Để nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp, các địa phương trong tỉnh đã tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp theo chỉ đạo của tỉnh, trong đó chú trọng phát triển vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Nhờ có diện tích ruộng lớn, nhiều nông dân, doanh nghiệp đã có điều kiện phát triển sản xuất theo hướng nông nghiệp hàng hóa, chuyên canh, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh những kết quả tích cực, trong phát triển vùng sản xuất hàng hóa và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi tại các địa phương vẫn còn tồn tại những bất cập cần tháo gỡ.
Người dân xã Nam Phong (thành phố Nam Định) khai thác hiệu quả quỹ đất phát triển nghề trồng hoa, cây cảnh. |
Theo ngành NN và PTNT, căn cứ vào quy hoạch, hàng năm các huyện, thành phố đều đề ra kế hoạch mục tiêu chuyển đổi linh hoạt cây trồng trên đất 2 lúa kém hiệu quả, mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản, phát triển chăn nuôi; tuy nhiên kết quả chuyển đổi ở nhiều khu vực còn rất chậm, khó thực hiện do không phù hợp với điều kiện về địa lý, thổ nhưỡng đất đai, khí hậu. Ngoài ra, hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất (hệ thống đường giao thông, thủy lợi, điện sản xuất) tại một số vùng chuyển đổi tập trung chưa được quan tâm hỗ trợ đầu tư, chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất. Trong quá trình thực hiện, một số vùng quy hoạch, trước đây đã bị các hộ dân, doanh nghiệp tự phát chuyển đổi mục đích sử dụng đất 2 lúa mà không được phát hiện và xử lý kịp thời, gây nhiều hệ lụy như phá vỡ quy hoạch sản xuất, gây ô nhiễm môi trường, thậm chí có nơi duy trì sản xuất cầm chừng gây lãng phí đất đai. Tại một số vị trí chuyển đổi đều đang vướng mắc về thủ tục đất đai, đầu tư, vay vốn ngân hàng nên các doanh nghiệp, hộ gia đình (cá nhân) chưa yên tâm đầu tư phát triển sản xuất lâu dài, hiệu quả sản xuất thấp. Đáng bàn, ở một số địa phương, ngay tại các vị trí đã nằm trong quy hoạch, được xác định có lợi thế về thổ nhưỡng, điều kiện canh tác, sản xuất nhưng vẫn gặp khó trong thu hút đầu tư. Nguyên nhân là do tỉnh ta nằm ở vùng chịu ảnh hưởng lớn từ thiên tai bão, gió; cộng với thời tiết ngày càng diễn biến bất thường, xuất hiện nhiều loại dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; giá cả vật tư đầu vào tăng cao trong khi giá cả đầu ra sản phẩm thiếu ổn định, gây tâm lý ngại đầu tư, mở rộng sản xuất đối với các doanh nghiệp. Diện tích đất 2 lúa xen kẹt trong khu dân cư và diện tích đất bãi ven sông bị bỏ hoang ngày càng nhiều, đến nay chưa có giải pháp để tháo gỡ, xử lý; đây cũng chính là vấn đề cử tri tại nhiều huyện, thành phố thường xuyên kiến nghị tại các kỳ tiếp xúc cử tri. Bên cạnh đó, đa phần người nông dân vẫn còn tâm lý giữ đất dẫn đến việc thu hút doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tích tụ ruộng đất phát triển sản xuất hàng hóa gặp khó khăn. Trong khi, người dân, doanh nghiệp có nhu cầu tích tụ ruộng đất để sản xuất tập trung còn gặp nhiều vướng mắc trong hoàn tất các thủ tục, hồ sơ pháp lý đảm bảo ổn định nên họ chưa yên tâm để đầu tư hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất ổn định, lâu dài. Cụ thể, huyện Xuân Trường phấn đấu hết năm 2020 chuyển đổi 155ha đất 2 lúa bỏ hoang, kém hiệu quả sang trồng cây rau màu, cây dược liệu và các mô hình canh tác khác nhưng chưa đạt được mục tiêu. Hiệu quả đạt được tại một số vùng chuyển đổi chưa như mong muốn. Toàn huyện có 13 vị trí, vùng chuyển đổi (gồm 6 vùng chuyển đổi sang nuôi thủy sản và 7 vùng chuyển đổi sang chăn nuôi, kết hợp nuôi thủy sản, trồng cây). Tuy nhiên, các hộ sản xuất đã tự chuyển đổi sang hình thức chăn nuôi kết hợp nuôi thủy sản, trồng cây (VAC) tại 4/6 vùng nuôi thủy sản tập trung; chỉ còn duy trì 2 vùng nuôi thủy sản là vùng Xuân Vinh - Xuân Hòa và vùng Đầm sen xã Xuân Tân. Ngoài ra, một phần diện tích vùng nuôi thủy sản Xuân Vinh - Xuân Hòa do Công ty Fukyo sản xuất hiện đang chuyển sang kết hợp chăn nuôi gia cầm. Một số vùng đất 2 lúa quy hoạch nuôi thủy sản ở các xã: Xuân Ngọc, Xuân Tân, Xuân Thủy... đã bị một số hộ dân, doanh nghiệp tự ý chuyển đổi sang xây dựng trang trại chăn nuôi trái phép, phá vỡ quy hoạch chung. Việc phát triển nuôi thủy sản tại các vị trí có lợi thế về nguồn nước, đã được quy hoạch tại vùng bãi các xã Xuân Tân, Xuân Thành, Xuân Châu, Xuân Hồng chưa thu hút được đẩu tư. Tại huyện Nam Trực, xã Điền Xá là một trong số những địa phương tồn tại tình trạng nhiều trường hợp người dân tự chuyển đổi sử dụng đất trồng lúa. Từ nhiều năm trước nhiều hộ dân đã tự phát chuyển đổi 300ha đất vườn tạp và đất trồng lúa sang trồng hoa cây cảnh. Bên cạnh đó, trên địa bàn xã có 50ha đất nông nghiệp nằm xen kẹt trong quỹ đất đã chuyển đổi, sử dụng nên không trồng lúa được tiếp tục bị bỏ hoang; cá biệt có diện tích đã bỏ hoang 7-8 năm. Trong nhiều đợt tiếp xúc cử tri các cấp, người dân toàn xã đều đề xuất cho chuyển đổi phần diện tích đất hai lúa kém hiệu quả sang trồng hoa, cây cảnh nhằm nâng cao hiệu quả khai thác quỹ đất.
Với mục tiêu nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác quỹ đất nông nghiệp, tỉnh đã chỉ đạo các ngành liên quan, các địa phương nâng cao tinh thần phối hợp, trách nhiệm trong tháo gỡ, giải quyết những bất cập trong việc thuê, mượn, tích tụ ruộng đất; chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo Nghị định số 35/2015/NĐ-CP, số 62/2019/NĐ-CP, số 94/2019/NĐ-CP của Chính phủ; xử lý diện tích đất nông nghiệp bỏ hoang, đất 2 lúa xen kẹt trong khu dân cư; xử lý những vướng mắc về thủ tục đất đai, đầu tư, môi trường ở những vị trí đất chuyến đổi theo quy định pháp luật. Trong đó, tăng cường kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc, kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm trong chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Phải chủ động phối hợp ngay từ khâu lập các quy hoạch, kế hoạch liên quan đến sử dụng đất và phát triển sản xuất nông nghiệp. Đẩy mạnh, hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp giải quyết các vướng mắc, bất cập, nhất là những rào cản chính sách về đất đai, đầu tư, vay vốn ngân hàng và việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên đất trồng lúa kém hiệu quả theo quy định pháp luật. Kịp thời nắm bắt nhu cầu của người dân, doanh nghiệp để định hướng thu hút đầu tư và quan tâm hướng dẫn người dân, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ngay từ khi đề xuất chủ trương đầu tư. Quan tâm nhiều hơn đến việc đầu tư hạ tầng kỹ thuật để tái cơ cấu những vùng chuyển đổi; tích cực hỗ các doanh nghiệp, người sản xuất đầu tư áp dụng khoa học công nghệ hiện đại; tăng cường hình thành thêm các chuỗi liên kết khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp. Rà soát, áp dụng các cơ chế đặc thù khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, nhất là ở các vùng chuyển đổi, tích tụ ruộng đất quy mô lớn./.
Bài và ảnh: Thanh Thúy