Thời gian qua ở nhiều địa phương trong tỉnh, việc bảo tồn và phát triển cây dược liệu đã được quan tâm thực hiện góp phần đem lại hiệu quả tích cực trong chữa bệnh bằng y học cổ truyền.
Nông dân huyện Nam Trực phát triển trồng cây dược liệu phục vụ công tác khám, chữa bệnh. |
Theo Quyết định số 1796/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Nam Định là một trong 8 vùng quy hoạch trồng tập trung các loài dược liệu có thế mạnh và nằm trong vùng quy hoạch phát triển 12 loài dược liệu bản địa (cúc hoa, diệp hạ châu đắng, địa liền, đinh lăng, gấc, hoè, củ mài, hương nhu trắng, râu mèo, ích mẫu, thanh hao hoa vàng, mã đề) và 8 loài nhập nội (bạc hà, bạch chỉ, bạch truật, cát cánh, địa hoàng, đương quy, ngưu tất, trạch tả). Hàng năm, Hội Đông y tỉnh sử dụng tới 70% thuốc Nam thu hái từ tự nhiên và trồng tại vườn để phục vụ hiệu quả công tác điều trị cho bệnh nhân. Đồng chí Nguyễn Thế Vinh, Chủ tịch Hội Đông y tỉnh cho biết: “Hơn 800 hội viên Hội Đông y tỉnh luôn có ý thức trong việc bảo tồn nguồn gen, tư liệu hóa các bài thuốc để sử dụng hiệu quả. Tuy nhiên việc sử dụng dược liệu vẫn còn khó khăn vì số lượng cây dược liệu quý ngày càng ít đi”. Trên địa bàn tỉnh hiện có nhiều nhà máy, cơ sở sản xuất thuốc từ thảo dược như Công ty CP Dược phẩm Nam Hà, Công ty TNHH Nam Dược, Công ty TNHH Dược phẩm Hoa Sen... nên nhu cầu về nguồn cung nguyên liệu thảo dược rất lớn. Vì thế, Hội Đông y tỉnh luôn khuyến khích người dân, hội viên đông y tích cực phát triển vườn thuốc Nam nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về số lượng và chất lượng nguồn nguyên liệu làm thuốc. Các loại cây thuốc đang được đầu tư bảo tồn, phát triển gồm: Củ gấu biển, diệp hạ châu, sâm đất, sài hồ được trồng tại nhiều địa phương; đinh lăng được trồng ở các huyện Nghĩa Hưng, Hải Hậu, Giao Thủy; cây ngưu tất, huyền sâm được trồng ở các huyện Vụ Bản, Nam Trực; cây cát cánh trồng tại các huyện Vụ Bản, Trực Ninh; cây dây thìa canh được trồng ở các xã Hải Lộc, Hải Toàn (Hải Hậu); cây hoa hòe trồng tại các huyện Giao Thủy, Xuân Trường… Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp sản xuất dược phẩm đã liên kết với các địa phương trong tỉnh đưa các giống cây dược liệu mới vào canh tác, để chủ động nguồn nguyên liệu cho sản xuất thuốc. Ngoài ra, hệ thống kinh doanh (buôn bán, xuất nhập khẩu) dược liệu trên địa bàn tỉnh cùng với các cơ sở sản xuất, chế biến, bào chế, chiết xuất dược liệu… cũng là nguyên nhân thúc đẩy sự phát triển các vùng trồng dược liệu của tỉnh. Các Công ty dược phẩm trong và ngoài tỉnh như Công ty CP Nam Dược, Công ty CP Dược phẩm Nam Hà, Công ty CP Dược phẩm Traphaco… ký hợp đồng với các địa phương xây dựng vùng sản xuất dược liệu hàng hóa. Hải Hậu là địa phương trong tỉnh phát triển mạnh việc trồng cây dược liệu. Hội Đông y huyện tích cực phát động phong trào trồng cây dược liệu trong nhân dân.
Nhiều hội viên tích cực trồng, thu mua và khai thác các loại cây dược liệu có sẵn ở địa phương như: sài hồ, muống biển, sen, hương phụ, mẫu lệ, đinh lăng, dây thìa canh... Được sự quan tâm, chỉ đạo, tạo điều kiện của các cấp, các ngành, nhiều hộ dân đã chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây dược liệu kết hợp với chăn nuôi thủy sản mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tiêu biểu như cơ sở nuôi thủy sản và trồng cây dược liệu của gia đình chị Phạm Thị Chiên ở xã Hải Châu đã chuyển đổi gần 2 mẫu đất trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi cá diêu hồng và trồng cây đinh lăng cho thu nhập khoảng 300 triệu đồng/năm. Sản phẩm đinh lăng của cơ sở cung cấp cho các công ty, doanh nghiệp tại Hà Nội, Hải Phòng… Hiện cơ sở đang tạo việc làm cho hơn 30 lao động địa phương với mức thu nhập khoảng 8-12 triệu đồng/người/tháng. Hộ ông Nguyễn Văn Vi, xã Hải Quang (Hải Hậu) chuyển đổi diện tích trồng sen kém hiệu quả sang nuôi cá nước ngọt và trồng cây đinh lăng; trung bình mỗi năm ông có nguồn thu hàng trăm triệu đồng sau khi trừ chi phí. Hội Đông y huyện Vụ Bản thường xuyên phối hợp với các trạm y tế xã, thị trấn xây dựng vườn thuốc Nam và nhân rộng ra nhiều gia đình. Chi hội Đông y xã Đại Thắng là một trong những “vựa” thuốc Nam ở khu vực miền Bắc. Hàng năm, chi hội đã trồng hàng trăm ha cây thuốc Nam, cung ứng cho thị trường khoảng 100 tấn dược liệu: Huyền sâm, ngưu tất, trạch tả... Bên cạnh bảo tồn và phát triển những cây dược liệu truyền thống, nhiều địa phương trong tỉnh đã đưa nhiều giống cây dược liệu mới vào trồng như cây giâm bụt giấm, cây trạch tả và tổ chức chế biến nguyên liệu sau thu hoạch thành thực phẩm và dược phẩm.
Việc bảo tồn và phát triển cây dược liệu không chỉ góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao chất lượng chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân mà còn giải quyết việc làm, thu nhập cho người lao động, thúc đẩy kinh tế phát triển./.
Bài và ảnh: Thanh Hoa