Xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định trong các doanh nghiệp được các cấp công đoàn trong tỉnh xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm giải quyết thỏa đáng mối quan hệ vốn rất “nhạy cảm” giữa người quản lý, sử dụng lao động với người lao động bảo đảm sự phát triển bền vững của doanh nghiệp; bảo vệ quyền và lợi ích cho người lao động.
Theo đó thời gian qua, các cấp công đoàn đã đẩy mạnh công tác xây dựng mô hình điểm về “Công đoàn tham gia xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp”; tích cực phối hợp với các ngành chức năng tiến hành thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động, Luật Công đoàn tại các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, các cấp công đoàn thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của tổ chức công đoàn; chú trọng thành lập mới tổ chức công đoàn và phát triển đoàn viên trong các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp tư nhân; chủ động nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể theo đúng các quy định của pháp luật; lấy đối thoại, thương lượng, thỏa thuận làm phương tiện để phát huy dân chủ; thể hiện tốt vai trò đại diện và bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động trong doanh nghiệp. Tiêu biểu như Công đoàn ngành Công thương hiện đang quản lý 31 công đoàn cơ sở (CĐCS); trong đó có 2 CĐCS hành chính sự nghiệp và 29 CĐCS sản xuất, kinh doanh với tổng số 12.097 CNVCLĐ, 9.861 đoàn viên công đoàn. Nhận thức được tầm quan trọng, vai trò của Công đoàn ngành trong tham gia xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ tại doanh nghiệp, Ban thường vụ Công đoàn ngành đã chỉ đạo ban chấp hành các CĐCS phối hợp với chủ doanh nghiệp vận động công nhân tích cực thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, góp phần đưa doanh nghiệp phát triển. Huy động mọi lực lượng trong doanh nghiệp và xã hội để tổ chức chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân và gia đình họ. Vận động người lao động tham gia các hoạt động xã hội, bảo vệ môi trường hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau trong công việc, trong cuộc sống, đấu tranh ngăn chặn các tệ nạn xã hội. Tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ CĐCS về nâng cao kỹ năng thương lượng, đại diện cho người lao động tham gia ký kết thỏa ước lao động tập thể và thỏa thuận với người sử dụng lao động trong việc giải quyết các vấn đề bức xúc của công nhân. Bên cạnh đó nhiều đơn vị đã quan tâm đầu tư, mở rộng sản xuất, phát triển thị trường tiêu thụ, đa dạng hoá ngành nghề, nâng cao chất lượng sản phẩm, góp phần tạo thêm việc làm cho người lao động. Điển hình như: Cty CP May Sông Hồng, Cty CP Dệt may Sơn Nam, Cty CP Dây lưới thép Nam Định… Thực hiện Nghị định số 60 ngày 19-6-2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc, Công đoàn ngành Công thương chỉ đạo các CĐCS chủ động phối hợp với lãnh đạo đơn vị thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở. Phần lớn các đơn vị sản xuất, kinh doanh đã tổ chức tốt hội nghị người lao động; tiến hành ký kết thỏa ước lao động tập thể. Một số CĐCS đã xây dựng quy chế đối thoại định kỳ tại nơi làm việc 3 tháng 1 lần và đột xuất khi một bên có yêu cầu. Các CĐCS còn tham gia với chuyên môn cải thiện điều kiện làm việc như: chống nóng, trang bị bảo hộ lao động, bồi dưỡng độc hại, tham quan nghỉ mát, hỗ trợ tiền thuê nhà trọ, tiền ăn ca cho công nhân lao động. Điển hình như công đoàn các đơn vị: Cty CP May Nam Hà, Cty CP Dây lưới thép Nam Định, Cty CP Dệt may Sơn Nam, Cty CP May Sông Hồng...
|
Cty CP May Nam Hà (TP Nam Định) là một trong những doanh nghiệp tiêu biểu chăm lo quyền lợi người lao động. |
Việc xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định trong các doanh nghiệp đã góp phần giảm thiểu đáng kể các vụ ngừng việc tập thể, tăng năng suất lao động và hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Năm 2015, toàn tỉnh chỉ xảy ra 4 vụ ngừng việc tập thể do việc trả tiền lương, tiền thưởng Tết của Cty cho người lao động chưa hợp lý và không công khai kịp thời. LĐLĐ tỉnh đã hướng dẫn Công đoàn cấp trên cơ sở phối hợp với các ngành chức năng kịp thời vào cuộc, hỗ trợ CĐCS tham gia với doanh nghiệp giải quyết, giúp doanh nghiệp ổn định tình hình và động viên công nhân lao động tiếp tục yên tâm lao động sản xuất. Việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ còn góp phần nâng cao vị thế, uy tín của tổ chức Công đoàn thông qua việc hướng dẫn, giúp đỡ người lao động ký kết hợp đồng lao động với người sử dụng lao động; đại diện cho tập thể lao động xây dựng, thương lượng và ký thỏa ước lao động tập thể; tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động; kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật liên quan đến người lao động. Đồng thời, đại diện tập thể lao động thương lượng với người sử dụng lao động giải quyết những yêu cầu, kiến nghị chính đáng của người lao động, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của họ, chống lại hành vi vi phạm pháp luật, ngăn ngừa các tranh chấp lao động đáng tiếc xảy ra.
Thời gian tới, các cấp Công đoàn tiếp tục có những giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả việc xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp; trong đó tập trung vào việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đời sống người lao động, nhận thức của người lao động về trách nhiệm đối với sự phát triển của doanh nghiệp; tăng cường kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp trong việc thực hiện quy chế, quy định về quyền và nghĩa vụ của người lao động cũng như của doanh nghiệp; xây dựng quy chế dân chủ ở cơ sở gắn liền với việc xây dựng mối quan hệ hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp. Riêng trong năm 2016, Công đoàn các cấp tập trung thực hiện tốt các chỉ tiêu: tham gia chỉ đạo 70% doanh nghiệp có tổ chức công đoàn tổ chức hội nghị người lao động, 63% doanh nghiệp có tổ chức công đoàn ký kết và thực hiện thỏa ước lao động tập thể. LĐLĐ tỉnh phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh kiểm tra thực hiện pháp luật lao động ít nhất tại 10 doanh nghiệp; mỗi LĐLĐ huyện, thành phố, Công đoàn ngành phối hợp tổ chức ít nhất 2 cuộc kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động tại các doanh nghiệp./.
Bài và ảnh:
Lam Hồng