Miến Nghĩa Sơn

09:06, 03/06/2016

Ông Nguyễn Văn Cầu, năm nay bước sang tuổi 75, ở xóm 1, thôn Quần Liêu; một trong những người đầu tiên làm nghề miến ở Nghĩa Sơn cho biết: Ông học được nghề này từ khi đi làm giúp ông cậu ruột. Khoảng những năm 1980 của thế kỷ trước, ông Tắc ở Thái Nguyên chuyển về định cư tại quê nhà và mang theo nghề làm miến. Thời ấy kinh tế khó khăn nên ông Cầu đến làm giúp cậu để có thêm thu nhập. Vài năm sau, ông Tắc già yếu không làm nghề nữa, ông Cầu mới tách ra làm riêng và chỉ sản xuất loại miến dong theo phương pháp thủ công truyền thống. Nguyên liệu chính để làm miến là bột dong được nhập về từ các tỉnh miền núi và cả từ các xã, huyện xung quanh chuyển sang. Làm miến là nghề nhọc nhằn vất vả bởi vì tất cả các công đoạn đều phải rất tỉ mỉ, nhất là phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết. Chỉ những hôm trời nắng mới làm được, còn trời mưa hoặc âm u thì đành nghỉ vì nếu có cố làm thì sản phẩm cũng không đạt tiêu chuẩn. Nghề miến rút thủ công xưa chỉ làm được khoảng 4-5 tháng trong năm với rất nhiều công đoạn. Đầu tiên là khâu “rửa bột”. Bột dong phải ngâm nước và đảo đều khoảng 2-3 tiếng, sau đó để lắng và gạn hết nước ra, bột sạch ở bên trên, cát và sạn lắng xuống dưới. Bột sạch được cho vào nồi to nấu trong khoảng 30 phút, trong khi nấu phải rất chú ý đảo đều tay để bột không bị sát, vón… Sau khi hoàn thành những công đoạn chuẩn bị nguyên liệu trên, bột chín được đổ vào thùng ép (dài khoảng 50cm, đường kính 10cm, phía đáy thùng đục lỗ nhỏ theo kích cỡ sợi miến, phía trên có cần ép). Sợi miến dài khoảng 2m, được gấp nếp, xếp lần lượt thành từng bó rồi mang ra phơi. Nghề thủ công nhiều khâu nên rất tốn lao động và phải là lao động khỏe. Mỗi ngày chỉ sản xuất được khoảng 40-50kg mà cần đến 5-7 lao động làm việc cật lực mới xong. Vì thế, suốt một thời gian dài, ở xã Nghĩa Sơn, ngoài hộ ông Cầu chỉ có thêm một hộ nữa là ông Bùi Đình Hiển cũng ở xóm 1 theo nghề. Sản phẩm không nhiều nên chỉ tiêu thụ loanh quanh địa phương. Do vậy sản xuất miến dong chỉ được coi là nghề phụ, giúp cải thiện thu nhập lúc nông nhàn rảnh rỗi.

Phơi miến dong ở cơ sở sản xuất của ông Bùi Văn Long, xóm 1, thôn Quần Liêu, xã Nghĩa Sơn.
Phơi miến dong ở cơ sở sản xuất của ông Bùi Văn Long, xóm 1, thôn Quần Liêu, xã Nghĩa Sơn.

Đổi mới cơ chế kinh tế đã mở ra cơ hội lớn cho nhiều nghề truyền thống ở nông thôn phát triển, tạo công ăn việc làm cho lao động nông thôn, nhiều nghề phụ nhưng mang lại thu nhập chính cho các gia đình. Thừa kế nghề của các cụ Tắc, cụ Hiệp, cụ Cầu… là các con trai như các anh: Bùi Văn Hoan (con trai cụ Hiệp); Nguyễn Văn Hưởng, Nguyễn Văn Hùng (con trai cụ Cầu) đều theo nghề và coi làm miến là phương kế sinh nhai chính của gia đình. Tuy nhiên, thời các anh Hoan, Hùng, Hưởng làm nghề đỡ vất vả hơn các cụ vì có máy móc hỗ trợ và công nghệ sản xuất tiên tiến hơn, thị trường được mở rộng. Từ năm 2000 đến nay, nhiều công đoạn nặng nhọc đã được máy móc thay thế sức người như “rửa bột” và ép bột. Công nghệ đã thay đổi, không phải nấu bột chín nữa mà chỉ cần nấu chín 10% tổng lượng bột, trộn với 90% bột sống và máy tự ép bột thành sợi miến. Nhờ có sự hỗ trợ đắc lực của máy móc, năng suất lao động và sản lượng sản phẩm mỗi ngày cũng được nâng lên gấp từ 8-10 lần so với trước. Do vậy nếu như trước kia mỗi ngày cần 6-7 lao động để sản xuất được 50kg miến thì giờ chỉ cần 3-4 lao động cho một ngày sản xuất và mỗi ngày bình quân sản xuất được từ 5-6 tạ miến sản phẩm. Từ chỗ chỉ sản xuất mỗi một loại sản phẩm là miến dong, đến nay, người làm miến ở Nghĩa Sơn đã có sự thích nghi mạnh với nhu cầu của thị trường, sản xuất thêm được sản phẩm miến gạo (bánh đa sợi). Kế thừa nghề gia truyền, từ năm 2000, anh Nguyễn Văn Hùng đã đầu tư trên 20 triệu đồng mua một dàn máy chuyên sản xuất miến gạo. Hầu hết các công đoạn nặng nhọc trước đây của nghề làm miến đã được máy móc thay thế. Gạo làm bánh đa thường là các giống: Ải 32; Q5 được nhập từ các tỉnh lân cận. Năng suất tăng lên, người làm nghề đã chú trọng khâu tiêu thụ, phát triển thị trường. Sản phẩm miến Nghĩa Sơn từ chỗ chỉ tự cung, tự cấp trong vùng đã được xuất bán đi các tỉnh. Số hộ sản xuất cũng tăng thêm đến nay ở Nghĩa Sơn đã có gần chục hộ làm nghề, tạo việc làm thường xuyên và thu nhập ổn định cho 60-70 lao động với mức từ 150-160 nghìn đồng/người/ngày.

Để nghề làm miến truyền thống của địa phương có cơ hội phát triển bền vững, đồng chí Trần Ánh Dương, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Sơn khẳng định: Trong nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng ủy, UBND xã xác định làm miến là một nghề tiểu thủ công nghiệp, cùng với dệt chiếu và đóng tàu, là nghề có đóng góp quan trọng trong đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của địa phương. Vì thế, xã luôn tạo điều kiện, khuyến khích, hỗ trợ tối đa các điều kiện và đặc biệt là thông tin, hướng dẫn về những vấn đề bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm cho các hộ làm nghề và nhân dân. Xã cũng đang hoàn thiện hồ sơ kiến nghị với UBND huyện công nhận và đưa nghề làm miến vào quy hoạch phát triển sản xuất CN-TTCN, ngành nghề nông thôn huyện Nghĩa Hưng giai đoạn 2016-2020./.

Bài và ảnh: Thành Trung

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com