Để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, thời gian qua và trong tương lai gần, việc gia tăng phát triển các ngành công nghiệp - dịch vụ, hình thành các khu, CCN mới tác động mạnh mẽ đến cơ cấu nhu cầu vật liệu xây dựng, trong đó nhu cầu về vật liệu san lấp, chủ yếu là cát đen (bao gồm cả cát sông và cát biển) phục vụ cho các công trình xây dựng ngày càng tăng cao, kéo theo hoạt động khai thác loại vật liệu này cũng gia tăng mạnh mẽ. Nếu không chủ động quản lý thì nguồn tài nguyên này dễ bị khai thác quá mức. Xác định tầm quan trọng của loại tài nguyên này, năm 2011, UBND tỉnh đã ban hành “Quy hoạch khai thác cát sông trên địa bàn tỉnh đến năm 2020” với 13 điểm mỏ cát sông trên 4 tuyến sông lớn là sông Hồng, sông Đáy, sông Đào và sông Ninh Cơ với tổng trữ lượng là 10,8 triệu m
3. Trong đó, cát làm vật liệu xây dựng trên 6 triệu m
3, cát làm vật liệu san lấp gần 2,9 triệu m
3 và cát phục vụ nuôi trồng thủy sản là 1,8 triệu m
3. Ngoài ra, tài nguyên cát biển còn có trữ lượng rất lớn tập trung ở các huyện Nghĩa Hưng, Giao Thủy đáp ứng đủ nhu cầu khoảng 80 triệu m
3 để phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh trong tương lai.
|
Khai thác cát sông tại Mom Rô, xã Trực Chính (Trực Ninh). |
Thời gian qua, các cấp, ngành đã tăng cường quản lý hoạt động khai thác cát theo quy hoạch. Sở TN và MT thường xuyên phối hợp với các ngành và địa phương tổ chức kiểm tra, xử lý các đối tượng khai thác trái phép và lập bến bãi tập kết cát không theo quy hoạch dọc theo 4 tuyến sông chính trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, thường xuyên cập nhật về số lượng và trữ lượng các khu vực đang thăm dò, khai thác. Tổ chức kiểm kê các khu vực đã thăm dò trữ lượng và đã đưa vào khai thác. Các doanh nghiệp khai thác cát đã nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong hoạt động như việc xin cấp giấy phép khai thác, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường hoặc đề án bảo vệ môi trường theo quy định. Tuy nhiên, tình trạng khai thác cát trái phép của tư nhân vẫn diễn ra ở một số điểm mỏ có phần trữ lượng chưa được cấp phép khai thác, những nơi chưa được khoanh vùng cắm phao tiêu, biển báo cấm khai thác như: khu vực cửa Ba Lạt, cửa Ninh Cơ, cửa Đáy và ven biển các huyện Nghĩa Hưng, Giao Thủy. Bên cạnh đó, do quy hoạch của tỉnh ta và các địa phương lân cận có sự trùng lắp điểm khai thác cát ở vùng giáp ranh làm gia tăng chi phí, giảm hiệu suất khai thác, dễ dẫn đến va chạm, tranh chấp giữa các doanh nghiệp cùng được cấp phép khai thác ở một vị trí. Cụ thể như: khu vực cửa Ba Lạt (sông Hồng) từ cửa sông Vọp trở lên đầu nguồn, mỏ cát Giao Thiện hiện được tỉnh ta giao cho Hội nuôi nhuyễn thể huyện Giao Thủy khai thác cát làm nguyên liệu phục vụ nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, đối diện mỏ cát này, đoạn sông thuộc địa phận tỉnh Thái Bình cũng được cấp phép cho Cty TNHH Đại Lợi khai thác cát. Tại điểm khai thác khu vực cửa Đáy (sông Đáy) và ven biển Nghĩa Hưng của tỉnh ta hiện có một dự án nạo vét khơi thông luồng giao thông đường thủy từ ngoài biển vào trong sông do tỉnh Ninh Bình cấp phép đang hoạt động. Do địa bàn giáp ranh nên việc đơn vị khai thác ngoài phạm vi được cấp phép rất khó ngăn chặn.
Để đảm bảo thực hiện đúng Luật Khoáng sản và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ san lấp và xây dựng cơ sở hạ tầng cho các dự án trọng điểm của tỉnh và nhu cầu của địa phương, tránh nguy cơ gây tranh chấp, mất an ninh trật tự trong hoạt động khai thác cát, tỉnh ta đã chủ động nghiên cứu bổ sung quy hoạch khai thác cát sông trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 theo hướng rà soát, đưa vào khai thác các điểm có trữ lượng bảo đảm quy chuẩn. Với nỗ lực phối hợp của các ngành, các địa phương, đến ngày 18-2-2016, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 04/2016/QĐ-UBND phê duyệt bổ sung quy hoạch khai thác cát trên địa bàn tỉnh đến năm 2020. Trong đó, cả 3 khu vực chính gồm khu vực cửa Đáy, khu vực ven biển huyện Nghĩa Hưng và huyện Giao Thủy đều đã được khoanh vùng đưa vào quy hoạch với diện tích và trữ lượng, chiều sâu khai thác tối đa so với cao trình khu vực, khoảng cách khai thác so với bờ đều được xác định cụ thể. Tại cửa Đáy, diện tích khai thác là 139ha từ cống Ngọc Lâm, xã Nghĩa Hải tới lạch Đầy +300m tạm giao quyền quản lý hành chính cho UBND xã Nghĩa Hải với trữ lượng tài nguyên khoảng 3,7 triệu m
3. Mỏ cát ven biển huyện Nghĩa Hưng với diện tích khai thác là 3.558ha từ phía bắc lạch Tiêu Đôi (cửa Đáy) ra đến cồn Trời (xã Nghĩa Hải) với trữ lượng khai thác 113,4 triệu m
3. Mỏ cát ven biển huyện Giao Thủy có diện tích khai thác là 2.224ha từ cửa Ba Lạt đến đuôi cồn Lu với trữ lượng khai thác là 78,4 triệu m
3. Bên cạnh đó, quy hoạch cũng khoanh vùng các khu vực cấm khai thác với tổng diện tích là 9.371ha, gồm khu vực từ cửa Ba Lạt (ngã ba tới sông Vọp) đến cửa biển, khu vực ven biển từ cửa Ba Lạt ven theo vùng lõi Vườn quốc gia Xuân Thủy, ven biển huyện Giao Thủy, Hải Hậu và Nghĩa Hưng tới cửa Đáy; khu vực từ cửa lạch Đầy +300m xuống phía lạch Tiêu Đôi.
Đồng chí Đoàn Minh Vụ, Trưởng Phòng Tài nguyên nước, khoáng sản và khí tượng thủy văn (Sở TN và MT) cho biết: Thời gian tới, Sở sẽ phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố, địa phương liên quan tổ chức cắm phao tiêu khoanh định khu vực được phép khai thác cát sông, phao tiêu và biển báo khu vực cấm, khu vực hạn chế khai thác cát sông. Lập thủ tục bàn giao các khu vực bổ sung đã cắm mốc cho chính quyền nơi có điểm mỏ để quản lý. Đồng thời tiến hành xây dựng phương án đấu thầu các khu vực bổ sung, ưu tiên đấu giá khu vực mỏ khai thác phục vụ san lấp dự án xây dựng KCN Dệt may Rạng Đông giai đoạn I và Nhà máy Nhiệt điện tại Hải Hậu. Cùng với đó, Sở sẽ phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan thành lập đoàn liên ngành tiến hành rà soát, thanh, kiểm tra các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh, khai thác cát trên sông, chủ yếu tập trung ở một số tuyến địa bàn trọng điểm như tuyến sông Hồng từ khu vực xã Mỹ Trung (Mỹ Lộc) đến cửa Ba Lạt, tuyến sông Đào từ khu vực ngã ba Hưng Long thuộc xã Mỹ Tân (Mỹ Lộc) đến ngã ba Độc Bộ thuộc xã Yên Nhân (Ý Yên), tuyến sông Ninh Cơ từ ngã ba Mom Rô thuộc xã Trực Chính (Trực Ninh) đến cửa biển Hải Thịnh (Hải Hậu); khu vực cửa Đáy và khu vực biên giới biển, huyện Hải Hậu, Nghĩa Hưng./.
Bài và ảnh:
Đức Toàn