáp ứng yêu cầu trong việc thực hiện công tác chuyên môn. Các địa phương cần bố trí đủ kinh phí, nguồn lực cho hoạt động quản lý Nhà nước về môi trường trên địa bàn; chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về môi trường, nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ môi trường của cộng đồng dân cư và doanh nghiệp nhằm hạn chế tối đa các xung đột xã hội có liên quan. Tăng cường nguồn lực kinh phí phục vụ. Yêu cầu ngành TN và MT đẩy mạnh công tác cải cách hành chính và chế độ công vụ, công chức; tập trung xử lý những tồn tại, vướng mắc đối với các lĩnh vực quản lý của ngành; tham mưu hoàn thiện các cơ chế, chính sách đối với các lĩnh vực theo dõi, quản lý; đồng thời phải tăng cường công tác kiểm soát ô nhiễm và xử lý các nguồn gây ô nhiễm. Trong đó, chú trọng kiểm soát để kịp thời phát hiện, có biện pháp cảnh báo, phòng ngừa và khắc phục ô nhiễm từ các nguồn thải như: điều tra, đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, thực hiện quan trắc các cơ sở có nguồn thải ra lưu vực sông Đáy. Bên cạnh đó, tỉnh cũng kiến nghị Bộ TN và MT xem xét kỹ hơn các kiến nghị, đề xuất của các địa phương về giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong hoạt động quản lý Nhà nước về lĩnh vực thuộc ngành để làm cơ sở ban hành hoặc tham mưu ban hành các văn bản pháp luật, các hướng dẫn thi hành pháp luật liên quan nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc tại các địa phương./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy