Cùng với các làng nghề, 20 CCN địa phương đang hoạt động trên địa bàn tỉnh là “xương sống” thúc đẩy phát triển sản xuất CN-TTCN khu vực nông thôn. Đến nay, đã có 472 dự án với tổng vốn gần 3.000 tỷ đồng đầu tư vào các CCN, giải quyết việc làm cho gần 19 nghìn lao động nông thôn, chưa kể việc làm dịch vụ ở khu vực có CCN, doanh nghiệp. Phần lớn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong các CCN duy trì sản xuất, kinh doanh ổn định, góp phần nâng giá trị sản xuất công nghiệp tại các CCN năm 2015 ước đạt 3.087,6 tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2014.
|
Sản xuất nguyên liệu phục vụ ngành may tại Cty TNHH Dệt nhuộm Thiên Nam, KCN Bảo Minh (Vụ Bản). |
Để đạt hiệu quả cao trong công tác thu hút đầu tư vào các CCN, UBND tỉnh đã ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi; tạo điều kiện tốt nhất để các nhà đầu tư triển khai các dự án sản xuất, kinh doanh trong các CCN tập trung. Thông qua các chương trình, đề án khuyến công, trong giai đoạn 2011-2015, UBND tỉnh và Bộ Công thương đã hỗ trợ kinh phí trên 20,5 tỷ đồng để tổ chức đào tạo nghề miễn phí cho trên 7.000 lao động nông thôn; hỗ trợ nhiều doanh nghiệp trong các CCN tổ chức các mô hình trình diễn kỹ thuật sản xuất sản phẩm mới; các lớp tập huấn nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp. Trong năm 2015, đã có 5 mô hình trình diễn sản phẩm mới được UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí với tổng số tiền là 2 tỷ đồng, 4 đề án hỗ trợ ứng dụng máy móc, chuyển giao công nghệ được hỗ trợ kinh phí với tổng số tiền là 765 triệu đồng. Đồng thời UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành chức năng và UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện có hiệu quả các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ và của tỉnh. Việc thực hiện các chương trình khuyến công, Đề án 1956 vừa góp phần đào tạo nghề cho lao động nông thôn, xây dựng nguồn nhân lực tại chỗ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp khi đến đầu tư; vừa tăng cường năng lực kỹ thuật, tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp ở nông thôn. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng kỹ thuật giao thông huyết mạch và giao thông nông thôn đã cải thiện đáng kể, tạo thuận lợi cho các hoạt động vận tải chuyên chở hàng hóa, nguyên liệu phục vụ sản xuất. Nhờ quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh đã có sự cải thiện rõ rệt. Cùng với quyết tâm của tỉnh, các huyện, thành phố cũng tập trung chỉ đạo các phòng chức năng nghiên cứu các cơ chế, chính sách khuyến khích của Trung ương, của tỉnh và phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của địa phương để khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào các CCN. Đặc biệt các CCN được phát triển đúng thời điểm, kịp đón xu thế đầu tư về nông thôn để tận dụng các lợi thế về mặt bằng, lao động tại chỗ, giảm gánh nặng chi phí chỗ ở, sinh hoạt cho lao động tập trung... Do vậy, đến năm 2015, đã có 15/20 CCN được lấp đầy diện tích. Tại huyện Ý Yên, 5 CCN tập trung ở Thị trấn Lâm và các xã Yên Xá, Yên Ninh đã cơ bản được lấp đầy 100% diện tích; thu hút được trên 160 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đầu tư dự án phát triển sản xuất, kinh doanh với tổng số vốn đăng ký gần 396 tỷ đồng. Huyện Xuân Trường hiện có 4 CCN tập trung là: Xuân Tiến, Thị trấn Xuân Trường, đóng tàu Xuân Trường và Xuân Bắc; các CCN vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng ổn định với tổng số 53 dự án đầu tư, tạo việc làm và thu nhập ổn định với mức bình quân 3,5 triệu đồng/người/tháng cho trên 3.500 lao động thường xuyên… Không chỉ các CCN địa phương, trong năm 2015 cũng ghi nhận nhiều dự án đầu tư lớn (trong đó có cả những dự án nước ngoài) đầu tư vào các xã, thị trấn của các huyện. Ngành dệt may tỉnh ta đã thu hút được nhiều dự án đầu tư của các doanh nghiệp trong tỉnh, trong nước như: Cty CP May Sông Hồng đầu tư khu sản xuất tại xã Nghĩa Thái (Nghĩa Hưng) với tổng vốn trên 350 tỷ đồng, Tổng Cty CP Dệt may Nam Định đầu tư xây dựng 8 nhà máy may công nghiệp tại các huyện: Ý Yên, Vụ Bản, Nam Trực, Nghĩa Hưng...; Cty CP May Nam Định khởi công xây dựng nhà máy may tại xã Nam Tiến, diện tích 16 nghìn m
2 dự kiến thu hút 1.000 lao động; Cty TNHH Ánh Vàng (Hải Phòng) xây dựng nhà máy sản xuất giày da xuất khẩu dự kiến thu hút 4.000 lao động. Cty TNHH Việt Pan-Pacific (Hàn Quốc) đầu tư trên 400 tỷ đồng xây dựng nhà máy may xuất khẩu diện tích 50 nghìn m
2, dự kiến thu hút khoảng 3.000 lao động... tại xã Đồng Sơn (Nam Trực); Cty TNHH Dệt may Thiên Nam đầu tư 1 triệu USD tại xã Giao Tiến (Giao Thủy). Nhiều dự án đầu tư về địa bàn nông thôn đã góp phần quan trọng, là đòn bẩy thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động của nhiều địa phương theo hướng xây dựng NTM. Ngoài Cty CP Thành Vinh đầu tư dây chuyền sản xuất vật liệu xây dựng theo công nghệ lò tuy-nen công suất 20 triệu viên/năm, từ năm 2011 đến nay, xã Hiển Khánh (Vụ Bản) còn thu hút, phát triển được 3 doanh nghiệp là: Cty TNHH May Hiển Khánh đầu tư hơn 15 tỷ đồng xây dựng xưởng may công nghiệp trên tổng diện tích 1,6ha tại thôn Thượng Đồng; Cty CP May Nam Âu đầu tư 85 tỷ đồng xây dựng nhà máy may công nghiệp tại các thôn Bắc Đường, Ngõ Phú; Cty TNHH Toàn Trung (thôn Lời) chuyên sản xuất các loại gạch ba-banh và kinh doanh vật liệu xây dựng, tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động…
Thu hút đầu tư đang là giải pháp hiệu quả thúc đẩy phát triển sản xuất CN-TTCN nông thôn; tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn, góp phần thực hiện và thúc đẩy hoàn thành nhiều tiêu chí kinh tế - xã hội khác trong xây dựng NTM của huyện, tỉnh trong năm 2016 và các năm tiếp theo./.
Bài và ảnh:
Thành Trung