Nhận thức rõ ý nghĩa và tầm quan trọng của tín dụng chính sách đối với công tác giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, thời gian qua Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Xuân Trường đã tranh thủ được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương, thực hiện có hiệu quả công tác tín dụng chính sách trên địa bàn.
Giao dịch tại trụ sở Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Xuân Trường. |
Lãnh đạo Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Xuân Trường đã tham mưu cho huyện xây dựng kế hoạch và tổ chức quán triệt nội dung Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22-11-2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội đến lãnh đạo cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương và các tổ chức chính trị, xã hội trong toàn huyện, đội ngũ cán bộ ban quản lý tổ tiết kiệm và vay vốn, bí thư chi bộ, trưởng các thôn, xóm từ đó phát huy tối đa vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với hoạt động tín dụng chính sách. Công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách được triển khai nghiêm túc, bài bản đã góp phần nâng cao nhận thức của cấp uỷ, chính quyền các cấp, các ban, ngành, đoàn thể về vai trò quan trọng của tín dụng chính sách trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới và đảm bảo an sinh xã hội của địa phương, từ đó tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên trong kế hoạch công tác của địa phương, đơn vị; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện tốt các nhiệm vụ của mình. Hàng năm, UBND huyện Xuân Trường đều chủ động dành một phần ngân sách huyện cho Ngân hàng Chính sách xã hội để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo trên địa bàn. Đến nay, số vốn chuyển từ ngân sách địa phương sang Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để cho vay đạt gần 2 tỷ đồng. Huyện chỉ đạo các xã, thị trấn thường xuyên phối hợp, tăng cường công tác tuyên truyền trên hệ thống Đài phát thanh về các chủ trương, chính sách tín dụng ưu đãi của Đảng, Nhà nước, của Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác; các mô hình, gương tiêu biểu sử dụng hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách… tạo sự đồng thuận cao trong triển khai, thực hiện chương trình tín dụng ưu đãi trên địa bàn. Để đảm bảo chất lượng tín dụng, an toàn vốn, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện phối hợp với UBND các xã, thị trấn, các tổ chức chính trị, xã hội nhận ủy thác thường xuyên tổ chức tập huấn củng cố, kiện toàn nâng cao năng lực kiến thức nghiệp vụ của cấp hội nhận ủy thác, bộ phận quản lý, điều hành các tổ tiết kiệm và vay vốn đảm bảo nguồn vốn ưu đãi được đầu tư đúng đối tượng bảo đảm công khai, dân chủ. Phối hợp với cấp ủy, chính quyền 20 xã, thị trấn trong huyện mở điểm giao dịch tại trụ sở UBND xã, thị trấn tạo điều kiện cho khách hàng giao dịch thuận lợi. Thông qua hoạt động của các điểm giao dịch xã, các chính sách tín dụng ưu đãi, kết quả hoạt động tín dụng chính sách được công khai, giúp cấp ủy Đảng, chính quyền kịp thời nắm bắt và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện thủ tục hồ sơ vay vốn, thu tiền gốc, tiền lãi. Hàng năm, Ban đại diện Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã xây dựng chương trình và tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi trên địa bàn. Định kỳ hàng quý, tại các cuộc họp giao ban của huyện với lãnh đạo các xã, thị trấn, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện báo cáo kết quả thực hiện công tác tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác; tham mưu với Huyện ủy, UBND, Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội huyện kịp thời chỉ đạo thực hiện tốt công tác tín dụng ưu đãi trên địa bàn... Nhờ đó, thời gian qua công tác tín dụng ưu đãi trên địa bàn huyện Xuân Trường đã đạt được những kết quả tích cực. Đến hết năm 2018, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách cho vay
đạt 262 tỷ 508 triệu đồng, với 12.972 hộ có dư nợ, chiếm tỷ lệ 23,8% tổng số hộ dân trên địa bàn. Trong những năm qua, bình quân mỗi năm Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã giải ngân cho khoảng 3.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn. Dư nợ tín dụng chính sách luôn tăng trưởng cao qua các năm với tốc độ bình quân đạt 63%/năm. Từ nguồn vốn tín dụng chính sách đã có 16.145 lượt hộ nghèo, cận nghèo được vay vốn, trong đó có 2.929 hộ đã thoát nghèo, cận nghèo, tạo việc làm cho hơn 17 nghìn lao động, có 2.000 học sinh, sinh viên con hộ nghèo, cận nghèo, hộ có khó khăn về tài chính được vay vốn đảm bảo điều kiện theo học tại các trường đại học, cao đẳng; xây dựng 19.500 công trình nước sạch, công trình vệ sinh môi trường nông thôn, góp phần nâng cao điều kiện sinh hoạt cho người dân; xây dựng 232 căn nhà cho hộ nghèo, giải quyết được gần 50% số hộ có nhà ở dột nát và chưa có nhà ở trên địa bàn, đóng góp tích cực vào việc bảo đảm an sinh xã hội. Chất lượng tín dụng tốt luôn được duy trì qua các năm, tỷ lệ nợ quá hạn luôn ở mức thấp so với tổng dư nợ, không có tình trạng nợ xâm tiêu, chiếm dụng vốn... Thông qua việc vay vốn, việc huy động tiền gửi của hộ vay qua tổ tiết kiệm và vay vốn đã tạo cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận với các dịch vụ tài chính, tạo thói quen tiết kiệm tích lũy.
Với sự chỉ đạo sát sao của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở, sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức chính trị, xã hội và sự nỗ lực của tập thể cán bộ, nhân viên Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Xuân Trường cùng mạng lưới tổ tiết kiệm và vay vốn, nguồn vốn tín dụng chính sách đã được chuyển tải kịp thời đến đúng đối tượng thụ hưởng, góp phần tích cực vào việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới ở địa phương./.
Bài và ảnh: Văn Đại