Thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng đa dạng và chuyên canh, những năm qua, nông dân xã Hải Quang (Hải Hậu) mạnh dạn đầu tư và đưa nhiều giống cây trồng, con nuôi mới vào sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đáng chú ý là bà con nông dân không những được nâng cao thu nhập mà còn từng bước xây dựng được thương hiệu cho nông sản địa phương, hướng tới mục tiêu làm kinh tế bền vững, góp phần tích cực xây dựng NTM.
Để tận dụng lợi thế đất đai và nâng cao hiệu suất sử dụng đất, chính quyền xã Hải Quang đã vận động nhân dân tích cực chuyển đổi sản xuất: cơ cấu cây trồng và thời vụ, lựa chọn một số cây trồng mới có tiềm năng để đầu tư. Trong đó, cây đinh lăng đã thực sự cho thấy hiệu quả kinh tế tại xã Hải Quang vài năm trở lại. Không chỉ thích hợp với thổ nhưỡng, sinh trưởng phát triển tốt, đinh lăng được xem là yếu tố thúc đẩy “nền kinh tế xanh” của xã Hải Quang khi có đầu ra ổn định (nguồn nguyên liệu cho các Cty dược phẩm) đem lại thu nhập cao cho người trồng. Đồng chí Phạm Văn Đà, Chủ tịch UBND xã Hải Quang cho biết: Hiện toàn xã có khoảng 40ha trồng cây đinh lăng, trong đó có 20ha tập trung ở xóm 1 và xóm 2. Nhìn những vườn đinh lăng xanh ngút ngàn trải dài tầm mắt, ít ai nghĩ rằng trên vùng đồng đất mà đinh lăng lên xanh mượt hôm nay khi xưa chính là những vườn tạp bỏ không, hay là đất trồng lúa, trồng rau màu kém hiệu quả. Đinh lăng đã được trồng từ nhiều năm trước tại Hải Quang, song với quy mô nhỏ lẻ, vài năm trở lại đây người nông dân mới thực sự ý thức được hiệu quả kinh tế mà loại cây trồng này đem lại khi liên kết được với các doanh nghiệp dược phẩm, từ đó diện tích trồng đinh lăng ngày càng phát triển. Chúng tôi đến thăm cơ ngơi khang trang của ông Bùi Văn Sớm với vườn đinh lăng trên diện tích hơn 1 mẫu đất chuyển đổi từ đất trồng lúa. Ông hồ hởi: Hiện vườn đinh lăng này mới bước sang tuổi thứ 3 nhưng tôi đã cắt cành bán giống và tỉa gốc bán được 250 triệu đồng. Tới đây, nếu bán hết cả vườn này dự kiến tổng thu khoảng trên 400 triệu đồng. Tính ra mỗi sào trồng 3 năm sau cho thu nhập từ 170-200 triệu đồng. Trừ đi chi phí giống, phân bón, mỗi một năm cũng cho thu nhập từ 18-22 triệu đồng/sào, tương đương 520-580 triệu đồng/ha/năm. Xác định được hướng đi bền vững, một số hộ trong xã Hải Quang đã ký kết hợp đồng với Cty CP Traphaco để phát triển cây dược liệu đinh lăng theo tiêu chuẩn GACP-WHO. Năm 2015, UBND huyện Hải Hậu cũng đã công nhận làng nghề trồng cây dược liệu Quang Bắc, xã Hải Quang, từng bước tạo “thương hiệu” cho cây đinh lăng nói riêng và vùng trồng dược liệu Hải Quang nói chung. Vì vậy, để giữ vững và phát triển thương hiệu của mình, hiện nay ngoài việc vận động, khuyến khích bà con nông dân mở rộng diện tích, xã cũng chú trọng tuyên truyền bà con thực hành tốt việc trồng, thu hái và sơ chế nhằm đảm bảo hiệu quả, chất lượng dược liệu khi xuất bán cho Cty.
Trang trại nấm của anh Đinh Văn Tuấn, xóm 15, xã Hải Quang. |
Vươn lên làm giàu trên chính quê hương mình luôn là ước mơ của nhiều người nông dân từ bao đời nay, song để thành công phải có tinh thần dám nghĩ dám làm và sự nhanh nhạy nắm bắt các cơ hội để tranh thủ khai thác thế mạnh của địa phương như anh Đinh Văn Tuấn, xóm 15, xã Hải Quang với nghề trồng nấm sò, mộc nhĩ và nấm linh chi. Anh thành công còn bởi chủ động nghiên cứu thị trường, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Được xã tạo điều kiện cho chuyển đổi 2.000m2 đất trồng lúa kém hiệu quả, anh Tuấn đã xây dựng trại trồng nấm đầu tư mua đồng bộ máy băm rơm, máy đóng bịch... Để nắm được kỹ thuật trồng nấm bài bản, anh xuống trang trại trồng nấm thực tế ở xã Hải Trung để tìm hiểu, học hỏi kiến thức. Ban đầu, anh làm nấm sò nhưng do chưa có kinh nghiệm nên năng suất thấp, trong ba năm đầu gần như không có hiệu quả. Không nản chí, anh vẫn kiên trì với trồng nấm, chú trọng rút kinh nghiệm qua thực tiễn sản xuất. Với lòng kiên trì và óc sáng tạo, cuối cùng anh đã thành công khi nấm sò đã cho anh những nguồn thu đầu tiên. Có thêm động lực, niềm tin, anh tiếp tục đầu tư cho sản xuất, trồng kết hợp thêm cả mộc nhĩ (nấm mèo), nấm linh chi. Hiện cơ sở sản xuất nấm của anh được phát triển thành 3 khu với quy mô sản xuất là 6 vạn bịch nấm sò, 5 vạn bịch mộc nhĩ và 3 vạn bịch nấm linh chi. Anh Tuấn chia sẻ: Trồng nấm quan trọng nhất là phải thực hiện quy trình rất quy củ và khoa học, từ công đoạn cấy gen, cấy giống, ủ nguyên liệu và các khâu chăm sóc… Mỗi năm tôi trồng 2 lứa nấm sò, 1 lứa mộc nhĩ và 1 lứa nấm linh chi. Ngoài kinh nghiệm, người trồng nấm còn phải chuyên tâm chăm sóc, chú trọng việc xử lý môi trường trại và bịch nấm. Trước khi trồng, khu vực trồng nấm phải được khử trùng, diệt côn trùng, khử mùi. Khi đã treo những bịch phôi vào thì tuyệt đối không được dùng một biện pháp xử lý nào khác để tránh ảnh hưởng đến phôi nấm. Ngoài ra, tất cả các giai đoạn từ nguyên liệu đóng thành bịch đến cấy mô đều phải được khử trùng xử lý các mầm bệnh... Mỗi năm, anh Tuấn thu hoạch 30 tấn nấm sò, 3 tấn mộc nhĩ, hơn 1 tấn nấm linh chi, sau khi trừ chi phí anh lãi từ 400-500 triệu đồng. Sản phẩm nấm của anh đã bắt đầu gây dựng được tiếng tăm trên thị trường với những đơn hàng lớn chủ yếu xuất bán đi Hà Nội, Sơn La, Điện Biên, Đà Nẵng. Trại nấm của anh còn tạo việc làm cho 10 lao động địa phương với mức lương từ 3-4 triệu đồng/người/tháng. Hiện anh đang tiếp tục xây thêm trại, mở rộng diện tích trồng nấm với mong muốn trong thời gian tới sẽ có thêm vốn đầu tư thêm thiết bị hệ thống hấp sấy hiện đại, hoàn chỉnh để cây nấm làm ra không phải phụ thuộc vào thời tiết, hoàn chỉnh khâu chế biến nhằm đảm bảo cung cấp cho thị trường những sản phẩm tốt nhất về chất lượng.
Bên cạnh việc nâng cao hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xã Hải Quang cũng có nhiều chủ trương, giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ phát triển mô hình kinh tế trang trại, gia trại. Hiện tại, trên địa bàn xã đã hình thành nhiều trang trại, gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi thủy sản đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tiêu biểu là hộ các ông: Nguyễn Văn Trung, xóm 14, nuôi 400 con vịt đẻ siêu trứng, 3.000-4.000 vịt thịt/năm; Phạm Văn Năm, xóm 11, nuôi trên 100 con lợn/lứa; Phạm Văn Thanh, xóm 7, nuôi dê sinh sản; Nguyễn Văn Nam, xóm 17, mỗi năm xuất bán trên 100 vạn cá giống… thu lãi 200-400 triệu đồng/năm. Hiệu quả từ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế trang trại, gia trại ở xã Hải Quang thời gian qua đã khẳng định hướng đi đúng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế của xã, kinh tế - xã hội ở Hải Quang phát triển ổn định, thu nhập bình quân đầu người hiện đạt 29,1 triệu đồng/năm.
Thành công trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá ở Hải Quang thời gian qua góp phần tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp ở địa phương và từng bước nâng cao thu nhập cho người dân ngay trên chính mảnh đất quê hương. Việc người nông dân ngày càng có ý thức xây dựng thương hiệu cho những nông sản của địa phương cũng là một tín hiệu đáng mừng, bước tiến mới về tư duy, nhận thức trong sản xuất, không những bảo vệ được quyền lợi chính đáng cho người trồng trọt, chăn nuôi mà còn là hướng đi có tính lâu bền phù hợp với yêu cầu của nền kinh tế hàng hóa đang hội nhập tích cực./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh