Bảo quản và chế biến nông sản sau thu hoạch là một trong những khâu quan trọng nhất của quy trình sản xuất nhằm giảm tổn thất, nâng cao chất lượng, giá trị nông sản, tăng tính cạnh tranh cho nông sản khi ra thị trường. Tuy nhiên, hiện nay công nghệ bảo quản, chế biến nông sản chưa được nông dân và các cơ sở thu mua trong tỉnh quan tâm đúng mức. Hầu hết mới chỉ dừng ở bước sơ chế và xuất bán thô, không thực hiện đầy đủ các quy trình, quy chuẩn kỹ thuật. Điều này không những gây ảnh hưởng đến chất lượng mà còn làm hạn chế sức cạnh tranh, khả năng tiêu thụ nông sản.
Thu hoạch vào thời tiết bất thuận sẽ làm giảm năng suất và chất lượng nông sản (Trong ảnh: Nông dân xã Nam Hùng, Nam Trực thu hoạch khoai tây trong đợt mưa dầm cuối vụ đông 2015). |
Sau dồn điền đổi thửa, các địa phương đã và đang đẩy mạnh xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp tập trung theo hướng hàng hóa và chuyên canh cao như: Vùng sản xuất lúa chất lượng cao được quy hoạch ở tất cả các chân ruộng hai vụ lúa chủ động nước; vùng sản xuất khoai tây, lạc tập trung ở các xã, thị trấn: Yên Đồng, Yên Cường, Yên Nhân (Ý Yên); Nam Hùng, Nam Hoa, Nam Giang (Nam Trực); vùng sản xuất rau ở các xã Giao Phong, Giao Yến (Giao Thủy), Nam Dương (Nam Trực); Yên Dương (Ý Yên); vùng trồng cà chua Hải Tây, Hải Xuân (Hải Hậu); Nghĩa Hồng, Quỹ Nhất (Nghĩa Hưng); vùng trồng cải dầu vụ đông Hải Tân (Hải Hậu)… Cơ cấu mùa vụ có sự chuyển biến mạnh mẽ theo hướng tích cực; nhiều giống cây trồng mới có năng suất cao, chất lượng tốt được đưa vào sản xuất diện rộng, góp phần tăng năng suất, sản lượng và tăng giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác. Hằng năm, sản lượng lúa của tỉnh đạt 930 nghìn tấn, khoai tây 30 nghìn tấn, lạc 25 nghìn tấn, đậu tương 6.000 tấn và các loại rau khác 360 nghìn tấn… Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhưng giá trị kinh tế từ sản xuất nông nghiệp thu được vẫn chưa tương xứng với sự đầu tư. Một trong những nguyên nhân quan trọng là do hạn chế trong việc bảo quản và chế biến sau thu hoạch. Thực tế đang diễn ra hiện nay, đó là người dân chưa quan tâm đúng mức về việc thực hiện quy trình khép kín từ khâu sản xuất đến bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản sau thu hoạch. Chẳng hạn với lúa, hầu hết sau khi thu hoạch, các hộ nông dân thường làm khô một cách thủ công phơi dưới ánh nắng mặt trời. Phương pháp này thường bị động, nhất là vào mùa mưa, ảnh hưởng đến chất lượng nông sản. Chị Phạm Thị Hương, nông dân xã Trực Đạo (Trực Ninh) cho biết: Mỗi vụ, gia đình tôi cấy hơn 1 mẫu lúa, năng suất bình quân thường đạt từ 1,8-2 tạ/sào. Tuy nhiên, việc bảo quản lúa thường gặp rất nhiều khó khăn. Nhất là ở vụ mùa, vào thời điểm thu hoạch thường mưa, nắng thất thường, nếu gặt về không phơi được nắng hạt thóc rất dễ bị “vào hơi”. Chẳng may gặp mưa bị ẩm, hoặc mưa kéo dài nhiều ngày hạt còn bị nảy mầm thì chúng tôi phải bán với giá rẻ, có khi còn không bán được. Trong vụ đông vừa qua, nhiều diện tích khoai tây ở huyện Nam Trực thu hoạch đúng đợt mưa rét kéo dài. Bà Vũ Thị Hoa, xã Nam Hùng (Nam Trực) cho biết: Dù vụ khoai tây đông này được giá, tuy nhiên chúng tôi thu hoạch đúng thời điểm mưa dầm làm chất lượng củ giảm nên giá bán vẫn chưa tương xứng với thực tế. Có một lượng khoai tây chưa kịp bán mang về nhà để được vài ngày đã bị thối, một số bị lên mộng phải bỏ, làm ảnh hưởng không nhỏ đến sản lượng thu hoạch. Không chỉ lúa, khoai tây mà lạc cũng gặp không ít khó khăn sau thu hoạch. Anh Nguyễn Văn Khánh, xã Yên Nhân (Ý Yên) cho biết: Mỗi vụ xuân, gia đình tôi thường trồng 5 sào lạc, năng suất bình quân đạt 180-200 kg/sào, sau khi thu hoạch chúng tôi thường cất trữ để “chờ giá”, nhưng do việc bảo quản không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật nên chỉ sau 1-2 tháng thì lạc thường xuống màu, bị ẩm nên khi bán bị tư thương kén chọn và ép giá.
Theo thống kê của tỉnh, hiện nay đối với cây lương thực, tỷ lệ tổn thất sản lượng trong và sau thu hoạch của lúa là 11-13%, ngô 13-15%, tập trung ở các khâu thu hoạch, phơi sấy, bảo quản và xay xát, chế biến. Ngoài sự tổn thất về sản lượng, nông sản còn bị sụt giảm đáng kể về chất lượng như: nhiễm aflatoxin đối với ngô làm giá hạt thương phẩm bị giảm từ 10-20%; gạo bị biến màu, giảm chất dinh dưỡng do không được làm khô kịp thời và đúng quy trình. Đối với rau quả bị tổn thất hơn 20% cả về sản lượng và chất lượng. Hằng năm, sản lượng nông sản của tỉnh bị tổn thất trong và sau thu hoạch là khá lớn: đối với lúa, ngô tới trên 100 nghìn tấn; rau, củ, quả trên 50 nghìn tấn. Hiện trên địa bàn tỉnh mới chỉ có số ít cơ sở chế biến rau quả đóng hộp, đông lạnh nông sản tươi sống và một số HTXDVNN có kho lạnh bảo quản khoai tây, còn lại phần lớn các sản phẩm nông sản tại các địa phương trong tỉnh được bảo quản, xử lý sau thu hoạch theo kinh nghiệm truyền thống, chế biến tinh chưa nhiều nên giá trị sản phẩm chưa cao, sức cạnh tranh hàng hóa thấp, chưa xây dựng được thương hiệu mạnh cho nông sản Nam Định. Sản phẩm lương thực chủ yếu là gạo phục vụ nhu cầu tiêu dùng thiết yếu trong tỉnh và một phần cho xuất khẩu tiểu ngạch. Việc bảo quản, chế biến nông sản mặc dù đã có bước phát triển nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu gia tăng giá trị và góp phần tiêu thụ nông sản cho nông dân. Nguyên nhân do trong sản xuất thực tế, quy mô của nhiều vùng sản xuất mặc dù đã được quy hoạch nhưng vẫn chưa đảm bảo về diện tích, nông dân chủ yếu vẫn canh tác, sản xuất với diện tích manh mún, nhỏ lẻ, thiếu tập trung. Điều này phần nào đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới việc tạo nguồn nguyên liệu ổn định cho công nghiệp chế biến cũng như tiêu thụ nông sản sau thu hoạch. Cùng với đó, người nông dân hoàn toàn bị động về thông tin thị trường, nhiều khi được mùa nhưng lại bị thương lái ép giá nên lợi nhuận không cao. Điều đó đã làm giảm khả năng tái đầu tư và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đầu tư cho các khâu sau thu hoạch nhằm nâng cao chất lượng nông sản của nông dân. Ngoài ra, nguyên nhân nữa là chưa có cơ chế, chính sách đủ mạnh hỗ trợ doanh nghiệp phát triển và nhân rộng các mô hình bảo quản, chế biến, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản và xác nhận quyền sở hữu các mặt hàng của địa phương…
Giảm tổn thất sau thu hoạch, nâng cao giá trị và tính cạnh tranh cũng như xây dựng thương hiệu, tạo lập vị thế cho nông sản địa phương trên thị trường là mục tiêu mà ngành NN và PTNT tỉnh đang hướng tới. Việc tập trung đầu tư công nghệ sau thu hoạch, nhất là các khâu sơ chế, chế biến, bảo quản và vận chuyển nông sản được coi là vấn đề then chốt. Để giải bài toán khó cho việc giảm tổn thất nông sản sau thu hoạch, trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa mang tính ổn định, đồng thời giải quyết đồng bộ các vấn đề: thị trường tiêu thụ, vốn đầu tư cho sản xuất, đầu tư hạ tầng cơ sở, đào tạo nâng cao trình độ kỹ thuật cho nông dân, đẩy mạnh cơ giới hóa vào các khâu trong quá trình sản xuất, áp dụng thành tựu tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất; đẩy mạnh các mô hình liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản giữa doanh nghiệp và nông dân… Đây là giải pháp cơ bản để tăng năng suất, chất lượng, giảm chi phí sản xuất, tăng sức cạnh tranh cho nông sản hàng hóa. Từng bước xây dựng thương hiệu cho từng loại sản phẩm nông sản. Khuyến khích các Cty, doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở chế biến, xuất khẩu để thúc đẩy việc tiêu thụ nông sản./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh