Năm 2014, ngành NN và PTNT đã xây dựng và bước đầu triển khai Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững giai đoạn 2014-2020. Với sự nỗ lực của toàn ngành, sự phối hợp, hỗ trợ có hiệu quả của các sở, ngành và các địa phương nên sản xuất nông nghiệp đã đạt kết quả toàn diện trên các lĩnh vực. Giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản đạt 4.999 tỷ đồng, tăng 4,1% so với năm 2013 (kế hoạch 2,5-3%). Giá trị sản xuất trên 1ha đất canh tác đạt 92 triệu đồng.
Nhiều tiến bộ kỹ thuật mới trong trồng trọt được tiếp thu và nhân rộng, tỉnh đã đưa vào sản xuất hàng chục loại giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng và hiệu quả cao, phù hợp với điều kiện của Nam Định. Lĩnh vực sản xuất lúa giống ngành Nông nghiệp đã làm chủ công nghệ duy trì dòng mẹ, tổ chức sản xuất thành công nhiều tổ hợp lúa lai 2 dòng, 3 dòng; chủ động được công nghệ sản xuất giống khoai tây sạch bệnh bằng phương pháp nuôi cấy mô tế bào. Đặc biệt công nghệ sản xuất và thâm canh giống lúa F1 đã giúp tỉnh sản xuất được từ hàng trăm đến trên 1.000 tấn giống lúa lai F1 mỗi năm, nhờ đó đã cơ bản chủ động được giống lúa lai cho sản xuất, hạn chế nhập khẩu; đồng thời giúp tăng nhanh năng suất và sản lượng lúa. Các hình thức liên kết trong sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ hàng hóa đã bước đầu phát triển với nhiều hình thức đa dạng và phù hợp với điều kiện sản xuất của từng vùng, từng địa phương. Điển hình như mô hình tích tụ ruộng đất, liên kết sản xuất lúa giống và cây vụ đông gắn với bao tiêu sản phẩm của Cty TNHH Cường Tân với quy mô 300 ha/vụ, giá trị sản xuất trên 1ha đất canh tác đạt 150-200 triệu đồng/năm; mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ cây dược liệu (dây thìa canh) giữa Cty CP Nam Dược và xã Hải Lộc (Hải Hậu); mô hình liên kết chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ lúa gạo chất lượng cao giữa Tổng Cty Lương thực Miền Bắc với các HTX trong tỉnh…
Nông dân xã Nghĩa Phong (Nghĩa Hưng) thu hoạch củ cải. |
Năm 2014 tiếp tục được mùa lúa, sản lượng lúa chất lượng cao chiếm trên 42% tổng sản lượng lúa; trong đó vụ mùa 2014 là một trong những vụ đạt kết quả cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Tỉnh đã thực hiện được 257 mô hình “cánh đồng mẫu lớn” với diện tích 12.468ha, hiệu quả kinh tế ở các mô hình đều tăng so với sản xuất đại trà trên 10%. Cơ giới hóa phát triển nhanh, tỷ lệ khâu làm đất, tuốt lúa đạt 100%; khâu sạ hàng, thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp đạt 30%. Chăn nuôi đang từng bước phát triển ổn định và bền vững theo hướng nâng cao năng suất và chất lượng đàn vật nuôi. Sản lượng các sản phẩm chăn nuôi tiếp tục tăng trưởng khá, đã tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi trong nông nghiệp, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế nông nghiệp của tỉnh. Cùng với sự tiến bộ ngày càng cao của kỹ thuật sản xuất thức ăn chăn nuôi, những năm qua, các giống gia súc, gia cầm mới có năng suất, chất lượng cao phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng như: gà Lương Phượng, Kabir, Sacso, Isa, vịt siêu trứng, vịt Super M, ngan Pháp; giống lợn ngoại, lợn lai; bò lai Sind… đã được chuyển giao phổ biến rộng rãi trên toàn tỉnh. Ngoài ra, ngành cũng chuyển giao thành công công nghệ thụ tinh nhân tạo cho lợn và bò; các quy trình chăm sóc nuôi dưỡng theo phương thức công nghiệp, quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi tốt theo VietGAHP; quy trình cai sữa sớm cho lợn con; quy trình vỗ béo bò… Nhiều trang trại chăn nuôi đã mạnh dạn ứng dụng công nghệ chuồng kín (chuồng lạnh) vào sản xuất. Việc đưa công nghệ chuồng kín điều khiển được tiểu khí hậu chuồng nuôi đã chủ động được nhiệt độ, độ ẩm trong chuồng phù hợp với sự phát triển của vật nuôi, ngăn mầm bệnh xâm nhập, đảm bảo an toàn dịch bệnh. Nhờ ứng dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới, áp dụng cơ giới hóa trong chăn nuôi đã thúc đẩy ngành chăn nuôi của tỉnh phát triển từ tận dụng, nhỏ lẻ, phân tán sang sản xuất hàng hoá quy mô trang trại, gia trại theo phương thức công nghiệp, góp phần quan trọng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, thực sự đem lại hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi. Hệ số quay vòng tăng từ 1,7 lên 2,5-3 lứa/năm đối với lợn thịt và từ 2,5 lên 4,5 lứa/năm đối với gà thịt; giảm lượng thức ăn/kg tăng trọng từ 3-3,2kg xuống còn 2,3-2,5kg đối với lợn và từ 2,2-2,5kg xuống còn 1,9-2,1kg đối với gà; nâng trọng lượng bò từ 150-180 kg/con lên 220-280 kg/con; tỷ lệ thịt xẻ từ 30-35% lên trên 40%... Năm 2014, đàn lợn của tỉnh đạt 783.500 con, đàn trâu, bò 39.630 con; đàn gia cầm 7,287 triệu con. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 150 nghìn tấn, tăng 7,9% so với năm 2013; trong đó thịt lợn hơi 130.300 tấn, thịt trâu, bò 4.000 tấn, thịt gia cầm 16 nghìn tấn. Do thực hiện tốt công tác tiêm phòng cả 2 vụ xuân, thu và phòng, chống dịch bệnh nên chăn nuôi trong năm đảm bảo an toàn. Kinh tế thuỷ sản phát triển khá ổn định, từng bước chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hoá, kết cấu hạ tầng kỹ thuật được tăng cường đầu tư, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho nông, ngư dân. Tổng sản lượng thủy sản cả năm đạt 110,4 nghìn tấn, tăng 9,5% so với năm 2013; trong đó sản lượng nuôi trồng đạt 65.900ha, sản lượng khai thác đạt 44.500ha. Nuôi trồng thủy sản phát triển sôi động trên cả 2 vùng mặn lợ và nước ngọt, cơ bản bảo đảm theo quy hoạch. Đã chú trọng khâu sản xuất giống từ cải tạo hạ tầng kỹ thuật đến áp dụng khoa học kỹ thuật mới, chất lượng con giống đang dần được nâng lên giúp cho việc chủ động trong nuôi trồng. Đã xuất hiện nhiều mô hình nuôi trồng thủy sản đạt giá trị kinh tế cao như: mô hình nuôi cá diêu hồng tại xã Hải Châu (Hải Hậu); mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng tại Giao Thủy và Hải Hậu; mô hình nuôi cá bống bớp tại Nghĩa Hưng… Khai thác thủy sản tiếp tục chuyển biến và có bước phát triển đáng kể, chuyển dần trọng tâm từ khai thác gần bờ sang khai thác xa bờ; tạo thêm nhiều việc làm cho lao động trên biển và hàng nghìn lao động trên bờ: chế biến, kinh doanh dịch vụ; cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân vùng ven biển, kết hợp kinh tế với đảm bảo quốc phòng - an ninh.
Năm 2015 ngành NN và PTNT tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Đề án Tái cơ cấu Nông nghiệp tỉnh nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững dựa trên đổi mới quan hệ sản xuất, đẩy mạnh liên kết giữa nông dân với nông dân, nông dân với doanh nghiệp qua HTX. Tổ chức các chuỗi khép kín từ sản xuất tới tiêu thụ nông sản. Đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ và xây dựng các mô hình khảo nghiệm, tuyển chọn các giống cây trồng, vật nuôi mới, đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu để đưa vào sản xuất. Phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, tăng cường xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu nông, thủy sản của Nam Định. Xây dựng và thực hiện tốt các chính sách khuyến khích: phát triển kinh tế trang trại; thành lập doanh nghiệp nông nghiệp; thành lập và phát triển các HTX chuyên ngành; doanh nghiệp liên kết với nông dân tổ chức tiêu thụ nông sản theo chuỗi; khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất giống, nuôi trồng thủy sản và dịch vụ hậu cần nghề cá, chế biến thủy sản… Tiếp tục huy động cao các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, kinh tế - xã hội nông nghiệp, nông thôn, chủ động PCLB, giảm nhẹ thiên tai./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh