Là trung tâm kinh tế - chính trị của huyện Ý Yên, lại liền kề với các làng nghề truyền thống hàng trăm năm tuổi như Cát Đằng, La Xuyên, Tống Xá…, những năm gần đây, Thị trấn Lâm đã có bước phát triển vượt bậc về kinh tế - xã hội, trong đó sản xuất CN-TTCN đã trở thành mũi nhọn kinh tế, góp phần tích cực vào quá trình tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương. Năm 2015, giá trị sản xuất CN-TTCN của thị trấn đạt trên 300 tỷ đồng, thu hút trên 2.500 lao động thường xuyên với mức thu nhập từ 3,5-5 triệu đồng/người/tháng. Đặc biệt các nghề: đúc đồng truyền thống và sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ ngày càng phát triển nhờ sự đầu tư đổi mới công nghệ, mua sắm máy móc thiết bị, xây dựng nhà xưởng.
|
Sản xuất các sản phẩm mộc mỹ nghệ tại cơ sở Xuân Lý, tổ dân phố số 9, Thị trấn Lâm (Ý Yên). |
Được sự quan tâm chỉ đạo của huyện, Đảng ủy, UBND thị trấn đã tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất CN-TTCN và tạo điều kiện về thủ tục hành chính, đảm bảo an ninh trật tự cho các hộ dân yên tâm đầu tư mở rộng sản xuất. Hiện tại, thị trấn đã có một CCN với tổng diện tích gần 20ha, giáp với tỉnh lộ 485. CCN được chia thành 2 khu vực: sản xuất công nghiệp và khu cửa hàng giới thiệu quảng bá sản phẩm tại vị trí mặt đường tỉnh lộ 485 với những “thương hiệu” nổi tiếng trong nghề đúc đồng như: Dương Bá Phong, Vũ Duy Thuấn, Dương Bá Kiên, Thắng Lợi, 27-7… Đúc đồng mỹ nghệ là thế mạnh của Thị trấn Lâm với 29 Cty, doanh nghiệp tư nhân và khoảng 300 cơ sở sản xuất quy mô hộ gia đình tham gia nghề đúc đồng. Làng nghề truyền thống Vạn Điểm xưa (nay là Thị trấn Lâm) từ lâu đã nổi danh về nghề đúc đồng, tay nghề của lao động trong các doanh nghiệp đều cao, sản phẩm đồ đồng mỹ nghệ được đánh giá cao về giá trị thẩm mỹ. Với lịch sử hình thành và phát triển hàng trăm năm, các sản phẩm của làng nghề ngày càng đa dạng từ các vật dụng sinh hoạt thông thường (mâm, nồi, xoong, chậu), đồ thờ đến các loại tượng đồng, đồ lưu niệm, các mặt hàng thủ công mỹ nghệ phục vụ các cơ sở tôn giáo. Tay nghề kỹ thuật của người làng nghề điêu luyện từ khâu làm khuôn đến chạm trổ các loại hoa văn tinh vi, thếp vàng, bạc cho sản phẩm để nâng giá trị, phù hợp với gu thẩm mỹ ngày càng cao của khách hàng. Nghề đúc đồng ở Thị trấn Lâm đã có sự phân công chuyên môn hóa cao, các doanh nghiệp đầu tư bài bản thường ký được các hợp đồng, đơn hàng lớn là đầu mối phân chia các công đoạn sản xuất như: làm khuôn, đúc, làm nguội, chạm trổ... cho các hộ sản xuất nhỏ lẻ trong làng nghề. Nhờ đó, hơn 1.000 lao động tham gia nghề đúc có việc làm thường xuyên với mức thu nhập bình quân từ 200-300 nghìn đồng/người/ngày. Bên cạnh đó, nghề đúc đồng mỹ nghệ phát triển cũng gián tiếp tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động tranh thủ thời gian nông nhàn nhận gia công đánh bóng sản phẩm, thu gom nguyên liệu đồng cung ứng cho các lò đúc. Ngoài nghề đúc đồng truyền thống, nghề sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ cũng phát triển mạnh mẽ ở khu Tân Ninh. Từ năm 1986 trở về trước, thôn Tân Ninh thuộc xã Yên Ninh, nơi có nghề sản xuất các sản phẩm mộc mỹ nghệ nổi tiếng với lịch sử hình thành và phát triển hàng nghìn năm. Sau khi sáp nhập vào Thị trấn Lâm, một số hộ dân vẫn duy trì nghề cũ, chuyên nhận gia công sản phẩm cho các doanh nghiệp lớn ở Yên Ninh và tự sản xuất sản phẩm để cung ứng cho thị trường. Để phát triển nghề mộc mỹ nghệ bền vững, UBND thị trấn đã khuyến khích các hộ sản xuất cải tạo diện tích cây bụi, vườn tạp, mở rộng lòng đường trong khu dân cư, tạo thuận lợi cho phương tiện cơ giới vận chuyển trao đổi hàng hóa, tạo mặt tiền nơi trưng bày các sản phẩm làng nghề và là nơi giao thương sầm uất của trên 300 hộ sản xuất trong làng nghề. Đồng thời, UBND thị trấn đã giao các tổ chức đoàn thể như: Hội CCB, Phụ nữ, Nông dân... là đầu mối hỗ trợ nhân dân về thủ tục tín chấp vay vốn ngân hàng để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh với tổng dư nợ tín dụng đạt trên 100 tỷ đồng. Với các biện pháp đồng bộ từ phía chính quyền, nghề mộc mỹ nghệ ở khu Tân Ninh đã có bước phát triển mạnh mẽ, nhiều hộ đã đầu tư mở rộng quy mô sản xuất như các cơ sở: Trường Xô, Thi Phong, Đại Phú... thường xuyên tạo việc làm cho từ 20-25 lao động chính và hàng chục thợ phụ hoặc các hộ nhận gia công các công đoạn sản xuất tại nhà. Sản phẩm chủ yếu của làng nghề là bàn ghế, sập gụ, tủ chè và các phụ kiện như chân đế, thùng hàng... (phục vụ các sản phẩm đúc đồng) chế biến từ gỗ rừng trồng như: xà cừ, keo, mít... thu hút trên 1.000 lao động thường xuyên và hàng trăm lao động thời vụ nông nhàn... Ước tính mỗi tháng, các hộ sản xuất nghề mộc mỹ nghệ của Thị trấn Lâm tiêu thụ trên 400m3 gỗ nguyên liệu.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, sản xuất CN-TTCN của Thị trấn Lâm vẫn còn một số tồn tại: nhiều cơ sở sản xuất nghề đúc đồng vẫn còn ở trong khu dân cư, mặt bằng sản xuất và các điều kiện đảm bảo môi trường chưa đầy đủ; các hộ sản xuất hàng mộc mỹ nghệ cũng chưa đủ mặt bằng để sản xuất, nhất là khu vực kho bãi để tập kết nguyên liệu... Trước tình hình đó, trong năm 2016 và các năm tiếp theo Thị trấn Lâm tiếp tục rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch phát triển CN-TTCN và ngành nghề phù hợp quy hoạch chung và thực tế ở địa phương. Tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh về mặt bằng, thủ tục đầu tư, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có dự án mới đầu tư mở rộng sản xuất. Tích cực triển khai các chương trình đào tạo, dạy nghề từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia và của huyện. Phấn đấu đến năm 2020, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất CN-TTCN của thị trấn đạt từ 16%/năm trở lên, chiếm từ 62% trở lên trong cơ cấu kinh tế của thị trấn./.
Bài và ảnh:
Thành Trung