Hải Hậu định hướng phát triển sản xuất công nghiệp thành ngành kinh tế chủ lực

07:01, 09/01/2016
Năm 2015, giá trị sản xuất CN-TTCN của huyện Hải Hậu (giá so sánh năm 2010) ước đạt 1.529 tỷ đồng, tăng 167% so với năm 2010 (chiếm 16,56% cơ cấu kinh tế); tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2010-2015 đạt 18%/năm. Trên địa bàn huyện có 61 doanh nghiệp; 5.257 cơ sở và hộ gia đình tham gia sản xuất CN-TTCN, thu hút trên 15.600 lao động (chiếm 8,5% cơ cấu lao động). 
Sản xuất các sản phẩm may mặc tại Cty CP 27-7 Hải Hậu.
Sản xuất các sản phẩm may mặc tại Cty CP 27-7 Hải Hậu.
Trong 5 năm qua, sản xuất CN-TTCN của huyện Hải Hậu đã có những chuyển biến tích cực; phát triển được đa dạng các lĩnh vực, ngành nghề như: công nghiệp chế biến; dệt may và cán kéo sợi PE; cơ khí, sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp khai thác và ngành nghề TTCN, nhưng phát triển không đồng đều. Công nghiệp chế biến (chế biến thủy sản, sản xuất thức ăn chăn nuôi, chế biến lương thực - thực phẩm và muối, chế biến gỗ…) là ngành chủ lực, chiếm tỷ trọng xấp xỉ 70% cơ cấu sản xuất các ngành CN-TTCN của huyện với 37 doanh nghiệp và 3.145 cơ sở, hộ sản xuất, thu hút gần 11 nghìn lao động tham gia. Tiếp đến là ngành dệt may và cán kéo sợi PE với 15 doanh nghiệp, 774 cơ sở, hộ sản xuất, thu hút gần 3,8 nghìn lao động thường xuyên; chiếm tỷ trọng 16,3% cơ cấu toàn ngành. Các ngành cơ khí, sản xuất vật liệu xây dựng… có tỷ trọng thấp, thu hút lực lượng lao động nhỏ lẻ. Trong giai đoạn 2010-2015, toàn huyện đã phát triển được 40 làng nghề (trong đó có 20 làng nghề sinh vật cảnh, 12 làng nghề TTCN, 3 làng nghề trồng cây dược liệu và 2 làng nghề xây dựng), thu hút trên 10 nghìn lao động tham gia. Trên địa bàn huyện có 3 CCN tập trung là Hải Phương, Hải Minh, Thịnh Long. CCN làng nghề Hải Minh có tổng diện tích 3,9ha, hiện đã có 25 hộ và 1 doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh tạo việc làm cho khoảng 300 lao động. CCN Thịnh Long có diện tích 15,8ha, có 4 doanh nghiệp đăng ký đầu tư nhưng mới có Cty TNHH Vạn Hoa đi vào sản xuất. CCN Hải Phương diện tích 21,3ha, thu hút 7 doanh nghiệp đầu tư, tạo việc làm thường xuyên cho 2.500 lao động. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, sản xuất CN-TTCN của huyện vẫn còn bộc lộ những tồn tại như: giá trị thấp, tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu kinh tế chung, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; chưa có nhiều dự án đầu tư lớn để tạo ra yếu tố tăng trưởng đột biến, đa số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất quy mô nhỏ, phân tán, sức cạnh tranh không cao; ở nhiều địa phương phát triển ngành nghề tự phát, chưa có quy hoạch; lực lượng lao động trình độ cao chưa nhiều… Trên cơ sở rà soát, phân tích và căn cứ vào tình hình thực tế, vừa qua, BCH Đảng bộ huyện đã xây dựng và ban hành đề án “Phát triển CN-TTCN, giải quyết việc làm trên địa bàn huyện giai đoạn 2015-2020”. Mục tiêu là phấn đấu đến năm 2020 giá trị sản xuất CN-TTCN của huyện đạt 6.872 tỷ đồng (giá so sánh năm 2010), tăng 4,5 lần so với năm 2015; phát triển sản xuất CN-TTCN trở thành ngành kinh tế chủ lực, chiếm 35,3% cơ cấu kinh tế toàn huyện. Phấn đấu đến năm 2020 có từ 10-12 nghìn lao động có việc làm thường xuyên tại các cụm, điểm công nghiệp; duy trì số lượng 10 nghìn lao động trong các làng nghề và thu hút thêm từ 5-7 nghìn lao động mới. Phấn đấu mỗi xã, thị trấn ít nhất có 1 làng nghề, mỗi gia đình có một nghề. Để thực hiện được mục tiêu trên, huyện Hải Hậu đã đề ra một số giải pháp đồng bộ như: thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất trong các cụm, điểm công nghiệp; duy trì và phát triển các làng nghề; chú trọng công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao… Vận dụng tối đa cơ chế, chính sách ưu đãi của Trung ương và của tỉnh, tạo điều kiện thu hút, lựa chọn các doanh nghiệp có năng lực lớn đầu tư vào các CCN Hải Minh, Hải Phương. Tiếp tục quy hoạch, đầu tư mở rộng kết cấu hạ tầng các CCN đã được phê duyệt tại các Thị trấn: Yên Định, Thịnh Long và các xã: Hải Hưng, Hải Thanh. Tạo điều kiện tối đa về thủ tục hành chính, mặt bằng, tiếp cận nguồn vốn ưu đại cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh trong các điểm công nghiệp ở các xã: Hải Phong, Hải Hà, Hải Xuân… phấn đấu đến năm 2018 thu hút từ 10-12 nghìn lao động làm việc trong 3 điểm công nghiệp mới. Định hướng cho các xã, thị trấn vận động các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tại địa phương đầu tư vào diện tích đất đã được quy hoạch phát triển sản xuất CN-TTCN. Phát triển các khâu phụ trợ phục vụ khu Trung tâm Điện lực Nam Định tại các xã: Hải Ninh, Hải Châu và Khu kinh tế Ninh Cơ như: xây dựng điểm công nghiệp đóng mới, sửa chữa, bảo dưỡng phương tiện vận tải thủy tại Thị trấn Thịnh Long; phát triển dây chuyền sản xuất gạch không nung (tận dụng nguồn xỉ than của Nhà máy Nhiệt điện) tại xã Hải Ninh. Tổ chức rà soát hoạt động của các làng nghề; mở rộng các làng nghề mộc mỹ nghệ ở các xã: Hải Anh, Hải Minh… theo mô hình làng nghề toàn xã; khôi phục và phát triển các làng nghề thêu ren tại các xã: Hải Hưng, Hải Thanh; mây tre đan tại Hải Minh; dệt tại Hải Trung, Hải Phương. Tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ từ các chương trình khuyến công, khuyến nông để mở các lớp đào tạo nghề, truyền nghề; phấn đấu mỗi làng nghề có từ 1-2 lớp đào tạo nghề để phát triển nguồn lao động bền vững cho làng nghề. Quy hoạch mở rộng quy mô làng nghề, từng bước gắn phát triển sản xuất, kinh doanh tại các làng nghề với các tour du lịch làng nghề tham quan cây cảnh, hoa, sản xuất chế tác gỗ mỹ nghệ…Ttiếp tục đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng phục vụ sản xuất: tranh thủ các nguồn vốn từ Trung ương, tỉnh để hoàn thiện hệ thống đường giao thông và các công trình hạ tầng phục vụ cho phát triển sản xuất CN-TTCN; cải tạo hệ thống lưới điện cả hạ thế và trung thế, ưu tiên cho các cụm, điểm công nghiệp… Đối với các ngành nghề chủ lực: tiếp tục phát triển các ngành công nghiệp chế biến, dệt may và cán kéo sợi PE, cơ khí… thành các ngành công nghiệp mũi nhọn; duy trì và mở rộng quy mô sản xuất các ngành sản xuất vật liệu xây dựng và các ngành nghề TTCN khác…
 
Để thực hiện đồng bộ các giải pháp trên, UBND huyện Hải Hậu sẽ thành lập Ban chỉ đạo thực hiện đề án, xây dựng kế hoạch hoạt động, phân công trách nhiệm cụ thể, huy động sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, Phòng Công thương làm đầu mối phối hợp với các phòng chuyên môn, địa phương và tham mưu cho UBND huyện xây dựng và tổ chức thực hiện các quy hoạch chi tiết, phương án hỗ trợ phát triển các ngành nghề, làng nghề… Trên cơ sở đề án của huyện, UBND các xã, thị trấn chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức phát triển ngành nghề phù hợp với thực tế của địa phương theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường…
 
Bài và ảnh: Thành Trung
 
 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com