Người xưa từng đúc kết “Nuôi chim dưỡng trí, nuôi cây dưỡng đức, nuôi cá dưỡng thần”. Trong ba thú chơi tao nhã ấy, chơi chim cảnh hiện đang trở thành phong trào rộng khắp các địa phương trong tỉnh. Một món đồ không thể thiếu đối với người chơi chim cảnh là lồng chim. Cơ hội cho nghề của những người khéo tay, cẩn thận, có óc thẩm mỹ… “lên ngôi”. Ở Thành phố Nam Định người chơi chim cảnh biết đến những cái tên “Nghĩa Văn Miếu”; “Dũng Năng Tĩnh”; “Định Thượng Lỗi”; “Hòa cầu Sắt”…
Làm lồng chim cảnh tại gia đình ông Nguyễn Xuân Nghĩa, phường Văn Miếu (TP Nam Định). |
Ðam mê
Ông Nguyễn Xuân Nghĩa năm nay 52 tuổi, ngõ chợ Văn Miếu, đã có thâm niên trên 20 năm làm lồng chim cho biết: Sau khi hết hợp đồng lao động xuất khẩu ở CHLB Đức về nước năm 1990, ông có thời gian và điều kiện kinh tế để theo đuổi thú đam mê chơi chim cảnh. Giữa phố phường nhộn nhịp, sau những giờ lao động mệt nhọc, ngồi ngắm và nghe chim hót là thứ “thuốc bổ” góp phần thư giãn, giải tỏa căng thẳng của ông. Vì quá mê chim cảnh, mê tiếng hót của các loại chim, ông Nghĩa đã tốn rất nhiều thời gian và tiền bạc để “tậu” cho mình những chú chim họa mi, chào mào… ưng ý. Những năm đầu mới chơi chim cảnh, ông Nghĩa thường dùng lồng hình quả chuông (lồng Tàu) được nhập về từ Trung Quốc cho những chú chim cảnh mình yêu thích. Tuy nhiên, những chiếc lồng nhập từ nước ngoài này kiểu dáng đơn điệu, do được sản xuất hàng loạt nên hay mối mọt độ bền không cao. “Chim quý phải ở lồng son”. Khi thị trường có “mốt” lồng làm bằng sắt, i-nốc ông lại chuyển sang loại này nhưng vẫn không thỏa mãn. Đặc biệt loại lồng bằng chất liệu kim loại này dễ làm hại đến con vật nuôi yêu thích của ông. Từ đó, ông Nghĩa nảy ra ý nghĩ tự làm lồng cho những chú chim cảnh yêu quý của mình! Sau nhiều lần mày mò, nghiên cứu và đi tham quan tại những nơi có nghề làm lồng chim nổi tiếng tại Hà Tây (cũ), Huế… ông Nghĩa đã tự sản xuất được những chiếc lồng chim đầu tiên. Tự làm cho mình nên ông không tính toán thời gian, công sức, chăm chút hết sức cho từng chi tiết. Thế nên chiếc lồng nào ra đời cũng có nét đẹp riêng. Tiếng lành đồn xa, biết ông Nghĩa làm được lồng chim, bạn bè cùng chung đam mê nuôi chim cảnh đến đặt ông làm hộ rồi thành nghề. Vật liệu chính để làm lồng chim là tre, nứa nhưng muốn có được chiếc lồng chim bền, đẹp thì phải qua rất nhiều công đoạn. Không phải tre nào cũng làm được lồng mà phải là tre già, ít nhất cũng phải từ 6 năm tuổi trở lên. Tre tươi phải ngâm nước từ 45-50 ngày sau đó mang lên phơi nắng cho thật khô (khoảng 1-2 tháng) rồi mới mang ra “pha” thành những bộ phận như: đế, vanh, nan, cửa lồng, sàn, bàn chọi, quang (để treo hoặc xách). Tất cả các công đoạn pha chế nguyên liệu để làm lồng chim đều phải thật tỉ mỉ, chi tiết và chính xác tuyệt đối. Trong đó khâu khó nhất, tích tụ toàn bộ tài hoa của người thợ làm lồng chim là khâu làm vanh lồng và chuốt, uốn nan. Nan lồng chim được chuốt đều tăm tắp “trăm cái như một” và có kích cỡ tùy theo loại chim nuôi: lồng nuôi chim họa mi thường có cỡ nan khoảng 3mm; lồng nuôi các loại chích chòe, chào mào khoảng 2,5-3mm nhưng riêng lồng nuôi cu gáy lại chỉ dùng loại nan nhỏ cỡ 1-1,5mm. Tùy thuộc vào loại chim mà người chủ chọn dáng lồng, nhưng lồng chim cảnh thường có 2 loại chính là hình quả chuông và hình quả đào. Lồng hình quả đào làm khó hơn chuyên để nuôi chim cu gáy (loại chim hiền lành, không bay nhảy nhiều nên không cần loại lồng rộng, cao) còn lồng quả chuông cũng có nhiều loại như loại 3 vanh 60 nan; 4 vanh 64 nan…
Nhất nghệ tinh
Tìm đến những thợ làm lồng chim ở Thành Nam đều được tâm sự rằng để theo và làm nghề là do quá đam mê chứ nghề này không những đòi hỏi kiên nhẫn, tỉ mỉ, phải tuyệt đối chính xác, lại phải có đôi tay khéo léo, đôi mắt và tâm hồn thẩm mỹ thì mới làm được. Làm mỗi chiếc lồng chim đều phải như làm ngôi nhà cho chính mình ở vậy. Ông Trần Đình Dũng, ngụ tại số 1/59 đường Nguyên Hồng, phường Năng Tĩnh, trước kia làm nghề thợ mộc, khoảng 5 năm trở lại đây mới chuyển hẳn sang nghề làm lồng chim cảnh cho biết: làm lồng chim khâu nào cũng khó, nhưng có lẽ cầu kỳ, tỉ mỉ nhất là khâu uốn nan. Nguyên liệu tre, trúc có đặc tính dẻo dai, bền nên rất thích hợp làm lồng chim. Nan có thể uốn cong bằng nhiệt, sử dụng nước nóng hoặc hơ lửa, nhưng cách thường dùng nhất là luộc bằng nước nóng. Nan lồng chim được luộc trong nước sôi liên tục khoảng 1 tiếng, khi nào đủ độ “mềm” mới vớt ra để uốn, cố định trong khuôn tự chế. Uốn xong nan lồng phải cố định chặt rồi đem phơi thật khô để cứng trở lại và giữ nguyên hình dáng đã uốn. Tiếp đến là khâu khoan lỗ trên các vanh lồng để cắm nan, đây là khâu đòi hỏi sự chính xác. Tùy theo từng loại lồng mà tính toán khoảng cách để khoan lỗ sao cho khoảng cách giữa các nan thật đều nhau... Sau khi hoàn thành tất cả các công đoạn dựng khung, tạo hình lồng chim còn được gia công tăng độ bền bằng cách hun khói, hoặc quét dầu, sơn PU… Nếu hun khói phải hun bằng rơm, rạ liên tục trong khoảng 10-12 tiếng cho đến khi lồng chim chuyển sang màu vàng rơm hoặc cánh gián mới đạt tiêu chuẩn. Theo những người làm lồng chim cảnh, mỗi chiếc lồng chim thường có giá từ 400-500 nghìn đồng/chiếc; riêng những chiếc lồng đặt theo yêu cầu (thường gọi là lồng “kỹ”) có giá từ 2-2,5 triệu đồng/chiếc, thậm chí cả chục triệu đồng. Bởi những chiếc lồng này còn được trang trí trên phần vành, tay xách, chân đế lồng bằng các tích cổ, tranh vẽ chạm khắc mỹ thuật hết sức cầu kỳ. Người làm và người chơi tìm thấy thú vui giải trí khi ngắm những chi tiết được sáng tạo từ chính bàn tay con người, sự hài hòa giữa kiểu dáng “ngôi nhà” với những “chủ nhân” họa mi, sơn ca, cu gáy, chào mào… Chiếc lồng đẹp và con chim cùng tôn nhau lên đem lại niềm vui thư giãn cho người ngắm. Người thợ lành nghề như ông Định, ông Nghĩa cũng phải mất từ 4-5 ngày mới hoàn thành được một chiếc lồng chim thông thường, với lồng “kỹ” thì lâu hơn.
Tính ra, ngày công của người thợ làm lồng chim chỉ khoảng 150 nghìn đồng. Nhưng như nhiều nghề thủ công khác, nghề làm lồng chim không chỉ là phương kế mưu sinh chính đáng mà còn thỏa mãn niềm đam mê, tôn vinh sự tài hoa, khéo léo của con người, góp phần làm đẹp cho cuộc sống./.
Bài và ảnh: Thành Trung