Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, huyện Hải Hậu đã áp dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật mới, thâm canh tăng năng suất cây trồng, vật nuôi như: sử dụng một số giống lúa ngắn ngày có năng suất, chất lượng cao, các mô hình cánh đồng mẫu lớn (CĐML), mô hình cánh đồng liên kết sản xuất theo chuỗi, các mô hình chuyển đổi đất trồng lúa, sản xuất muối kém hiệu quả sang sản xuất các đối tượng khác có giá trị kinh tế cao, khuyến khích xây dựng các trang trại, gia trại chăn nuôi tập trung...
Sau khi hoàn thành dồn điền đổi thửa, toàn huyện tập trung chỉnh trang đồng ruộng, hoàn thiện các công trình giao thông, thuỷ lợi nội đồng, đẩy mạnh triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Cơ cấu cây trồng của Hải Hậu chuyển dịch tích cực theo hướng sản xuất hàng hóa. Các giống lúa dài ngày, năng suất cao nhưng chất lượng thấp được thay thế nhanh bằng các giống mới ngắn ngày có năng suất, chất lượng khá đáp ứng yêu cầu thị trường như: BT7, BC15, RVT... Bên cạnh việc đưa các giống lúa mới vào sản xuất, huyện duy trì và nâng cao chất lượng thương hiệu sản phẩm lúa gạo của địa phương như: gạo tám xoan, gạo nếp cái hoa vàng… Cơ giới hóa các khâu sản xuất ngày càng mở rộng, hầu hết các xã, thị trấn trong huyện đều tổ chức được các mô hình sản xuất CĐML, cùng với việc đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật đã góp phần duy trì năng suất lúa cao, đạt gần 130 tạ/ha/năm. Để tăng vụ sản xuất, nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích đất canh tác, huyện quy hoạch và đưa vào sản xuất các vùng 2 lúa kết hợp sản xuất vụ đông. Vụ đông ở Hải Hậu luôn đa dạng hóa các loại cây có giá trị, hiệu quả kinh tế cao, dễ tiêu thụ sản phẩm và sản xuất hàng hóa theo nhu cầu thị trường cho nông dân. Nhiều xã đã trở thành vùng trồng cây vụ đông truyền thống, có thế mạnh sản xuất vụ đông tập trung như: vùng trồng cây bí xanh ở các xã Hải Tân, Hải Toàn, Hải Đường; vùng trồng rau các loại ở các xã Hải Phong, Hải Phú; vùng sản xuất cà chua ở các xã Hải Tây, Hải Cường, Hải Xuân… ngay trên đất 2 lúa. Bước đầu Hải Hậu đã xây dựng một số mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Điển hình là các mô hình: liên kết sản xuất khoai tây giống tại các xã Hải Hà, Hải Phúc và Thị trấn Thịnh Long với Cty CP Giống cây trồng Nam Định; mô hình trồng dưa chuột bao tử xuất khẩu tại các xã Hải An, Hải Ninh, Hải Toàn, Hải Tây với Cty TNHH Bao bì kim loại CFC… Bên cạnh việc thâm canh 2 vụ lúa, huyện còn tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao. Từ những diện tích trồng lúa kém hiệu quả, nhiều địa phương trong huyện đã phát triển mạnh cây cảnh, cây hoa, cây ăn quả và các loại cây rau màu. Đặc biệt, nhiều hộ cải tạo vườn tạp, tận dụng đất chuyển đổi, đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây dược liệu với quy mô lớn. Hiện nay, trên địa bàn huyện đã phát triển được 457ha trồng các cây dược liệu đinh lăng, diệp hạ châu, thìa canh, bạc hà, ngải cứu... Hải Hậu là 1 trong 2 huyện của tỉnh được chọn thực hiện Dự án “Phát triển các hoạt động thương mại sinh học trong lĩnh vực hợp chất tự nhiên tại Việt Nam” ở nội dung: Phát triển dược liệu đinh lăng theo Hướng dẫn thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc của Tổ chức Y tế thế giới (GACP-WHO). Hiện giá trị sản xuất của huyện Hải Hậu đạt trên 100 triệu đồng/ha đất canh tác.
|
Trang trại nuôi gà đẻ trứng đạt tiêu chuẩn VietGAHP của ông Nguyễn Văn Công, xã Hải Xuân. |
Cùng với trồng trọt, chăn nuôi của Hải Hậu cũng phát triển mạnh về cả số lượng và chất lượng. Việc ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, thực hiện quy trình chăn nuôi an toàn sinh học đã được chú trọng thực hiện như: nuôi lợn ngoại tỷ lệ nạc cao, vịt siêu trứng, chăn nuôi trong hệ thống chuồng nuôi kín, nhiều trang trại đã thực hiện việc xử lý chất thải chăn nuôi bằng hệ thống bi-ô-ga... Phương thức chăn nuôi đang chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ, tận dụng sang chăn nuôi tập trung quy mô ngày càng lớn theo hướng nuôi công nghiệp và bán công nghiệp, đảm bảo vệ sinh môi trường. Các điều kiện vật chất, kỹ thuật và biện pháp thâm canh trong chăn nuôi ngày càng được tăng cường và từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển chăn nuôi hàng hóa. Toàn huyện có 151 trang trại đạt tiêu chí mới, trong đó có trang trại chăn nuôi gà đẻ trứng của ông Nguyễn Văn Công, xã Hải Xuân với quy mô 21 nghìn con được Bộ NN và PTNT cấp giấy chứng nhận VietGAHP. Chăn nuôi lợn hướng nạc, lợn nái sinh sản đang có xu hướng phát triển nhanh; tỷ trọng lợn lai kinh tế, lợn thịt hướng nạc tăng nhanh trong cơ cấu đàn. Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng của huyện đạt trên 21,5 nghìn tấn/năm. Công tác tiêm phòng và vệ sinh thú y, phòng chống dịch bệnh được thực hiện hiệu quả, tỷ lệ tiêm phòng vắc-xin cho gia súc, gia cầm hằng năm đạt kết quả cao, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh xảy ra. Huyện cũng đã chuyển đổi thành công được 914ha diện tích cấy lúa, sản xuất muối kém hiệu quả sang nuôi trồng thuỷ sản (NTTS), đưa tổng diện tích NTTS của huyện đạt 2.300ha; trong đó diện tích nuôi nước ngọt 1.820ha, diện tích nuôi mặn lợ 480ha. Tổng sản lượng NTTS của huyện hằng năm ước đạt trên 8.000 tấn. Tại các vùng chuyển đổi ở Hải Châu, Hải An, Hải Xuân… nhiều đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao như cá diêu hồng, cá lóc bông, trắm đen… đạt 500-600 triệu đồng/ha. Trong nuôi thủy sản mặn lợ, các hộ đã tích cực đưa những đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Tôm thẻ chân trắng vẫn là đối tượng nuôi chủ lực của huyện, tổng diện tích nuôi đạt trên 200ha, tập trung ở các xã ven biển; giá trị sản xuất đạt trên dưới 1 tỷ đồng/ha/năm. Ngoài tôm thẻ chân trắng, tại các xã Hải Triều, Hải Hòa các loại tôm sú, cua xanh, cá song, cá mú… được các hộ nuôi theo phương thức quảng canh cải tiến, vốn đầu tư thấp, cũng cho hiệu quả khá. Từ những kết quả thiết thực trong đổi mới sản xuất nông nghiệp huyện đã từng bước tăng sức hấp dẫn thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Đến nay huyện đã thu hút được trên 40 doanh nghiệp đầu tư vào thu mua, chế biến nông sản; sản xuất giống lợn; chế biến thức ăn và tiêu thụ thịt lợn, lợn sữa; sản xuất giống thủy, hải sản; chế biến hải sản… Hiện Cty TNHH Đầu tư và Thương mại Biển Đông đang đầu tư xây dựng nhà máy giết mổ và chế biến thịt lợn tại xã Hải Nam. Nhà máy sử dụng công nghệ giết mổ tự động của Mỹ với công suất 250-300 con lợn tạ/giờ, công nghệ chế biến sâu của châu Âu. Dự kiến cuối năm 2016, nhà máy đi vào hoạt động, Cty sẽ tổ chức chuỗi liên kết với các hộ chăn nuôi trong và ngoài huyện, giúp người chăn nuôi không bị thương lái ép giá, bảo đảm an toàn lợi nhuận cho người chăn nuôi.
Đồng chí Vũ Văn Triển, Trưởng Phòng NN và PTNT huyện cho biết: Để thực hiện thành công đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, huyện Hải Hậu đã xây dựng lộ trình thực hiện cụ thể. Từ nay đến hết năm 2016, huyện tiếp tục xây dựng, điều chỉnh các quy hoạch sản xuất: quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung xa khu dân cư, quy hoạch vùng sản xuất, quy hoạch vùng NTTS, quy hoạch làng nghề gắn với điều chỉnh quy hoạch đất đai, giao thông, thuỷ lợi, điện, môi trường nông thôn; hoàn thành việc thành lập mới và tổ chức Đại hội thành viên các HTX nông nghiệp và diêm nghiệp theo Luật HTX năm 2012. Trong năm 2017, huyện sẽ hoàn thành xây dựng cơ sở hạ tầng các vùng sản xuất theo quy hoạch đã được phê duyệt; thành lập và Đại hội thành viên các HTX chuyên ngành; thúc đẩy xây dựng các chuỗi liên kết trong sản xuất, các vùng sản xuất chuyên canh; xây dựng các mô hình sản xuất lúa, rau an toàn, hoa công nghệ cao, NTTS thâm canh làm cơ sở để nhân ra diện rộng. Từ năm 2018 đến năm 2020, hoàn thành việc đưa các trang trại, gia trại chăn nuôi trong khu dân cư đến sản xuất tại vùng đã quy hoạch; mở rộng diện tích gieo sạ, diện tích sử dụng máy làm đất công suất lớn và máy gặt đập liên hợp trong sản xuất lúa; mở rộng diện tích NTTS theo phương thức thâm canh và bán thâm canh; đẩy mạnh đóng mới tàu khai thác hải sản xa bờ; tiếp tục xây dựng và nâng cao chất lượng các chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp…
Bài và ảnh:
Ngọc Ánh