Công nghiệp cơ khí là một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn, trọng điểm của huyện Xuân Trường; trong đó có ngành đóng mới phương tiện vận tải thủy. Huyện đã quy hoạch và hình thành CCN đóng tàu với tổng diện tích 16ha tại Thị trấn Xuân Trường. Tuy nhiên, khi ngành công nghiệp tàu thủy cả nước lâm vào khủng hoảng, ngành công nghiệp đóng tàu của huyện cũng rơi vào khó khăn. Nhiều doanh nghiệp phải giải thể, chỉ còn một vài doanh nghiệp sản xuất cầm chừng. Nhiều người lao động lao đao vì tìm kiếm việc làm.
|
Đóng mới phương tiện vận tải thủy tại Cty TNHH Đại Nguyên Dương, CCN Thị trấn Xuân Trường. |
Trước tình trạng đó, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Công thương phối hợp với các phòng chức năng hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đóng tàu được chuyển đổi ngành nghề phù hợp với năng lực của đơn vị và nhu cầu của thị trường nhằm duy trì việc làm cho người lao động, từng bước khắc phục khó khăn. Có doanh nghiệp chuyển đổi sang sửa chữa phương tiện vận tải thủy; có đơn vị mạnh dạn chuyển hẳn sang sản xuất, kinh doanh ngành nghề mới như: Cty TNHH Việt Tiến chuyển sang sản xuất giấy; Cty CP Hoàng Vinh kinh doanh vật liệu xây dựng; Cty TNHH một thành viên An Phát Vượng sản xuất cơ khí... Trung tâm Phát triển CCN huyện được thành lập, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp đóng tàu hoàn thiện thủ tục, hồ sơ dự án đầu tư vào CCN để được hưởng các cơ chế, chính sách ưu đãi theo quy định của Trung ương và của tỉnh. Nhờ đó, nhiều doanh nghiệp đã hoàn thiện các thủ tục đầu tư, có tài sản thế chấp để được vay nguồn vốn ưu đãi của các ngân hàng để duy trì sản xuất, kinh doanh. Từ năm 2014 đến nay, nhu cầu về gia công, đóng mới, sửa chữa các phương tiện vận tải thủy tăng cao cùng với các chính sách quyết liệt tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các doanh nghiệp của Trung ương, của tỉnh và huyện, đã tạo cơ hội phục hồi sản xuất cho các doanh nghiệp đóng tàu của huyện; nhất là khi Chính phủ ban hành Nghị định 67/NĐ-CP về hỗ trợ ngư dân chuyển đổi, đóng mới tàu vỏ thép khai thác thủy sản xa bờ. Theo Quyết định của UBND tỉnh, huyện Xuân Trường có 2 doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn đóng mới, hoán cải, nâng cấp tàu cá vỏ thép là các Cty TNHH: Việt Tiến và TNHH Đại Nguyên Dương (CCN Thị trấn Xuân Trường). Ông Nguyễn Xuân Nguyên, Giám đốc Cty TNHH Đại Nguyên Dương cho biết: Việc UBND tỉnh công nhận doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn tham gia đóng tàu vỏ thép cho ngư dân theo Nghị định 67 của Chính phủ đã trao cho Cty cơ hội lớn. Ngoài hợp đồng đóng mới tàu vận tải đường sông và tàu vận tải đường biển đã ký trong các năm 2008, 2010, Cty đã ký được hợp đồng đóng mới 3 tàu cá theo Nghị định 67 với tổng trị giá hợp đồng lên đến 42 tỷ đồng. Hiện tại, trên bãi rộng 1,5ha của Cty đang đồng loạt đóng mới 8 tàu, trong đó 1 tàu cá sắp hoàn thành. Dự kiến trong tháng 8-2015, Cty sẽ hoàn thành và bàn giao 2 tàu vận tải đường sông (1 tàu tải trọng 800 tấn và 1 tàu tải trọng 2.300 tấn); 2 tàu vận tải biển loại 2.400 tấn/tàu sẽ hoàn thành và bàn giao trong tháng 9-2015; 3 tàu cá sẽ hoàn thành trong tháng 11-2015 và tháng 12-2015 sẽ hoàn thành nốt tàu vận tải đường sông tải trọng 2.300 tấn. Hiện tại, để duy trì tốc độ sản xuất, hơn 100 lao động với mức thu nhập bình quân 280-300 nghìn đồng/người/ngày ở 7 tổ sản xuất (mỗi tổ từ 13-15 người) của Cty thường xuyên phải tăng ca thêm buổi tối. 6 tháng đầu năm 2015, Cty đã đạt tổng doanh thu trên 50,6 tỷ đồng. Cũng là doanh nghiệp đủ điều kiện đóng tàu cá vỏ thép, Cty TNHH Việt Tiến đang thi công đóng mới 13 phương tiện trên 2 cơ sở sản xuất ở 2 bãi với tổng diện tích trên 5ha. 6 tháng đầu năm 2015, Cty đã đạt tổng doanh thu trên 152,8 tỷ đồng. Cty đã ký được 5 hợp đồng đóng tàu cá với tổng trị giá 100 tỷ đồng, sẽ hoàn thành và bàn giao trong tháng 10-2015; hoàn thành và bàn giao 4 tàu vận tải biển tải trọng 2.000 tấn/tàu (tổng giá trị 80 tỷ đồng)... Để hoàn thành được các hợp đồng trên, Cty hiện có trên 370 lao động làm việc thường xuyên. Cty đang tích cực đàm phán, phấn đấu trong năm 2015 sẽ ký thêm 7 hợp đồng mới, gồm 5 hợp đồng đóng mới tàu cá và 2 hợp đồng đóng tàu du lịch (loại chở được 350 khách/tàu) đảm bảo đủ việc làm cho người lao động đến hết năm 2016. Ngoài 2 doanh nghiệp nêu trên, nhiều doanh nghiệp đóng tàu huyện Xuân Trường cũng có bước phục hồi sản xuất mạnh mẽ trong 6 tháng đầu năm 2015 như: Cty CP Hoàng Vinh đạt tổng doanh thu 56,3 tỷ đồng, thu hút trên 300 lao động; Cty TNHH Long Hải đạt tổng doanh thu trên 32,6 tỷ đồng, thu hút 80 lao động... Hiện 9 doanh nghiệp của huyện đang triển khai đóng mới, sửa chữa 78 tàu, tổng tải trọng 99,5 nghìn tấn, tổng trị giá hợp đồng gần 720 tỷ đồng; trong đó có 64 tàu đóng mới (gồm 10 tàu biển, 36 tàu sông, 16 tàu đánh cá, 5 tàu du lịch và 1 tàu hậu cần)… 6 tháng đầu năm 2015, các doanh nghiệp đóng tàu của huyện đã hoàn thành khối lượng với giá trị sản xuất đạt trên 336,6 tỷ đồng, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho trên 1.000 lao động.
Ngành công nghiệp đóng tàu phục hồi đã góp phần quan trọng giúp huyện Xuân Trường đạt giá trị sản xuất CN-TTCN 1.674 tỷ đồng trong 7 tháng đầu năm 2015. Thời gian tới, huyện Xuân Trường sẽ tiếp tục tạo điều kiện tối đa về thủ tục hành chính, nghiên cứu bố trí mặt bằng hợp lý; hỗ trợ đào tạo lao động lành nghề... để các doanh nghiệp và ngành công nghiệp đóng tàu tiếp tục phát triển, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động, đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương./.
Bài và ảnh:
Thành Trung