Năm 2019 Sở Giao thông Vận tải (GTVT) đã tổ chức 52 kỳ sát hạch cấp giấy phép lái xe (GPLX) ô tô các hạng, tỷ lệ đạt trung bình 74,3%. Nhằm tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động đào tạo, sát hạch lái xe trên địa bàn tỉnh, ngay từ đầu năm 2020 tại hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX Sở GTVT đã quán triệt tới các cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch lái xe trên địa bàn chuẩn bị các điều kiện để thực hiện các nội dung theo yêu cầu của Nghị định số 138/2018/NĐ-CP ngày 8-10-2018 của Chính phủ và Thông tư số 38/2019/TT-BGTVT ngày 8-10-2019 của Bộ GTVT, ban hành kế hoạch triển khai thực hiện công tác đào tạo, sát hạch lái xe năm 2020.
Sát hạch lái xe ô tô tại Trường Trung cấp Giao thông Vận tải Nam Định (Sở Giao thông Vận tải). |
Sở GTVT đã chỉ đạo các phòng chức năng đôn đốc các cơ sở, trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe cơ giới đường bộ thực hiện nghiêm các quy định về tuyển sinh như bám sát các quy định tuyệt đối không tuyển sinh vượt lưu lượng được cấp phép và khả năng đáp ứng về cơ sở vật chất, giáo viên tại từng thời điểm. Thường xuyên đôn đốc, chấn chỉnh bộ phận tuyển sinh trong tiếp nhận hồ sơ học viên, đảm bảo các thành phần theo quy định, đặc biệt là giấy chứng nhận sức khoẻ người lái xe theo đúng mẫu và do cơ quan y tế có đủ thẩm quyền cấp. Thực hiện nghiêm các quy định về ký hợp đồng đào tạo và thanh lý hợp đồng đào tạo đối với học viên. Niêm yết công khai các khoản phí, lệ phí, nghiêm cấm việc thu phí qua các đầu mối trung gian. Tổ chức đào tạo đảm bảo chương trình, thời lượng theo quy định, tăng cường quản lý học viên dự học, thực hiện nghiêm các quy định về kiểm tra hết môn học, kiểm tra tốt nghiệp, cấp chứng chỉ đào tạo đảm bảo chất lượng. Tăng cường kết hợp công tác đào tạo với công tác tuyên truyền pháp luật về giao thông đường bộ, phổ biến nội quy, quy chế học, sát hạch cho học viên, góp phần ngăn ngừa các hành vi gian lận trong quá trình sát hạch, phấn đấu nâng cao tỷ lệ đạt của các kỳ sát hạch lái xe. Tăng cường đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất và duy trì thường xuyên các trạng thái kỹ thuật thiết bị theo quy định, có kế hoạch thay thế các xe tập lái, xe sát hạch niên hạn cao, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện đảm bảo thời gian triển khai quy định giám sát môn học pháp luật giao thông đường bộ từ 1-5-2020. Tiếp tục duy trì tốt các thiết bị giám sát, truyền dữ liệu các kỳ sát hạch lái xe theo quy định. Tiếp tục rà soát, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên dạy thực hành lái xe theo quy định tại Nghị định 138 và các văn bản hướng dẫn của Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Đảm bảo phương tiện, thiết bị trong mọi trường hợp phải đủ điều kiện về số lượng và chất lượng, hoạt động ổn định, đảm bảo tính chính xác, an toàn khi sát hạch. 4 đơn vị đào tạo và sát hạch lái xe ô tô các hạng trên địa bàn tỉnh gồm: Trường Trung cấp Giao thông Vận tải Nam Định (Sở Giao thông Vận tải); Phân hiệu 2 Trường Cao đẳng Nghề số 3 (Bộ Quốc phòng); Trường Trung cấp Nghề Đại Lâm và Trường Cao đẳng Nghề số 20 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) đã chú trọng đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật; chuẩn bị các điều kiện để thực hiện đúng các quy định mới về công tác đào tạo, sát hạch lái xe của Chính phủ và Bộ GTVT. Đặc biệt, trước thông tin từ năm 2020 sẽ tăng mức học phí cao khiến lượng người đăng ký đào tạo sát hạch lái xe cơ giới đường bộ tăng đột biến, Sở GTVT đã chỉ đạo các đơn vị đào tạo, sát hạch lái xe tổ chức niêm yết công khai mức học phí, lệ phí đào tạo, sát hạch lái xe các hạng để học viên và nhân dân nắm được. Đồng chí Nguyễn Thế Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp GTVT Nam Định cho biết: Từ tháng 3-2020, Trường bắt đầu thực hiện mức học phí mới và có tăng từ 1,8-2,5 triệu đồng/khóa/học viên đối với một số hạng xe cơ giới đường bộ như: hạng B2 tăng từ mức 6 triệu lên 7,8 triệu/khóa/học viên; hạng C tăng từ gần 8 triệu lên mức 10,5 triệu đồng/khóa/học viên; các hạng khác như từ B2 lên D và từ C lên E đều ở mức 5,95 triệu đồng/khóa/học viên; riêng mức phí đào tạo, sát hạch lái xe mô tô hạng A1, A2 vẫn giữ nguyên như trước. Ông Trần Thọ Hiền, Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nghề Đại Lâm cho biết: Sau khi nghiên cứu và tham khảo ở các tỉnh, thành phố trong cả nước, bên cạnh việc đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ các quy định mới về công tác đào tạo, sát hạch lái xe cơ giới đường bộ, Trường đã nghiên cứu và xây dựng mức học phí mới cho một số hạng đào tạo tăng từ 25-30% so với trước và bắt đầu áp dụng từ ngày 1-3-2020. Theo đó hạng B1 có mức học phí 7,75 triệu đồng/khóa/học viên; hạng B1.1 (số tự động) có mức 9,5 triệu đồng/khóa/học viên; hạng C là mức 10,5 triệu đồng/khóa/học viên.
Để đảm bảo công tác quản lý đào tạo, sát hạch, cấp GPLX hoạt động hiệu quả, chất lượng, thời gian tới, Sở GTVT tập trung chỉ đạo phòng Quản lý vận tải - Phương tiện và người lái tăng cường công tác quản lý, thực hiện nghiêm các quy trình sát hạch lái xe, đặc biệt là các quy định về tính công khai minh bạch trong quá trình sát hạch: công khai địa điểm, thời gian tổ chức các kỳ sát hạch trên Trang thông tin điện tử của Sở, thực hiện nghiêm các quy định truyền dữ liệu, lưu trữ kết quả giám sát bằng hình ảnh theo quy định. Hướng dẫn, kiểm tra các cơ sở đào tạo đầu tư, bổ sung, duy trì các điều kiện vật chất kỹ thuật, tiếp tục chuẩn hóa đội ngũ giáo viên theo quy định tại Nghị định 138 và các quy chuẩn, tiêu chuẩn của Bộ GTVT, Tổng cục Đường bộ Việt Nam; rà soát chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ tổng điều tra cơ sở vật chất, kỹ thuật các cơ sở đào tạo, Trung tâm sát hạch lái xe trong cả nước của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, trước hết là việc triển khai thiết bị giám sát các giờ học pháp luật giao thông đường bộ từ 1-5-2020 theo quy định tại Thông tư 38. Thanh tra Sở thực hiện công tác thanh, kiểm tra thường xuyên, đột xuất công tác đào tạo, sát hạch lái xe, triển khai thực hiện tốt công tác thanh tra các cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch lái xe trên địa bàn theo kế hoạch thanh tra năm 2020 đã được phê duyệt. Tăng cường kiểm tra, xử lý các xe tham gia đào tạo lái xe không có giấy phép xe tập lái; đào tạo sai địa điểm, vượt lưu lượng… theo quy định./.
Bài và ảnh: Thành Trung