Trước tình trạng thị trường thịt lợn diễn biến phức tạp, giá thịt vẫn tăng cao, bệnh dịch tả lợn châu Phi có nguy cơ tái diễn ở một số địa phương, việc tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản, nhất là đàn lợn, bảo đảm an toàn dịch bệnh, đáp ứng nhu cầu thực phẩm của người dân là hết sức cấp bách.
Chăn nuôi an toàn sinh học đang được các trang trại, gia trại ở xã Giao Phong (Giao Thủy) thực hiện, góp phần phát triển chăn nuôi lợn bền vững. |
Chúng tôi tìm đến trang trại nuôi lợn của anh Nguyễn Văn Huy ở xóm 4, xã Giao Phong (Giao Thủy). Anh Huy cho biết: Trong đợt bệnh dịch tả lợn châu Phi, nhờ thực hiện nghiêm các biện pháp phòng bệnh nên hơn chục con lợn nái ngoại của gia đình anh vẫn an toàn. Nhờ đó, sau khi dịch tạm yên anh có nguồn giống tại chỗ để tái đàn theo khuyến cáo của ngành chức năng và chính quyền địa phương. Từ cuối tháng 5-2020, anh đã bắt đầu tách đàn nuôi trên 50 con lợn thịt. Nếu “thuận buồm, xuôi gió” chỉ hơn tháng nữa anh đã có đàn lợn xuất bán... Ngoài anh Huy, nhiều chủ trang trại, gia trại tại các địa phương trong tỉnh cũng đang tích cực tổ chức tái đàn một cách thận trọng, thực hiện phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học theo khuyến cáo của ngành Nông nghiệp. Theo số liệu tổng hợp của Cục Thống kê, tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh những tháng đầu năm 2020 phát triển tương đối ổn định. Bệnh dịch tả lợn châu Phi tuy đã được kiểm soát nhưng việc tái đàn còn chậm vì chi phí đầu tư lớn, giá con giống ở mức cao, trong khi người dân vẫn có tâm lý lo ngại dịch bệnh tái phát. Chăn nuôi trâu, bò, gia cầm phát triển tốt, không có dịch bệnh lớn xảy ra. Hết tháng 7-2020, đàn trâu tăng 0,7%; đàn bò 29.950 con, giảm 0,8% so với cùng kỳ năm 2019; đàn lợn khoảng 635,2 nghìn con, tăng 110 nghìn con; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt 13.812 tấn, tăng 885 tấn so với cùng kỳ năm 2019. Tính chung 7 tháng đầu năm 2020, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng đạt 93.106 tấn, tăng 1.384 tấn so với cùng kỳ năm trước; trọng lượng xuất chuồng bình quân đạt 84 kg/con. Từ đầu năm đến nay, tỉnh ta không phát sinh dịch bệnh nên chăn nuôi gia cầm tiếp tục phát triển. Đàn gia cầm khoảng 8 triệu 450 nghìn con, tăng 470 nghìn con so với cùng kỳ năm 2019; trong đó, đàn gà 5 triệu 928 nghìn con, tăng 307 nghìn con. Sản lượng thịt gia cầm xuất chuồng 7 tháng đầu năm đạt khoảng 16.855 tấn, tăng 1.369 tấn; trong đó sản lượng gà xuất chuồng đạt khoảng 13.032 tấn, tăng 1.008 tấn; sản lượng trứng gia cầm 223.023 nghìn quả, tăng 16.744 nghìn quả so với cùng kỳ năm 2019. Sản lượng thuỷ sản đạt 13.679 tấn, tăng 616 tấn so với cùng kỳ năm 2019; trong đó, thủy sản nuôi trồng 8.976 tấn, tăng 538 tấn. Tính chung 7 tháng, sản lượng thủy sản ước đạt 95.612 tấn, bằng 57,4% kế hoạch năm, tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, thuỷ sản nuôi trồng 60.865 tấn, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước...
Theo đánh giá của ngành chức năng, những tháng cuối năm nhu cầu lương thực, thực phẩm, nhất là thịt lợn, gia cầm sẽ tăng cộng với dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp trở lại chính là áp lực lên ngành Nông nghiệp nói chung, chăn nuôi nói riêng. Tuy nhiên trên bình diện chung, sản xuất chăn nuôi đang có những thuận lợi nhất định; dịch bệnh, nhất là bệnh dịch tả lợn châu Phi, đã được kiểm soát tốt hơn; thị trường tiêu thụ các sản phẩm chăn nuôi thuận lợi hơn, không chỉ trong nước mà cả trong xuất khẩu. Trên địa bàn tỉnh có một số doanh nghiệp, trang trại đang từng bước gia tăng quy mô và thay đổi phương thức đầu tư vào chăn nuôi hiệu quả hơn theo các chuỗi liên kết giá trị. Bên cạnh đó, Luật Chăn nuôi và các văn bản hướng dẫn, chính sách phát triển chăn nuôi đã có hiệu lực sẽ là động lực lớn thúc đẩy phát triển ngành và sản xuất chăn nuôi… Trên cơ sở bảo đảm tăng trưởng lĩnh vực chăn nuôi phát triển bền vững, góp phần thúc đẩy tăng trưởng chung của ngành Nông nghiệp năm 2020, đồng thời cân đối nhu cầu tiêu dùng, ổn định thị trường, thời gian tới, UBND tỉnh yêu cầu các ngành chức năng, các địa phương tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, tạo điều kiện để các cơ sở chăn nuôi, trang trại, gia trại đủ điều kiện nuôi tái đàn lợn theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), Sở NN và PTNT về quản lý tái đàn lợn. Trong đó tập trung chỉ đạo phổ biến rộng các giải pháp chăn nuôi an toàn sinh học kết hợp sử dụng hợp lý các chế phẩm vi sinh tăng cường sức đề kháng, chống chịu dịch bệnh nói chung và bệnh dịch tả lợn châu Phi cho đàn lợn. Tiếp tục tổ chức quản lý chặt chẽ tình hình chăn nuôi, nhất là việc tái đàn lợn; bảo đảm tăng nguồn cung con giống phục vụ nhu cầu sản xuất thông qua khuyến khích các biện pháp tăng nhanh đàn giống bố mẹ và con thương phẩm. Thực hiện nghiêm túc công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm theo đúng quy định của Luật Thú y và các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Bộ NN và PTNT. Đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi thực hiện tốt chăn nuôi an toàn sinh học, chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và phòng, chống rét cho đàn vật nuôi theo hướng dẫn của Sở NN và PTNT. Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi các loại gia súc khác, gia cầm và thủy sản trên nguyên tắc phải đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, cân bằng cung cầu và an sinh xã hội. Tổ chức giám sát, phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp dịch bệnh phát sinh, không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng, nhất là dịch cúm gia cầm, bệnh dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng, bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy trên tôm. Tập trung thực hiện tốt các đợt tiêm phòng vắc-xin cho đàn gia súc, gia cầm; vận động các hộ chăn nuôi chủ động tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin cho đàn vật nuôi theo quy trình chăn nuôi. Thực hiện giám sát dịch bệnh đến tận hộ chăn nuôi, kiểm tra nắm chắc tình hình chăn nuôi (đặc biệt là chăn nuôi lợn) và dịch bệnh gia súc, gia cầm, tránh tư tưởng chủ quan, lơ là. Huy động các tổ chức chính trị, xã hội, người dân cùng tham gia giám sát dịch và các cơ sở giết mổ, kinh doanh động vật và sản phẩm động vật; thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo, không giấu dịch. Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc các địa phương trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc nuôi tái đàn lợn và phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật, phòng chống rét cho đàn vật nuôi và công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nhằm phát triển sản xuất và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Quản lý chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh con giống, các cơ sở buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm trên địa bàn; đồng thời ký cam kết không buôn bán, vận chuyển, giết mổ động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, nhập lậu, động vật ốm, chết. Thực hiện nghiêm túc quy trình kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm và tạo điều kiện thuận lợi để lưu thông sản phẩm chăn nuôi. UBND tỉnh yêu cầu Ban Chỉ đạo 389/ĐP, các sở, ngành: Công thương, Y tế, Công an tỉnh và các địa phương chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện, ngăn chặn các tổ chức, cá nhân vi phạm, xử lý nghiêm theo quy định. Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Nam Định, Đài Phát thanh - Truyền hình Nam Định phối hợp với Sở NN và PTNT, các sở, ngành liên quan tăng cường tuyên truyền về điều kiện nuôi tái đàn lợn, biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo đúng hướng dẫn của cơ quan chuyên môn; các ngành thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật tỉnh chủ động phối hợp với Sở NN và PTNT, các địa phương triển khai các nhiệm vụ phòng, chống dịch và phát triển chăn nuôi đảm bảo an toàn, hiệu quả./.
Bài và ảnh: Văn Đại