Chuẩn bị tốt các điều kiện cho sản xuất vụ xuân

08:12, 16/12/2019

Vụ xuân năm 2020, toàn tỉnh gieo cấy 73.100ha lúa và trồng 12.300ha cây màu các loại. Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung ương, vụ xuân năm 2020 là vụ xuân ấm, nền nhiệt trung bình toàn mùa ở mức cao hơn trung bình nhiều năm từ 0,5-1oC; các đợt rét đậm, rét hại tập trung trong tháng 1, tháng 2 và mỗi đợt kéo dài từ 5-10 ngày, đúng vào thời điểm gieo cấy lúa xuân; tình trạng thiếu nước và khả năng mặn xâm nhập sâu; cùng một số đối tượng sâu, bệnh, dịch hại nguy hiểm tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trên cây trồng, vật nuôi, nhất là bệnh lùn sọc đen, sâu keo mùa thu trên lúa, ngô, rau màu; giá các loại vật tư nông nghiệp có xu hướng tăng, thị trường nông sản không ổn định…, ảnh hưởng đến khả năng đầu tư của nông dân và hiệu quả sản xuất. Trước những khó khăn trên, để sản xuất vụ xuân đạt kết quả cao, UBND tỉnh đã có Chỉ thị số 08/CT-UBND ngày 2-10-2019 yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương triển khai sản xuất vụ đông xuân và phát động chiến dịch làm thủy lợi nội đồng phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Nông dân xã Trung Thành (Vụ Bản) làm đất chuẩn bị cho sản xuất vụ xuân năm 2020.
Nông dân xã Trung Thành (Vụ Bản) làm đất chuẩn bị cho sản xuất vụ xuân năm 2020.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, trung tuần tháng 11-2019, các huyện, thành phố và các công ty thủy nông của tỉnh đã đồng loạt tổ chức ra quân làm thủy lợi nội đồng, phấn đấu đào đắp 4.840 bờ vùng, kênh khoảnh, kiên cố hóa 85 kênh với tổng khối lượng đào đắp gần 1 triệu 476 nghìn m3 bùn đất, 7.469m3 gạch đá và 1.500m3 bê tông; làm mới 3 công trình thủy lợi đầu mối, 40 cống đập cấp II; sửa chữa 45 công trình đầu mối; nạo vét 36 cửa cống, 34 bể hút trạm bơm, 25 kênh cấp I... Việc đào đắp, nạo vét kênh mương sẽ cơ bản được hoàn thành trong năm 2019 để tạo điều kiện cho việc lấy nước phục vụ gieo cấy. Xác định giống lúa là yếu tố quan trọng quyết định năng suất, giá trị và sản lượng nên Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các địa phương hướng dẫn nông dân tập trung sử dụng các giống thuần ngắn ngày, chất lượng cao, có thị trường tiêu thụ tốt như Bắc thơm số 7, TBR279, Nàng xuân, NDD5, HDT10; những chân ruộng chua, mặn hoặc úng trũng sử dụng các giống lúa lai chất lượng cao: Nhị ưu 838, CT16, TX111, Tej vàng, TH3-3... Các huyện, thành phố lựa chọn sử dụng tập trung 1-2 giống lúa lai và 2-3 giống lúa thuần chất lượng trong cơ cấu giống của địa phương; đồng thời chủ động mở rộng mô hình trình diễn các giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh, hạn, mặn như; Ly 2099, LT2 kháng bạc lá, LP5, Nhiệt đới 15, Lộc trời 183, TBR89, ST24, QL301, BC15 kháng đạo ôn. Theo khuyến cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm nay là năm nhuận (hai tháng 4) nên các địa phương cần thực hiện nghiêm lịch gieo cấy. Cụ thể, mạ dược và mạ dày xúc gieo từ ngày 19 đến 22-1, cấy từ 10-2 trở đi; mạ nền gieo từ 28 đến 31-1, cấy từ 10 đến 20-2 và gieo sạ từ ngày 9 đến 13-2. Để bảo đảm lịch gieo cấy, hiện nay các địa phương đang tập trung huy động phương tiện cày lật đất làm ải, khoanh vùng những diện tích trũng để làm dầm và triển khai các biện pháp diệt lúa chét, cỏ dại; đồng thời thực hiện tốt công tác vệ sinh đồng ruộng, tiêu diệt tàn dư thực vật; phát động nhân dân ra quân diệt chuột đồng loạt với phương châm “Nhà nhà diệt chuột, người người diệt chuột”, diệt ốc bươu vàng đầu vụ; tranh thủ tối đa các đợt xả nước của các hồ thủy điện và mức nước triều để thau chua, rửa mặn và phèn, phấn đấu hoàn thành công tác làm đất trước Tết âm lịch để đảm bảo “ruộng chờ mạ”.

Theo nhận định của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, vấn đề cần đặc biệt quan tâm trong vụ xuân năm 2020 là tình trạng khí hậu biến đổi khó lường, trong khi nguồn bệnh mang vi-rút vẫn còn tồn tại trên đồng ruộng nên tiềm ẩn bùng phát bệnh lùn sọc đen hại lúa. Vì vậy, cùng với việc kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống bệnh lùn sọc đen năm 2020 ở cả 3 cấp, các địa phương tập trung tuyên truyền về tác hại, mức độ nguy hiểm, nguyên nhân và triệu chứng bệnh lùn sọc đen hại lúa; tổ chức tập huấn, hướng dẫn các biện pháp phòng trừ cho nông dân. Bên cạnh đó, ngay từ thời điểm gieo mạ cần tổ chức che phủ nilon để chống rét và rầy xâm nhập; tổ chức gieo cấy tập trung, bảo đảm đúng khung thời vụ, khuyến khích gieo cấy “3 cùng” và sản xuất theo phương thức cánh đồng lớn. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố chủ động điều tra, giám sát sự biến động mật độ rầy lưng trắng trên mạ, lúa xuân và thường xuyên lấy mẫu giám định... để khuyến cáo biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả. Mặt khác chủ động thực hiện bón phân cân đối N-P-K theo hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tuyệt đối không lạm dụng phân đạm nhằm tạo giàn lúa khỏe, phát triển đồng đều ngay từ đầu vụ, tăng sức đề kháng trước các loại dịch bệnh cho lúa xuân.

Kết quả sản xuất vụ xuân 2020 có vai trò quan trọng trong việc hoàn thành các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Vì vậy các huyện, thành phố cần bám sát định hướng của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tích cực triển khai các biện pháp cụ thể và phù hợp với điều kiện của địa phương nhằm bảo đảm giành thắng lợi, gia tăng giá trị sản xuất nâng cao thu nhập cho nông dân./.

Bài và ảnh: Văn Đại


 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com