Thực hiện hiệu quả mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế

08:03, 12/03/2021

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ngay từ đầu năm 2021, toàn tỉnh tiếp tục tập trung thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới. 

Thi công khu trung tâm lễ hội thuộc di tích lịch sử - văn hóa thời Trần.
Thi công khu trung tâm lễ hội thuộc di tích lịch sử - văn hóa thời Trần.

Tỉnh đã quyết liệt trong chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 yêu cầu cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động không đi lễ hội, du xuân ngoài tỉnh; đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo người dân thực hiện; tạm dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường, quán bar, xông hơi, massage, các cơ sở cung cấp trò chơi điện tử, truy cập internet cho đến khi có thông báo được hoạt động trở lại; hạn chế tối đa hoạt động các quán trà chanh, trà đá, quán ăn vỉa hè. Kịp thời, kiên quyết dừng tổ chức các lễ hội xuân trọng điểm quy mô lớn, thu hút du khách toàn quốc như: Chợ Viềng xuân, lễ Khai ấn Đền Trần... Do vậy đến nay tỉnh ta vẫn kiểm soát được tình hình, chưa ghi nhận trường hợp nào dương tính với COVID-19 trong cộng đồng. Điểm sáng khác là tỉnh đã tập trung thúc đẩy phát triển đồng bộ cả sản xuất nông nghiệp và công nghiệp. Trong đó, sản xuất nông nghiệp đã hoàn thành gieo cấy 100% diện tích lúa vụ xuân (72.100ha), gieo trồng 11.540ha cây màu trong khung thời vụ tốt nhất; kiểm soát tốt, không để xảy ra tình trạng lây lan, bùng phát dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Tích cực hỗ trợ, khuyến khích người dân nuôi trồng, khai thác thủy sản; sản lượng thủy sản 2 tháng đầu năm ước đạt 24.568 tấn, tăng 6,4% so với cùng kỳ, trong đó khai thác tăng 2,9%, nuôi trồng tăng 8,2% so với cùng kỳ. Các ngành, các địa phương tập trung định hướng doanh nghiệp bám sát diễn biến thị trường, kịp thời đáp ứng đúng, trúng nhu cầu của người tiêu dùng; trong đó chú trọng đáp ứng yêu cầu về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, có truy xuất nguồn gốc xuất xứ và đảm bảo mức giá phù hợp với khả năng chi trả cũng như xu hướng thắt chặt chi tiêu của người dân do tác động của dịch bệnh. Nhờ đó sản xuất công nghiệp của tỉnh tiếp tục ổn định. Tính chung 2 tháng đầu năm: Hầu hết các sản phẩm chủ yếu có mức tăng trưởng khá; chỉ số sản xuất công nghiệp (IPP) ước tăng 7,23% so với cùng kỳ; tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ tiêu dùng xã hội ước đạt 8.953 tỷ đồng, tăng 5,9% so với cùng kỳ; tổng giá trị xuất nhập khẩu ước đạt 345,8 triệu USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ; giá trị hàng nhập khẩu ước đạt 173 triệu USD, tăng 11,5% so với cùng kỳ.

Dự báo dịch COVID-19 sẽ vẫn ảnh hưởng đến kinh tế thế giới trong ít nhất nửa đầu năm 2021 và cho đến khi việc tiêm chủng vaccine được phổ biến rộng rãi. Do vậy, để tiếp tục thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép” thì ưu tiên hàng đầu là chống dịch song hành với ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng. Tại phiên họp triển khai nhiệm vụ tháng 3 vừa qua, đồng chí Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo lãnh đạo các sở, ngành, địa phương hết sức chú ý nâng cao tinh thần trách nhiệm, chủ động đề xuất phương án, giải pháp. Đồng thời bám sát, nắm vững tình hình, kịp thời tận dụng thời cơ để lựa chọn các nhiệm vụ ưu tiên, trọng tâm cần thực hiện trước, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, đơn vị mình hướng tới mục tiêu duy trì các hoạt động tạo cơ sở cho khôi phục kinh tế, thúc đẩy sản xuất và cải thiện đà tăng trưởng, hoàn thành ở mức cao nhất các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của cả năm. Tỉnh xác định, động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế trong năm 2021 là tiêu dùng và xuất khẩu, vì vậy các ngành, các địa phương cần tập trung thúc đẩy 3 không gian kinh tế (kinh tế trong nước, kinh tế quốc tế và kinh tế số). UBND tỉnh giao các sở, ngành, địa phương chủ động bố trí nguồn lực và triển khai các giải pháp phù hợp để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Trong sản xuất nông nghiệp tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, hiệu quả, gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp liên kết với hợp tác xã và hộ sản xuất cá thể hình thành các chuỗi khép kín từ khâu sản xuất nguyên liệu tới chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp. Đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến; hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, thương hiệu sản phẩm kết hợp với phát triển thị trường tiêu thụ các nông sản chủ lực của tỉnh. Thực hiện các giải pháp tạo điều kiện đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp, phấn đấu chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng từ 14% trở lên. Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp dược, công nghiệp cơ khí, điện tử. Khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, áp dụng công nghệ mới, sản xuất sản phẩm mới, ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm; coi trọng xây dựng và quảng bá các thương hiệu doanh nghiệp, thương hiệu các sản phẩm công nghiệp của tỉnh để nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Tiếp tục cải cách mạnh mẽ, tạo chuyển biến thực chất hơn nữa về môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo động lực thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng. Chú trọng hành động cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp; đẩy mạnh phát triển kinh tế tư nhân; tạo thuận lợi hơn nữa cho đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài làm ăn thành công tại địa bàn tỉnh. Đồng thời, tích cực tận dụng thời cơ, thu hút dòng vốn đầu tư, nhất là các tập đoàn công nghệ.

Đặc biệt, tỉnh xác định thúc đẩy vốn đầu tư công kéo theo tiến độ hoàn tất thủ tục, thi công xây dựng hàng loạt các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm phục vụ thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội được đẩy nhanh; cơ cấu các ngành công nghiệp xây dựng của tỉnh gia tăng mạnh, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động. Vì vậy, bên cạnh xuất khẩu, tiêu dùng, việc đẩy mạnh đầu tư công được tỉnh xác định là một trong 3 giải pháp quan trọng cần tiếp tục ưu tiên thực hiện quyết liệt ngay từ những tháng đầu năm để hỗ trợ thúc đẩy kinh tế năm 2021 tăng trưởng. Ngoài nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (dự kiến là 346,1 tỷ đồng), toàn tỉnh phấn đấu giải ngân hiệu quả, đúng tiến độ tổng nguồn vốn ngân sách 4.156,997 tỷ đồng; trong đó gồm 1.016,237 tỷ đồng vốn ngân sách Trung ương; 3.140,76 tỷ đồng vốn ngân sách địa phương. Để đảm bảo tiến độ giải ngân nguồn vốn, thời gian tới các cấp, các ngành, đơn vị tích cực phối hợp đôn đốc, hướng dẫn các địa phương, các chủ đầu tư dự án tiếp tục theo dõi sát tiến độ giải ngân của từng dự án; kiểm soát chặt chẽ và nâng cao chất lượng công tác lập, thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án, lựa chọn nhà thầu, thanh toán, quyết toán công trình theo đúng các quy định hiện hành./.

Bài và ảnh: Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com