Chỉ còn hơn một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Ất Mùi, người làm chậu cây cảnh - nghề phụ trợ cho những làng cây cũng đang hối hả làm hàng phục vụ nhu cầu thị trường. Chậu cây cảnh là đồ phụ trợ không thể thiếu, góp phần làm cho các loại cây cảnh, hoa cảnh thêm phần giá trị, hấp dẫn.
Anh Đoàn Văn Chức chủ một xưởng sản xuất chậu cây cảnh, xóm 3, xã Nam Toàn (Nam Trực) cho biết: Cái duyên đến với nghề của anh rất đơn giản. Trước đây, anh làm chủ thầu xây dựng, do công việc không được thuận lợi nên anh quyết định bỏ nghề. Là người thức thời, anh nhận thấy, trên địa bàn tỉnh hiện nay nhiều làng trồng cây cảnh; nhu cầu về chậu của các nhà vườn rất lớn. Hơn nữa, làm nghề, anh lại được thỏa sức sáng tạo, phát huy sở thích với “món nghề” đắp, chát, vẽ gần gũi với nghề xây dựng cũ. Vì vậy, từ năm 2004, anh quyết định làm chậu cảnh cung cấp cho thị trường. Anh cũng là người đầu tiên làm chậu cảnh trên địa bàn xã thời điểm đó. Ban đầu, xưởng chậu của anh chỉ làm và bán loại chậu tròn, mẫu mã đơn giản. Qua thời gian, nhu cầu chơi cây cảnh, cây bonsai của người dân ngày một cao, anh đã học hỏi, sáng tạo và cho ra đời những sản phẩm nghệ thuật đa dạng về chủng loại, mẫu mã. Có nhiều loại chậu như chậu kỷ, sập cổ, chậu mi ni, bầu dục, chậu in chữ phúc, lộc, thọ, hỷ… với những đường nét hết sức mềm mại, đẹp mắt...; với kích thước loại to 1m6-1m1, 1m8-1m2; loại nhỏ 1m2-80cm (hình vuông, chữ nhật, hình bát giác)... tùy theo thị hiếu của khách hàng. Nguyên liệu để làm nên sản phẩm là sắt, thép, cát, xi măng... Cách thức làm bằng khuôn hay bằng tay tùy theo nhu cầu đặt hàng nhưng với kỹ thuật điêu luyện người làm nghề như anh Chức vẫn cho ra những sản phẩm đẹp. Với chậu làm bằng khuôn, quy trình đơn giản hơn, không tốn quá nhiều thời gian. Khuôn gồm cốt trong, khuôn ngoài. Người làm chậu thường quét một lớp mỏng luyn, dầu cũ; quét thêm một lớp xi măng hòa nước mặt trong của khuôn ngoài. Đây là một trong những chi tiết nhỏ nhưng rất quan trọng giúp mặt chậu thành phẩm không bị rỗ, mịn và đẹp hơn. Sau đó, đổ đáy chậu bằng một lớp bê tông, một lớp sắt ở giữa cho chắc chắn. Đặt cốt, đổ bê tông làm thành chậu. Dùng bàn xoa đánh bằng mặt thành chậu. Phơi khô khoảng 3 tiếng rút cốt; trát lòng và mặt thành chậu bằng xi măng trộn cát tỷ lệ 1-1 đã hòa nước cho mịn, khi chậu đã đủ độ cứng tháo khuôn ngoài. Khâu cuối cùng là hoàn thiện sản phẩm. Đối với chậu làm bằng tay, người làm nghề chỉ cần giá quay chậu với cát đã trộn nước theo tỷ lệ nhất định để làm cốt cát (có hình của chậu). “Làm được cốt cát rất khó; bởi nếu không cẩn thận, cốt sẽ dễ bị bể, vỡ, lồi lõm, cong vênh, khi hoàn thiện sản phẩm sẽ không đẹp và dễ bị lỗi. Do vậy, người làm cốt cát phải có tay nghề, sự kiên trì, nhẫn nại và có năng khiếu hình khối, hội họa”, anh Chức chia sẻ. Sau khi có cốt cát, đổ hỗn hợp xi măng, đá nhỏ, cát vàng độ dày vừa phải theo yêu cầu của khách hàng hoặc chủ ý của người làm, rồi để khô; đắp cảnh và làm cạnh. Như vậy là người làm đã hoàn thành xong phần thô của sản phẩm. Công đoạn sau cùng là công đoạn hoàn thiện sản phẩm: dùng máy cắt trà nhẵn, làm kín khe hở khung chậu; quét màu và trang trí cho hoa văn trên khung chậu. Quét thêm lớp dầu bóng để chậu đẹp hơn và bóng hơn. Cho dù làm chậu khuôn hay bằng tay thì cách pha tráng màu phải chuẩn để màu sắc không phai, bền đẹp, nước sơn không tróc, ố và đôi khi còn hợp với phong thủy nhà cửa của khách hàng.
Anh Đoàn Văn Chức, xóm 3, xã Nam Toàn (Nam Trực) đang trang trí chậu cảnh. |
Người xưa quan niệm “con chim quý phải ở lồng son”, còn người chơi cây cảnh thì coi chậu và đôn chậu là một phần vô cùng quan trọng, tạo sự hoàn hảo cho những tác phẩm hoa cảnh nghệ thuật hoặc thú chơi cây cảnh ngày Tết. Thú làm chậu cũng từ đó song hành với thú chơi hoa cảnh và hoàn thiện dần theo phong cách nghệ thuật chơi hoa từng thời kỳ, hoàn cảnh. “Chỉ những ai có tình yêu với nó thì mới thổi được hồn vào sản phẩm, tạo dấu ấn trên những sản phẩm vô tri để biến các chậu cảnh thành đồ vật hữu hiệu, giàu tính nghệ thuật”, anh Chức tâm huyết chia sẻ. Đến cơ sở sản xuất chậu cảnh nghệ thuật của anh Chức, chúng tôi mới được tận mắt chiêm ngưỡng bàn tay điêu luyện của anh trong từng nét đắp hoa văn trên thành chậu. Đang nhẹ nhàng múa những nét vẽ lá cành thanh mảnh lên thân chậu, cặp mắt nhìn chăm chăm không chớp, anh Chức cho biết thêm “Người làm nghề cũng cần sự tinh tế, kỹ thuật như bao nghề khác. Người thợ phải kiên nhẫn, thậm chí cả tuần mới cho ra được sản phẩm hoàn hảo. Uốn người, xoay tay và sáng tạo… đã trở thành những kỹ thuật không thể thiếu đối với người làm nghề, có giỏi nghề hay không, hoàn toàn phụ thuộc vào khả năng chịu khó, hết lòng với nghề của người thợ”. Chỉ trong vài phút thao tác, là anh có thể hoàn thành một bức tranh nổi trên thành chậu, với đường nét sống động và tinh tế. Với năng khiếu hội họa và sở thích với nghề làm chậu, đến nay, anh Chức đã tạo ra những mẫu chậu, đôn chậu mới lạ và đầy sáng tạo, đầy chất ngẫu hứng. Phổ biến là hình tượng cây tùng, loại cây cao niên, cành, tán lá sum xuê, bền bỉ giữa nắng, mưa, trời, đất nên được xem là biểu tượng của tuổi thọ; cảnh núi non hùng vĩ giữa sông nước bình yên, dân giã với cánh buồm dập dềnh thơ mộng đặc trưng cho văn hóa Việt Nam...
Trước kia, chậu cây cảnh được làm bằng xi măng chỉ dùng để trồng và chăm dưỡng cây cho các nhà vườn, nhưng nay dòng chậu được đúc bằng xi măng, bên trong có cốt thép để chịu lực đã trở nên đắc dụng và phù hợp trong việc trang trí, phối cảnh cho những tác phẩm sinh vật cảnh. Với những đường nét nghệ thuật, tinh tế, thị trường chậu cảnh, đặc biệt chậu nghệ thuật bằng chất liệu xi măng phát triển mạnh mẽ do nét độc đáo riêng, sự tiện dụng. Vào dịp giáp Tết khi nhu cầu chơi đào, quất... đón xuân; hay vào khoảng tháng 2-4, thời tiết ấm áp các nhà vườn cây cảnh nghệ thuật, bonsai bắt đầu bước vào đợt chăm bón cuối cùng, chuẩn bị sang chậu đưa ra thị trường, xưởng sản xuất chậu cảnh vừa bán cho nhà vườn, vừa đổ cho các đại lý, thị trường nghề phụ trợ này cũng sôi động theo. Dịp đó, hầu hết các chủ xưởng đều thuê người làm để đảm bảo đủ hàng giao cho khách. Bình quân mỗi ngày những người làm chậu bình dân cũng bán được hàng chục chậu lớn nhỏ khác nhau; thu lại vài chục triệu đồng/tháng. Qua 10 năm làm nghề, theo anh Chức: Với chậu làm bằng tay, nghệ thuật của xưởng anh bán rải rác trong năm; mỗi tháng, bình quân anh phải vận chuyển, giao một chuyến hàng đến các tỉnh bạn. Vào thời điểm tháng 2 đến tháng 4, thì các chủ xưởng chậu cảnh nghệ thuật như anh mới vào mùa làm ăn. Hàng bán rất chạy, thậm chí không còn hàng để bán. Anh nửa đùa nửa thật, anh và nghề “sống nhờ” những ngày này. Do vậy, quanh năm để đảm bảo giao hàng cho khách hàng đúng thời gian và tích hàng cho mùa làm ăn, xưởng của anh lúc nào cũng có 10 người “cứng tay nghề” đang làm việc; với mức lương từ 4,5 triệu - 6 triệu đồng/người/tháng. Với chất lượng và đa dạng mẫu mã sản phẩm, dù thị trường cây cảnh trong tỉnh đang trong tình trạng nằm chờ và xuất rải rác thì xưởng chậu của anh vẫn hoạt động hiệu quả. Hiện sản phẩm chậu nghệ thuật của anh được bán từ Tây Nguyên trở ra các tỉnh, thành phố phía Bắc. Trừ chi phí anh Chức thu lãi từ nghề làm chậu trên 150 triệu đồng/năm.
Qua những xưởng sản xuất chậu cảnh, chậu nghệ thuật, không khí lao động khẩn trương chẳng kém gì mùa gặt. Ở những mảnh đất trống, chậu hoa cảnh được xếp thành hàng dài chờ phơi nắng. Màu xám, đỏ, trắng của chậu hòa cùng màu xanh, vàng xen lẫn của đào, quất, trà, bonsai... tạo nên một bức tranh phong cảnh tuyệt đẹp. Hy vọng tết này, thị trường hoa cảnh, bonsai sẽ khởi sắc để người đúc chậu cảnh được gặp may suốt năm!
Bài và ảnh: Hoàng Dung