Nghề khai thác và chế biến sứa ở tỉnh ta phát triển mạnh, chủ yếu ở các huyện ven biển: Hải Hậu, Giao Thủy, Nghĩa Hưng. Sứa biển là một thực phẩm giàu các chất vi lượng như sắt, canxi, iốt, vitamin... Sản phẩm sứa ăn liền dễ chế biến, tiết kiệm được thời gian, công sức cho người tiêu dùng nên sản phẩm này ngày càng được người tiêu dùng lựa chọn.
Kiểm tra độ mặn của sứa tại cơ sở của ông Trần Trung Thực, xã Giao Hải (Giao Thủy). |
Mùa khai thác sứa biển thường kéo dài từ tháng 1 đến tháng 6 dương lịch. Trung bình mỗi năm toàn tỉnh khai thác được khoảng 15-18 nghìn tấn sứa tươi. Đây là nguồn nguyên liệu dồi dào tạo điều kiện thuận lợi để nghề chế biến sứa ăn liền phát triển. Hiện toàn tỉnh có hơn 30 cơ sở thu mua, sơ chế, chế biến sứa đã đăng ký kiểm tra thường kỳ. Trước đây, sứa biển chủ yếu được chế biến thành nguyên liệu thô, chỉ ướp muối và được xuất bán theo đường tiểu ngạch; giá cả phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường, khi giá cao sản phẩm tiêu thụ được thì lợi nhuận cao, còn khi giá xuống thấp sản phẩm không bán được, lợi nhuận thấp. Bên cạnh đó, thời gian sử dụng ngắn và khó khăn trong việc vận chuyển đi tiêu thụ ở xa; hình thức bao bì, nhãn mác sản phẩm còn chưa được chú ý, đóng gói thủ công nên giá trị thương mại không cao. Trước tình trạng trên, để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sơ chế sứa biển, tạo việc làm cho người lao động, đẩy mạnh và mở rộng tiêu thụ sứa biển chế biến và nâng cao giá trị của sản phẩm, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Sở NN và PTNT) đã phối hợp với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tìm hiểu, nghiên cứu và tiến hành đưa vào sản xuất loại sản phẩm sứa ăn liền. Chi cục đẩy mạnh việc nghiên cứu hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thiện quy trình sản xuất, xây dựng tiêu chuẩn cơ sở, công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, đăng ký mã số mã vạch, đăng ký sở hữu trí tuệ cho nhãn hiệu sản phẩm sứa ăn liền. Việc tư vấn, hướng dẫn cho các doanh nghiệp đã nâng cao ý thức về vệ sinh an toàn thực phẩm làm giảm thiểu các tác nhân gây ô nhiễm cho sản phẩm, giảm chi phí đầu vào, tăng năng suất lao động, tiết kiệm được nguyên liệu sản phẩm, tạo ra một mặt hàng thực phẩm tiêu dùng thông thường, tiện lợi, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng trong nước từ nguồn nguyên liệu sẵn có. Nhiều cơ sở chế biến sứa biển đã đầu tư cơ sở vật chất, mở rộng quy mô sản phẩm, chú trọng đến hình thức bao bì, mẫu mã sản phẩm cũng như đăng ký bảo hộ chất lượng cho thương hiệu sản phẩm. Một số cơ sở chế biến sứa ăn liền đã được Sở NN và PTNT công nhận là sản phẩm OCOP như: Công ty cổ phần Chế biến hải sản Nam Định, Công ty TNHH Vạn Hoa ở thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu)… Đến nay, sản phẩm sứa ăn liền không chỉ tiêu thụ ở Trung Quốc mà còn được xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc. Ông Mai Đức Thịnh, Giám đốc Công ty cổ phần Chế biến hải sản Nam Định cho biết: Công ty bắt đầu sản xuất mặt hàng sứa biển ăn liền từ năm 2009. Vì chú trọng đến vấn đề an toàn thực phẩm cũng như chú trọng đến hình thức bao bì, mẫu mã sản phẩm nên sản phẩm sứa ăn liền của Công ty luôn được người tiêu dùng ưa chuộng. Trung bình mỗi năm Công ty thu mua 3.000-4.000 tấn sứa của người dân khai thác về tại cảng cá Ninh Cơ và chế biến khoảng 500 tấn sứa thành phẩm. Sản phẩm sứa ướp muối mặn được xuất sang các thị trường Trung Quốc, còn sứa ăn liền thì được tiêu thụ ở thị trường trong nước.
Để nâng cao hiệu quả khai thác, chế biến sứa biển, các cơ quan chức năng tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động sản xuất của các cơ sở chế biến thủy sản nói chung và chế biến sứa nói riêng định kỳ 1 tháng 2 lần; xử lý nghiêm các trường hợp làm hại đến môi trường; kiểm tra thực tế điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ quá trình chế biến… Ngoài ra, để đảm bảo tính bền vững của nghề khai thác, chế biến sứa ăn liền, Sở NN và PTNT yêu cầu Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản phối hợp với Phòng NN và PTNT các huyện ven biển tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật; rà soát, vận động, hướng dẫn để các cơ sở chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của Nhà nước về đảm bảo an toàn thực phẩm, đặc biệt là sử dụng vật tư, phụ gia có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Chủ các cơ sở cũng cần tham gia đầy đủ các lớp tập huấn kiến thức về vệ sinh an toàn thực phẩm; thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý đi đôi với khuyến khích phát triển nghề chế biến sứa nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm sứa, tạo nguồn thu ổn định cho người dân./.
Bài và ảnh: Thanh Hoa