Trong những năm qua, công tác khuyến nông, khuyến ngư huyện Trực Ninh không ngừng được củng cố và phát triển đã khẳng định vai trò là cầu nối đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) đến với nông dân. Hầu hết các chương trình, dự án và các hoạt động khuyến nông, khuyến ngư được xây dựng phù hợp với điều kiện sản xuất thực tế tại địa phương. Nhiều mô hình tiêu biểu, hiệu quả được nông dân tiếp thu và nhân rộng, ứng dụng trên các cánh đồng mẫu lớn (CĐML) để sản xuất nông sản hàng hóa, đẩy mạnh cơ giới hóa và ứng dụng tiến bộ KHKT, chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu giống, thời vụ đã phát huy được kết quả dồn điền, đổi thửa trong sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân.
|
Cán bộ Trạm Khuyến nông huyện Trực Ninh và Ban quản trị HTXDVNN Trực Liêm kiểm tra tình hình sinh trưởng của lúa trên cánh đồng trình diễn giống lúa TEJ vàng, xã Liêm Hải. |
Từ đầu năm đến nay, Trạm Khuyến nông huyện Trực Ninh đã kết hợp với các HTXDVNN, Ban Nông nghiệp các xã, thị trấn và các doanh nghiệp tổ chức 30 lớp tập huấn, chuyển giao KHKT cho trên 2.500 người về kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi và nuôi trồng thủy sản. Qua các lớp tập huấn, nông dân trong huyện được cung cấp tiếp cận sớm các chủ trương, chính sách, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới trong phát triển nông nghiệp và nông thôn. Để đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu giống, cơ cấu mùa vụ, Trạm Khuyến nông huyện đã triển khai xây dựng nhiều mô hình khảo nghiệm và trình diễn các giống lúa mới và tìm ra một số giống có triển vọng như giống BC15, RVT, BT7 kháng bạc lá, TEJ vàng… Nổi bật là mô hình trình diễn giống lúa Nông ưu 28 tại xã Trực Thái và mô hình trình diễn giống lúa Nam ưu 209 tại xã Trực Khang trong vụ xuân 2015. Kết quả các mô hình cho thấy, 2 giống lúa Nông ưu 28 và Nam ưu 209 có thời gian sinh trưởng ngắn, đẻ nhánh sớm, tập trung, độ thuần đồng ruộng khá, chịu thâm canh cao, thích ứng với mọi chân đất. Ưu điểm lớn nhất của 2 giống lúa này là khả năng chống chịu sâu bệnh, đặc biệt là khả năng chống rét và kháng bạc lá tốt, cho năng suất cao, có triển vọng thay thế cho các giống lúa truyền thống đã sử dụng trong nhiều năm. Bên cạnh các mô hình khảo nghiệm giống lúa mới, huyện còn xây dựng nhiều mô hình ứng dụng khoa học công nghệ tiến bộ để nông dân học hỏi làm theo. Tiêu biểu là mô hình sử dụng phân bón đa dinh dưỡng NPK Lâm Thao ở các xã Trực Nội, Trực Chính, Trực Thái… trên giống BT7 với lượng bón lót 25kg/sào NPK 5-10-3, bón thúc 17kg/sào NPK 12-5-10. Kết quả cho thấy, cây lúa sinh trưởng, phát triển cân đối, làm giảm sâu bệnh, năng suất cao hơn trên 10% so với bón phân đơn. Mô hình sử dụng phân viên nén nhả chậm tại xã Trực Khang trên giống lúa BC15 chỉ cần bón lót 1 lần duy nhất trước khi bừa cấy với lượng 15kg/sào cho năng suất cao hơn bón phân đơn từ 10-15% hiện đang được các hộ nông dân xã Trực Khang và các xã lân cận áp dụng ra sản xuất đại trà. Từ mô hình CĐML tại HTXDVNN Trực Tĩnh, xã Việt Hùng khẳng định ưu thế vượt trội năng suất tăng hơn 10% và tiết kiệm chi phí, giảm bớt công lao động cho nông dân, đến nay, toàn huyện đã xây dựng được trên 30 CĐML. Vụ xuân 2015, Trạm Khuyến nông huyện đã phối hợp với Cty CP Nông nghiệp Tiến Nông (Thanh Hóa) thực hiện mô hình trình diễn cơ giới hóa đồng bộ từ khâu làm đất - gieo mạ - cấy lúa - thu hoạch tại xã Trực Thanh để từng bước nhân rộng vào sản xuất đại trà. Mô hình cho thấy, việc thực hiện cơ giới hóa đồng bộ giúp tăng năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất, rút ngắn thời gian thực hiện các khâu, khắc phục khó khăn thiếu hụt lao động thời vụ, góp phần đẩy mạnh CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn, tạo bước đi hiệu quả trong xây dựng NTM của huyện. Vụ mùa này, Trạm tiếp tục xây dựng mô hình trình diễn giống lúa TEJ vàng tại xã Liêm Hải và giống lúa Nam ưu 209 tại xã Trực Khang nhằm xây dựng cơ cấu giống lúa theo hướng năng suất, chất lượng và hiệu quả, kháng bệnh bạc lá cho những vùng thường xuyên bị nhiễm bệnh bạc lá trong vụ mùa. Trong lĩnh vực chăn nuôi, Trạm xây dựng thành công mô hình chăn nuôi lợn an toàn sinh học theo hướng VietGAP tại xã Trung Đông; mô hình đã thay đổi nhận thức của người chăn nuôi và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, Trạm cùng với UBND Thị trấn Cổ Lễ triển khai xây dựng thành công mô hình nuôi cá nước ngọt theo phương thức bán thâm canh và thâm canh được đông đảo người nuôi thủy sản trong huyện quan tâm, đến tham quan học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật. Qua đó, góp phần đẩy mạnh phát triển phong trào nuôi thủy sản nước ngọt ra các xã: Trực Chính, Trực Cường, Trực Nội, Trực Mỹ… Ngoài công tác khuyến nông, khuyến ngư, Trạm Khuyến nông huyện còn huy động tối đa lực lượng cán bộ khuyến nông cơ sở thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, đánh giá phân loại các trà lúa, tổ chức điều tra, đánh giá đúng mức độ phát sinh gây hại của các đối tượng sâu bệnh hại cây trồng, hạn chế số lần sử dụng thuốc BVTV, tiết kiệm chi phí sản xuất cho người nông dân, đồng thời giảm ô nhiễm môi trường và đảm bảo an toàn cho cây trồng.
Quan tâm xây dựng và nhân rộng các mô hình khuyến nông, khuyến ngư hiệu quả, huyện Trực Ninh đã tạo được đột phá trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ, vật nuôi, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp tăng trưởng nhanh phù hợp với xu thế phát triển nông nghiệp hiện đại, giúp nông dân làm giàu từ chính đồng đất quê hương./.
Bài và ảnh:
Ngọc Ánh