Mỹ Phúc huy động các nguồn lực phát triển kinh tế

08:03, 26/03/2021

Những năm qua, xã Mỹ Phúc (Mỹ Lộc) đã làm tốt công tác tuyên truyền quản lý, phát huy hiệu quả nguồn vốn ngân hàng của các tổ chức tín dụng trên địa bàn để góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân, giúp họ dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn vay vốn để tập trung đầu tư xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, góp phần thực hiện và hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới.

Từ nguồn vốn vay ưu đãi của Agribank Chi nhánh huyện Mỹ Lộc, anh Bùi Ngọc Phương ở thôn Bồi Tây đã đầu tư máy cắt tự động nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Từ nguồn vốn vay ưu đãi của Agribank Chi nhánh huyện Mỹ Lộc, anh Bùi Ngọc Phương ở thôn Bồi Tây đã đầu tư máy cắt tự động nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Hiện tại, nguồn vốn tín dụng phục vụ phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo của xã chủ yếu từ 2 tổ chức tín dụng là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) Chi nhánh huyện Mỹ Lộc và Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Mỹ Lộc. Cả 2 nguồn vốn trên được giao cho 3 đoàn thể của xã nhận ủy thác cho vay vốn gồm: Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh. Đồng chí Đặng Văn Chiều, Chủ tịch Hội Nông dân xã cho biết: “Năm 2020, tổng nguồn vốn huy động của Agribank Chi nhánh huyện Mỹ Lộc thông qua Hội Nông dân xã đạt hơn 10 tỷ đồng, dư nợ cho vay đạt gần 32,6 tỷ đồng với tổng cộng 198 khách hàng. Toàn xã hiện có 15 tổ vay vốn. Các món vay có dư nợ trên 100 triệu đồng chiếm hơn 90% tổng số món vay. Nhiều hộ được Agribank cấp hạn mức tín dụng trên 1 tỷ đồng”. Có được kết quả trên là nhờ những năm qua, xã đã tập trung xây dựng các giải pháp phát triển kinh tế bám sát với điều kiện thực tế của địa phương với đặc thù là xã thuần nông, ít ngành nghề phụ, số lượng doanh nghiệp hạn chế. Xã khuyến khích người dân tập trung đầu tư vào các ngành nghề thương mại dịch vụ, phát triển chăn nuôi, nuôi thủy sản theo mô hình VAC, xây dựng mạng lưới sản xuất tiểu thủ công nghiệp phụ trợ cho làng nghề may mặc xã Mỹ Thắng liền kề; phát triển nghề đồ gỗ thủ công mỹ nghệ… Đồng thời, xã chỉ đạo các cơ quan, bộ phận chuyên môn tạo điều kiện hỗ trợ, hướng dẫn cho người dân về thủ tục vay vốn giúp đồng vốn được giải ngân đúng đối tượng, nhanh chóng, thuận lợi; quản lý, giám sát việc sử dụng vốn vay; đẩy nhanh tiến độ giải quyết thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp để tạo điều kiện cho các hộ có nhu cầu vay vốn, hỗ trợ người dân chuyển đổi những vùng trồng lúa kém hiệu quả sang các mô hình kinh tế đạt hiệu quả cao hơn. Công tác đào tạo nghề được đẩy mạnh thông qua việc tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ, giới thiệu các mô hình trồng cây ăn trái đặc sản giá trị cao giúp cho người dân lựa chọn các mô hình phù hợp với năng lực sản xuất và điều kiện kinh tế. Ngoài ra, cán bộ tín dụng của ngân hàng cũng thường xuyên bám sát địa bàn, tích cực tham gia các cuộc họp giao ban phát triển kinh tế - xã hội của xã, chi bộ các thôn, xóm để nắm bắt nhu cầu vay vốn, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thủ tục vay vốn, tạo điều kiện giúp cho người dân tiếp cận với nguồn vốn hỗ trợ, thủ tục đơn giản, thuận tiện với lãi suất ưu đãi. Nhờ vậy, nhiều hộ gia đình trên địa bàn xã đã mạnh dạn vay vốn đầu tư phát triển kinh tế gia đình hiệu quả, tăng thêm thu nhập, vươn lên khá giả với doanh thu hàng trăm triệu đồng/năm như xưởng đồ gỗ mỹ nghệ của gia đình anh Bùi Ngọc Kiên ở thôn Bồi Đông; xưởng may của anh Bùi Ngọc Phương ở thôn Bồi Tây; mô hình chăn nuôi trâu bò, sinh sản của hộ ông Trần Văn Quân ở thôn La và ông Trần Văn Tiêu ở thôn Hóp… Anh Bùi Ngọc Phương cho biết: “Gia đình tôi là khách hàng gắn bó với Agribank Chi nhánh huyện Mỹ Lộc được hơn 15 năm nay. Vốn ngân hàng thực sự là “đòn bẩy” giúp gia đình tôi có được cơ ngơi như hiện nay. Hiện tại, dư nợ của gia đình tại ngân hàng là 300 triệu đồng”. Từ món vay nhỏ lẻ 30 triệu đồng năm 2006 của Agribank cùng với vốn tích góp, anh đã mạnh dạn đầu tư xây dựng xưởng may dân dụng tại ngay gia đình với diện tích 40m2. Lúc đầu, xưởng chỉ có 4-5 lao động chủ yếu phục vụ nhu cầu trong địa bàn xã. Sau đó, nghề may mặc tại xã Mỹ Thắng liền kề phát triển mạnh, xưởng may gia công của gia đình anh cũng nhận thêm được nhiều đơn hàng mới đặt ra yêu cầu phải mở rộng quy mô sản xuất với số vốn lớn. Được Agribank Chi nhánh huyện Mỹ Lộc “tiếp lực” về vốn, anh đã tiếp tục mở rộng xưởng lên đến 1.000m2, tuyển thêm lao động, đầu tư thêm 2 máy cắt công nghiệp. Hiện tại, xưởng may của anh Phương mỗi tháng tiêu thụ hơn 15 tấn vải thô, sản xuất hơn 200 nghìn sản phẩm, tạo việc làm cho gần 40 lao động với thu nhập ổn định từ 3-5 triệu đồng/tháng. Doanh thu hàng năm của xưởng đạt hơn 2 tỷ đồng. Cũng nhờ nguồn vốn của Agribank, ông Trần Văn Tiêu đã có thu nhập ổn định hơn trăm triệu đồng mỗi năm từ chăn nuôi trâu, bò sinh sản. Ông Tiêu cho biết: “Chăn nuôi trâu, bò sinh sản không tốn nhiều công sức nhưng vốn đầu tư khá lớn, nhất là thời điểm tái đàn. Bình quân mỗi năm gia đình tôi quay vòng xuất bán từ 15 con trâu, bò trở lên. Nhờ ngân hàng luôn sẵn sàng tiếp vốn nên tôi không phải lo lắng mỗi khi tái đàn". Hiện tại, gia đình ông đang chăn thả 1 cặp trâu mẹ, con và 2 cặp bò mẹ, con. Từ nguồn lãi, ông Tiêu còn tiếp tục đầu tư đào ao, nuôi thả cá nước ngọt truyền thống và cá cảnh với diện tích 1.800m2 đem lại thu nhập 60-70 triệu đồng/năm. 

Không chỉ có nguồn vốn từ Agribank, xã còn tận dụng tốt nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng CSXH huyện Mỹ Lộc ủy thác qua 2 đoàn thể để hỗ trợ các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo phát triển kinh tế gia đình, tăng thêm thu nhập, xóa nghèo bền vững. Hiện tại, Hội Phụ nữ xã đang được ủy thác cho vay 6 chương trình tín dụng chính sách gồm cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, giải quyết việc làm, nhà ở xã hội và nước sạch - vệ sinh môi trường. Tính đến hết tháng 2-2021, tổng dư nợ các chương trình đạt hơn 7 tỷ đồng với 312 hộ còn dư nợ; trong đó, dư nợ cao nhất là chương trình cho vay giải quyết việc làm với dư nợ trên 1 tỷ đồng với 23 hộ còn dư nợ. Nguồn vốn vay được, người dân đầu tư vào phát triển vườn trại: cải tạo đất trũng để trồng cây ăn quả; phát triển kinh tế trang trại VAC, đầu tư mua sắm thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất đem lại thu nhập ổn định như hộ các chị Trần Thị Nga, chị Bùi Thị Hương ở thôn Cấp Tiến 1 với mô hình nuôi cá; anh Trần Mạnh Hường, Trần Văn Đức ở thôn Cấp Tiến 2 với mô hình VAC tổng hợp…

Có thể nói, thông qua nguồn vốn vay ưu đãi của các tổ chức tín dụng trên địa bàn, Mỹ Phúc trở thành xã có kinh tế phát triển khá của huyện, thu nhập bình quân đầu người của xã ổn định với 61,2 triệu đồng/năm. Cơ cấu kinh tế của xã chuyển dịch mạnh từ nông nghiệp sang các ngành nghề, dịch vụ, thương mại có hiệu quả kinh tế cao. Đời sống người dân được đảm bảo, tỷ lệ hộ nghèo giảm dưới 1,3%, an ninh trật tự xã hội được giữ vững. Năm 2021, xã phấn đấu nâng thu nhập bình quân đầu người đạt 69,1 triệu đồng/năm, hoàn thành xây dựng xã nông thôn mới nâng cao./.

 
Bài và ảnh: Đức Toàn


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com