Với phương châm tiếp tục chuyển dịch cơ cấu giống theo hướng bảo đảm chất lượng, phù hợp với các điều kiện canh tác của từng vùng miền, vụ xuân năm 2016, Sở NN và PTNT bố trí các xã ven biển tập trung cấy lúa lai với các giống chịu mặn và chất lượng cao như: D.ưu 527, TX111, Nhị ưu 838, CT16, TH3-3… Các huyện tỷ lệ lúa lai đạt trên 25-30% diện tích là Nghĩa Hưng, Giao Thuỷ, Hải Hậu… Các xã ven biển Giao Hải, Giao An (Giao Thuỷ); Hải Hòa (Hải Hậu); Nghĩa Thắng, Nghĩa Hải (Nghĩa Hưng)… tỷ lệ lúa lai đạt 60-80% diện tích. Các địa phương có trình độ thâm canh cao, đồng đất không chua, trũng đã mở rộng diện tích gieo cấy các giống lúa thuần năng suất khá, chất lượng gạo ngon như BT7, Nếp 87, Nếp 97, TBR225, Nam Định 5, Hương biển 3, Thiên ưu 8, DQ11, QR1, GS333… trong đó BT7 là giống chủ lực với diện tích trên 60%.
Nông dân xã Nghĩa Thái (Nghĩa Hưng) cấy lúa xuân. |
Đến ngày 22-2, các địa phương đã lấy đủ nước phục vụ cho gieo cấy; diện tích còn lại chủ yếu là những chân ruộng cao, hạn tập trung ở Mỹ Lộc, Thành phố Nam Định, Ý Yên cũng được các Cty KTCTTL, địa phương tích cực hoàn thành ngay sau đó. Nhìn chung, các trà mạ của tỉnh được gieo tập trung từ ngày 29-1 đến 6-2. Mặc dù được dự báo là ảnh hưởng của El Nino, tuy nhiên thời tiết từ đầu vụ xuân này nghiêng về nhiệt độ lạnh nhiều hơn, lại có mưa cục bộ. Các đợt rét đậm, rét hại và mưa lớn vào cuối tháng 1 đã ảnh hưởng lớn đến thời vụ và tiến độ sản xuất vụ xuân năm nay. Tuy nhiên với cách bố trí cơ cấu chủ yếu là lúa xuân muộn nên tỉnh ta là 1 trong những tỉnh chịu thiệt hại nhẹ nhất trong các đợt rét đậm vừa qua. Toàn tỉnh chỉ thiệt hại 60% diện tích mạ của Cty TNHH Cường Tân do sản xuất lúa lai F1 nên phải gieo sớm. Từ ngày 12 đến 19-2, các huyện Hải Hậu, Nam Trực, Vụ Bản… đã tập trung gieo sạ; từ ngày 19-2, tất cả các địa phương trong tỉnh tập trung xuống đồng cấy lúa. Đến ngày 16-2, toàn tỉnh đã cấy và gieo sạ được 10.920ha, đạt 14% diện tích, trong đó có 10.220ha gieo sạ. Đến ngày 23-2, toàn tỉnh đã cấy và gieo sạ được 56.892ha lúa xuân, trong đó gieo sạ được 28.177ha; huyện Hải Hậu, Xuân Trường đã hoàn thành công tác gieo cấy lúa. Tuy nhiên còn một số địa phương vẫn triển khai gieo sạ muộn sau ngày 20-2 là Lộc An, Lộc Hòa (TP Nam Định); Mỹ Thắng, Mỹ Phúc, Mỹ Tiến (Mỹ Lộc); Yên Lương, Yên Trị, Yên Khang (Ý Yên). Đến nay, toàn tỉnh đã hoàn thành gieo cấy 75.500ha lúa xuân. Nhờ các ưu điểm tiết kiệm được giống, giảm 60% công lao động nặng nhọc, năng suất tăng 10-15%, hiệu quả tăng 15-20% so với phương pháp cấy truyền thống nên trong vụ xuân năm nay, các địa phương đã đồng loạt mở rộng diện tích gieo sạ, nâng tổng diện tích gieo sạ lên 30 nghìn ha. Ngoài các huyện vốn có truyền thống gieo sạ là Nam Trực 5.460ha, Vụ Bản 5.500ha, Nghĩa Hưng 3.724ha…; các huyện Ý Yên, Xuân Trường vụ xuân năm nay cũng đẩy mạnh việc mở rộng các diện tích gieo sạ. Tại huyện Ý Yên, do điều kiện thời tiết trước Tết Nguyên đán liên tục gặp rét đậm, rét hại kéo dài, nhiệt độ nhiều ngày xuống dưới 150C nên nhiều xã đã mạnh dạn áp dụng kỹ thuật gieo sạ. Diện tích gieo sạ của Ý Yên lên tới 7.510ha, đạt 57,6% diện tích gieo cấy; các xã có diện tích gieo sạ đạt trên 85% là Yên Thọ, Yên Minh, Yên Nghĩa, Yên Tân, Yên Lợi… Huyện Xuân Trường gieo sạ tập trung từ ngày 13 đến 17-2, đạt 3.110ha, chiếm 56% diện tích; trong đó có 4 xã: Xuân Kiên, Xuân Châu, Xuân Thượng, Xuân Phương gieo sạ 100% diện tích; các xã có diện tích gieo sạ lớn, vượt chỉ tiêu huyện giao là Xuân Thủy 95%, Xuân Phong 87%, Xuân Thành 70%... Cũng đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh đã gieo trồng được 11.420ha cây màu xuân, đạt 95% kế hoạch; trong đó: lạc 4.811ha, ngô 1.305ha, các loại cây khác 5.304ha.
Trong sản xuất vụ lúa xuân năm nay, tỉnh tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp liên kết với các HTX, hộ nông dân xây dựng các vùng nguyên liệu ổn định bền vững thông qua các mô hình cánh đồng mẫu lớn…; vận động nông dân cùng các doanh nghiệp đầu tư sản xuất và tiêu thụ nông sản. Hiện Cty TNHH Toản Xuân ký liên kết sản xuất - tiêu thụ 200ha lúa BT7 tại một số địa phương của các huyện Nam Trực, Nghĩa Hưng và Hải Hậu. Cty đầu tư giống, phân bón, thuốc BVTV thông qua HTX. Các HTX, hộ sản xuất tổ chức canh tác đồng bộ tập trung theo thỏa thuận đã thống nhất; sản xuất áp dụng quy trình VietGAP để Cty xây dựng thương hiệu lúa gạo Nam Định chất lượng cao được kiểm soát chặt chẽ các tiêu chí an toàn thực phẩm, chất lượng cạnh tranh và kiểm soát chuỗi phân phối tới tận tay người tiêu dùng. Cty sẽ thu mua tối thiểu 50% tổng sản lượng lúa tươi tại ruộng với giá thỏa thuận, cao hơn từ 10-15% so với giá thị trường tại thời điểm thu mua. Hiện Cty đang đầu tư dây chuyền chế biến lúa gạo với công suất 20 nghìn tấn/năm tại xã Yên Lương (Ý Yên). Sau khi thu mua Cty sẽ đưa về chế biến, đóng gói và tổ chức kết hợp 2 hệ thống phân phối là phân phối thương mại điện tử và bán hàng truyền thống đến tay người tiêu dùng. Đây được đánh giá là một trong những mô hình bền vững, có tính khả thi cao, là tiền đề để tỉnh nhân rộng mô hình cánh đồng mẫu lớn gắn với liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa gạo trong các vụ sau. Qua đó nâng cao giá trị sản xuất cho bà con nông dân, thể hiện mối liên kết sâu sắc giữa 4 nhà: Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông. Cũng trong vụ xuân năm nay, tỉnh mở rộng diện tích trình diễn các giống lúa mới năng suất, chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh khá như: CS6, TEJ vàng, Hương biển 5, M1… Với cây màu xuân cũng có nét mới. Phòng NN và PTNT 2 huyện Nam Trực và Ý Yên đã phối hợp với Cty CP Tư vấn đầu tư và Dịch vụ nông nghiệp Việt Nam tổ chức mô hình trình diễn đầu bờ máy trồng lạc đẩy tay tại xã Nam Hồng và Yên Cường với công suất trồng được 2 mẫu lạc/ngày/máy. Mô hình đã khẳng định ưu điểm như giảm công lao động; mật độ, khoảng cách trồng bảo đảm; có thể điều chỉnh được mật độ; có thể vừa gieo hạt, vừa lấp đất; năng suất trồng lạc cao hơn so với thủ công. Ngoài các ưu điểm được thể hiện thì theo ý kiến của một số hộ nông dân với giá bán 4 triệu đồng/máy là còn cao.
Để bảo đảm vụ xuân 2016 giành thắng lợi, Sở NN và PTNT đề nghị UBND các huyện, thành phố tổ chức chăm bón kịp thời cho lúa, màu sau gieo cấy đúng quy trình hướng dẫn của ngành NN và PTNT. Tăng cường kiểm tra đồng ruộng, tổ chức các điểm “tình báo” sâu bệnh; dự tính, dự báo, phát hiện sớm và phòng trừ kịp thời các đối tượng sâu bệnh, không để lây lan trên diện rộng. Trước mắt tập trung phòng trừ chuột, ốc bươu vàng, cỏ dại, bệnh nghẹt rễ. Quan tâm chỉ đạo, đảm bảo thành công các mô hình cánh đồng mẫu lớn liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và các mô hình tiến bộ kỹ thuật tại địa phương. Sở NN và PTNT cũng đề nghị các Cty KTCTTL tổ chức tốt việc dự trữ nước trong hệ thống kênh mương; bơm nước tạo đủ nguồn cho các hộ nông dân đấu tát, nhất là ở những vùng có cốt đất cao, vùng cuối kênh. Các hộ nông dân tiếp tục tu bổ bờ vùng, bờ thửa, không để rò rỉ lãng phí nước./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh