Năm 2015, giá trị sản xuất CN-TTCN của huyện Trực Ninh ước đạt 1.914 tỷ đồng (giá so sánh năm 1994), tăng 23% so với cùng kỳ năm 2014. Các ngành công nghiệp cơ khí, chế biến gỗ và đặc biệt là công nghiệp dệt may đều đạt tốc độ tăng trưởng khá. Để đạt được kết quả khả quan trên, trong giai đoạn 2011-2015, huyện Trực Ninh đã chú trọng phát triển ngành công nghiệp dệt may trở thành ngành mũi nhọn đột phá.
|
Sản xuất khăn xuất khẩu tại Cty CP Dệt may Vĩnh Giang, Thị trấn Cổ Lễ. |
Huyện Trực Ninh nằm ở vị trí “cửa ngõ” tiếp giáp với 3 huyện phía nam, có hệ thống giao thông thuận lợi (có Quốc lộ 21 và đường tỉnh lộ 490C chạy qua địa bàn); toàn huyện có 3 CCN tập trung là Cổ Lễ, Cát Thành, Trực Hùng. Huyện có 5 làng nghề dệt truyền thống hoạt động ổn định, thu hút hàng nghìn lao động nông thôn như: làng Dịch Diệp, xã Trực Chính; các làng: Nhị Nương, Cự Trữ, Phú Ninh, Trung Khê của xã Phương Định; trong đó làng Dịch Diệp đã được UBND tỉnh công nhận là 1 trong 29 làng nghề truyền thống của toàn tỉnh. Đó là những điều kiện thuận lợi để huyện Trực Ninh tập trung các biện pháp đồng bộ để phát triển công nghiệp dệt may trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn. Để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn, huyện Trực Ninh đã huy động và tranh thủ mọi nguồn lực, giải ngân kịp thời nguồn vốn thuộc các chương trình, dự án đầu tư xây dựng các công trình thiết yếu như: đường Nam - Ninh - Hải thuộc địa phận xã Trực Đạo; giải phóng mặt bằng và thi công rãnh dọc thoát nước tuyến nhánh tỉnh lộ 486B; thi công các công trình giao thông nông thôn thuộc dự án WB3 (đoạn thuộc Thị trấn Cổ Lễ dài 2,5km; đoạn thuộc xã Trực Nội dài 3,2km); đang triển khai giải phóng mặt bằng phục vụ thi công dự án phát triển giao thông thủy nội địa đồng bằng Bắc Bộ (WB6) đoạn qua các xã Trực Chính, Phương Định… UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Công thương khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tập trung đầu tư mở rộng sản xuất tại các CCN tập trung và các xã, thị trấn; nâng cao chất lượng sản phẩm để tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Nhờ đó, 5 làng nghề dệt truyền thống của huyện với các loại khăn mặt, khăn tắm phục vụ tiêu dùng nội địa và xuất khẩu đã có bước phát triển mới. Từ “hạt nhân” làng Dịch Diệp, đến nay nghề dệt đã được nhân rộng ra cả xã Trực Chính với trên 500 khung dệt; trong đó có 4 HTX dệt gồm: Vạn Diệp, Bình Định, Hoàng Anh và Đức Ân với trên 400 thành viên, hàng trăm hộ nhận gia công, thu hút khoảng 600 lao động trực tiếp. Nhiều cơ sở sản xuất hộ gia đình hợp đồng gia công khăn bông, khăn màn, gạc cho Cty CP Dệt may Sơn Nam phục vụ xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan. Về công nghệ, các cơ sở sản xuất, hộ làm nghề trong xã đã đầu tư máy dệt bán tự động, thay thế khung dệt cũ khổ hẹp sang khung khổ rộng với tốc độ dệt nhanh, tăng năng suất từ 6kg lên 20kg sợi/ngày/máy, bảo đảm chất lượng sản phẩm đều, đẹp. Cùng với sự phát triển của các làng nghề dệt truyền thống, huyện Trực Ninh cũng thu hút đầu tư được 22 doanh nghiệp, cơ sở dệt may tập trung giải quyết việc làm ổn định cho trên 3.000 lao động. Trong đó có nhiều doanh nghiệp may công nghiệp mới như: Cty CP May I (Tổng Cty CP Dệt may Nam Định) đầu tư về xã Trực Hưng; HTX Dệt Thịnh Hưng, Cty TNHH T&C, Doanh nghiệp tư nhân Lương Anh, Cty CP dệt may Vĩnh Giang đầu tư tại Thị trấn Cổ Lễ; Cty CP May 9 (Tổng Cty may Nhà Bè) đầu tư trên 70 tỷ đồng xây dựng nhà máy may công nghiệp tại xã Trực Phú… Cty TNHH T&C đầu tư trên 6 tỷ đồng xây dựng nhà máy may xuất khẩu tại CCN Cổ Lễ với 5 chuyền may với năng lực sản xuất trên 80 nghìn sản phẩm/tháng, tạo việc làm cho trên 230 lao động. Cty hiện là đối tác trực tiếp của nhiều thương hiệu lớn trên thế giới như: MANGO, GAP, CK… Đầu tư vào CCN Cổ Lễ từ năm 2009, đến nay, HTX CP Dệt may Thịnh Hưng hiện có trên 150 máy dệt công nghiệp với năng lực sản xuất trên 50 nghìn mét vải, khoảng 150 nghìn chiếc khăn các loại. Là cơ sở vệ tinh của Cty CP Dệt may Sơn Nam, các sản phẩm khăn của HTX được Cty bao tiêu và xuất khẩu, còn vải thì cung ứng chủ yếu cho Tổng Cty CP Dệt may Nam Định. Các doanh nghiệp may công nghiệp và các làng nghề dệt truyền thống hoạt động ổn định đã góp phần quan trọng nâng tổng doanh thu từ ngành dệt may toàn huyện đạt trên 1.000 tỷ đồng. Bên cạnh các dự án đầu tư trong nước của ngành dệt may, huyện Trực Ninh cũng đã bước đầu thành công khi thu hút được những dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài của các doanh nghiệp như: Cty TNHH Shin Myung First Vina (Hàn Quốc) đầu tư 1 triệu USD xây dựng nhà máy may xuất khẩu tại xã Trung Đông; Cty TNHH AMARA Việt Nam đầu tư trên 540 tỷ đồng tại Thị trấn Cổ Lễ, Cty TNHH Sung Won Vina đầu tư nhà máy sản xuất giấy phản quang, chống thấm, màng dính bảo vệ tại Thị trấn Cát Thành. Dự án của Cty TNHH Shin Myung First Vina có tổng diện tích gần 1ha, quy mô 8 chuyền may chuyên gia công các loại trang phục xuất khẩu theo hợp đồng của phía Hàn Quốc. Đầu năm 2015, Cty đã hoàn thành xây dựng và đi vào sản xuất, đảm bảo việc làm cho trên 500 lao động với mức thu nhập bình quân từ 4-5 triệu đồng/người/tháng.
Khó khăn đối với ngành công nghiệp dệt may ở Trực Ninh hiện nay là các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chủ yếu ở dạng quy mô nhỏ, làm “vệ tinh” cho các doanh nghiệp lớn. Ở một số xã có khả năng phát triển mạnh về dệt may nhưng chưa xây dựng được điểm sản xuất tập trung, các làng nghề dệt còn nằm trong khu dân cư, hạn chế việc mở rộng quy mô sản xuất và ảnh hưởng đến môi trường… Để phát triển công nghiệp dệt may, trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt, những năm tới, huyện Trực Ninh tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, thành lập doanh nghiệp. Khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đầu tư chiều sâu, đổi mới thiết bị công nghệ theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm; sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư từ Quỹ khuyến công của tỉnh, huyện để đào tạo nghề và nâng cao tay nghề cho lao động; tạo thuận lợi giúp người dân vay vốn, phục vụ yêu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh. Phấn đấu năm 2016, giá trị sản xuất CN-TTCN của huyện đạt trên 3.623 tỷ đồng (giá so sánh năm 2010), giá trị hàng hóa xuất khẩu (chủ yếu là dệt may) đạt trên 565 tỷ đồng./.
Bài và ảnh:
Thành Trung