Phát huy vai trò các hợp tác xã chuyên ngành trong sản xuất nông nghiệp

08:03, 26/03/2021

Trong quá trình xây dựng NTM, củng cố HTX theo Luật HTX năm 2012, nhiều HTX chuyên ngành, nhất là các HTX trong lĩnh vực nông nghiệp, được thành lập mới đã phát huy vai trò hỗ trợ thành viên, nông dân liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, góp phần khai thác tiềm năng, lợi thế và thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ở các địa phương phát triển.

Mô hình nuôi thỏ thịt của HTX Chăn nuôi Thịnh Phát, xã Yên Bình (Ý Yên) tạo việc làm, thu nhập ổn định cho các hộ thành viên.
Mô hình nuôi thỏ thịt của HTX Chăn nuôi Thịnh Phát, xã Yên Bình (Ý Yên) tạo việc làm, thu nhập ổn định cho các hộ thành viên.

Nằm ở phía tây nam huyện Hải Hậu, xã Hải Toàn có những điều kiện đất đai thuận lợi để sản xuất lúa đặc sản, các loại cây màu, cây dược liệu. Thực hiện Luật HTX 2012, HTX dịch vụ nông nghiệp Toàn Thắng được thành lập với cách thức hoạt động mới theo luật, chuyên cung ứng các dịch vụ vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi, làm đất; đồng thời liên kết, bao tiêu sản phẩm lúa giống, lúa hàng hóa, cây dược liệu cho thành viên, xã viên, nông dân. Đồng chí Hà Minh Đức, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp Toàn Thắng cho biết: Nhằm khai thác những lợi thế trong sản xuất nông nghiệp của địa phương, HTX đã ký hợp đồng liên kết sản xuất lúa giống với Công ty TNHH Cường Tân với sản lượng lúa giống là 350 tấn/năm; liên kết với Công ty TNHH Toản Xuân sản xuất lúa thương phẩm Bắc thơm số 7 với sản lượng 50 tấn/vụ; liên kết với Công ty Sunshine Minh Ngọc để sản xuất và bao tiêu sản phẩm gạo đặc sản Tám xoan cho các hộ thành viên với sản lượng 20 tấn/vụ, cây đinh lăng dược liệu 25-30 tấn/năm... HTX thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất cho thành viên, bà con nông dân; phối hợp với Công ty Shanshes (Hà Nội) xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh gạo hữu cơ, xây dựng thương hiệu gạo Tám Xoan bao tử. Các hộ thành viên, nông dân đã thay đổi tập quán canh tác, chủ động áp dụng các biện pháp thâm canh nên mô hình sản xuất gạo Tám Xoan bao tử đã thành công, gạo thương phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng, có nhãn mác rõ ràng, bao bì đẹp và được Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP của tỉnh cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP hạng 3 sao. Sản phẩm gạo Tám Xoan bao tử của HTX luôn bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm, được thị trường ưa chuộng, người tiêu dùng ghi nhận, đánh giá cao chất lượng sản phẩm… Tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương để phát triển các loại hình dịch vụ phù hợp, phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị đã mang lại doanh thu cho HTX Toàn Thắng từ 8 đến 10 tỷ đồng/năm; thu nhập người lao động trong HTX đạt 40 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, kiến thức, kỹ năng sản xuất của các thành viên, hộ nông dân trong sản xuất nông nghiệp cũng được nâng cao, chính là điều kiện thuận lợi cho HTX tiếp tục phát triển sản xuất theo hướng bền vững trong thời gian tới. 

Không chỉ có HTX dịch vụ nông nghiệp Toàn Thắng, trong những năm gần đây trên địa bàn tỉnh còn có nhiều HTX chuyên ngành về chăn nuôi thủy sản, nuôi gà, nuôi thỏ, nuôi cá, phát triển dịch vụ môi trường, nước sạch… Các HTX kiểu mới được thành lập đang ngày càng phát huy tốt vai trò “trụ cột” trong thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, nông thôn ở các địa phương phát triển ổn định, bền vững, tạo ra nhiều việc làm và thu nhập cho thành viên và nông dân trên địa bàn. HTX Cựu chiến binh Vạn Xuân Trường, xã Hiển Khánh (Vụ Bản) được thành lập vào cuối năm 2014 với 21 thành viên là các đồng chí cựu chiến binh và con em các cựu chiến binh. Các thành viên đều là chủ trang trại, gia trại có cùng nguyện vọng liên kết để phát triển sản xuất, kinh doanh nhanh và bền vững. Với sự hỗ trợ của Liên minh HTX tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh cùng sự đồng lòng, quyết tâm của các thành viên, HTX đã tập trung góp vốn, đất đai, tư liệu sản xuất, đồng thời thu hút thêm các thành viên mới; tập trung cung cấp các dịch vụ đầu vào phục vụ sản xuất, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi thủy sản và bao tiêu sản phẩm thóc gạo, thịt lợn, gà, cá cho nông dân. Để nâng cao hiệu quả sản xuất, HTX định hướng cho các thành viên, nông dân địa phương chú trọng lựa chọn, xác định từng vùng để gieo trồng, chọn nuôi con giống phù hợp; quá trình chăn nuôi áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Do vậy, sản phẩm của HTX sản xuất ra không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường. Nhờ đó, năm 2020 thu nhập bình quân của hộ thành viên HTX đạt 80-100 triệu đồng. 

Theo thống kê của Liên minh HTX tỉnh, đến hết năm 2020 toàn tỉnh có 456 HTX, tăng 57 HTX so với năm 2016. Giai đoạn 2015-2020, toàn tỉnh có 66 HTX được thành lập mới, trong đó chủ yếu là các HTX nông nghiệp chuyên ngành trong lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt và nuôi trồng thủy sản. Đồng chí Trần Văn Phiệt, Phó Chủ tịch phụ trách Liên minh HTX tỉnh đánh giá: Các HTX kiểu mới hoạt động phù hợp với Luật HTX 2012, khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của các địa phương thông qua phát triển sản xuất, tạo ra các sản phẩm chủ lực có tính cạnh tranh cao, hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho thành viên, nông dân, góp phần vào việc chuyển dịch lao động từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang sản xuất, chế biến nông sản có giá trị kinh tế cao, bảo đảm an sinh, trật tự an toàn xã hội. Số HTX chuyên ngành nông nghiệp tăng theo từng năm, phát triển đồng đều và chất lượng hoạt động tiếp tục được nâng lên. Nhiều HTX đã phối hợp với cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể chính trị - xã hội ở địa phương vận động nông dân dồn đổi, tập trung tích tụ ruộng đất để hình thành các cánh đồng lớn, vùng sản xuất chuyên canh nông sản hàng hóa, tạo tiền đề thúc đẩy cơ giới hóa sản xuất, nâng cao thu nhập cho thành viên; đồng thời liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp thực hiện các chuỗi sản xuất tiêu thụ nông sản bền vững… Tuy nhiên, qua tìm hiểu, các HTX này vẫn còn những hạn chế như: Nhận thức về HTX kiểu mới của một bộ phận cán bộ, nhân dân chưa đầy đủ, chưa hiểu rõ vai trò, vị trí, tầm quan trọng và xu thế phát triển của kinh tế tập thể đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Quy mô sản xuất của nhiều HTX vẫn còn nhỏ, cơ sở vật chất còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Đội ngũ cán bộ quản lý HTX còn yếu về chuyên môn, nghiệp vụ. Đặc biệt, hầu hết các HTX gặp khó khăn trong việc thu hút nguồn nhân lực trẻ, có năng lực, trình độ, sự tâm huyết vào làm việc; khả năng dự báo nhu cầu thị trường, xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị và mô hình liên doanh, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, quảng bá thương hiệu còn nhiều khó khăn. Vì vậy, chất lượng sản phẩm của HTX còn thiếu sức cạnh tranh, hiệu quả kinh tế mang lại cho thành viên chưa được như mong muốn. 

Thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh sẽ tích cực tham gia, đề xuất xây dựng cơ chế phát triển kinh tế tập thể nói chung, chính sách khuyến khích thành lập HTX kiểu mới nói riêng theo Kết luận số 70-KL/TW ngày 9-3-2020 của Bộ Chính trị; tham mưu với Ban Chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể tỉnh về giải pháp, chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển kinh tế tập thể. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về vai trò, lợi ích của kinh tế tập thể trong phát triển kinh tế - xã hội. Đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng công tác bồi dưỡng cán bộ quản lý HTX, quỹ tín dụng nhân dân. Tiếp tục phối hợp thực hiện các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển HTX với nhiều hình thức liên kết, hợp tác; xây dựng, phát triển và nhân rộng các mô hình kinh tế hợp tác hiệu quả, nhất là các mô hình HTX kiểu mới. Đẩy mạnh phát triển kinh tế hợp tác, trong đó HTX đóng vai trò hạt nhân trong sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp ở địa phương./.

Bài và ảnh: Văn Đại

 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com