Những ngày cuối năm Giáp Ngọ, chúng tôi có dịp về Cty TNHH Đóng tàu Trung Bộ, Thị trấn Ngô Đồng (Giao Thủy) và được chứng kiến không khí lao động tất bật, hồ hởi của tập thể công nhân, cán bộ Cty. Là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đóng mới và sửa chữa phương tiện vận tải thủy, giai đoạn vừa qua, tình hình sản xuất, kinh doanh của Cty gặp nhiều khó khăn do “cơn bão” suy thoái kinh tế chung và khủng hoảng của ngành công nghiệp tàu thủy. Để đối mặt và vượt qua khó khăn, trong giai đoạn 2010-2013, Cty đã phải thực hiện nhiều biện pháp “cắt lỗ”, chuyển trọng tâm sang lĩnh vực sửa chữa; gia công từng phần để duy trì sản xuất, kết hợp rà soát, củng cố lại doanh nghiệp chờ đợi thời cơ. Bước sang năm 2014, tình hình sản xuất của Cty bắt đầu có bước phục hồi, ngoài các hợp đồng gia công, sửa chữa nhỏ, Cty đã ký được 11 hợp đồng đóng mới các loại tàu pha sông biển có tải trọng từ 800-1.500 tấn, tạo việc làm cho trên 100 lao động với mức thu nhập trung bình 5,5 triệu đồng/người/tháng. Trao đổi với chúng tôi, Giám đốc Cty Đinh Trung Bộ cho biết: Ngay sau khi ký kết được các hợp đồng, Cty đã đầu tư thêm gần 3 tỷ đồng để mua 40 máy hàn xoay chiều, 2 máy hàn chuyên dụng và cải tạo hệ thống triền đà, cẩu… để đáp ứng yêu cầu sản xuất. Nhờ đó, trong tháng 11-2014, Cty đã hoàn thành và bàn giao cho khách hàng được 2 tàu loại 800 tấn. Hiện tại trên bãi của Cty đang đồng loạt triển khai sản xuất 8 tàu, trong đó có 4 tàu loại 800-1.000 tấn đang được tập trung hoàn thiện để kịp bàn giao trong tháng 2-2015 (trước Tết Nguyên đán). Niềm vui nối tiếp niềm vui, trong tháng 12 vừa qua, Cty đang hoàn tất các bước đàm phán cuối cùng trước khi ký hợp đồng đóng thêm 4 phương tiện thủy mới, đảm bảo việc làm cho người lao động đến hết năm 2015. Ngoài ra, Cty là 1 trong 6 doanh nghiệp đóng tàu trong tỉnh được UBND tỉnh lựa chọn tham gia chương trình đóng tàu vỏ thép hỗ trợ ngư dân theo Nghị định 67 của Chính phủ.
Thi công tàu 1.000 tấn tại Cty TNHH Đóng tàu Trung Bộ, Thị trấn Ngô Đồng (Giao Thủy). |
Rời Cty Trung Bộ, chúng tôi đến CCN Hải Phương (Hải Hậu), một trong những CCN địa phương được UBND tỉnh đánh giá là hoạt động khá toàn diện, hiệu quả trong tỉnh về phát triển ngành nghề, tập trung công tác đào tạo, nhân cấy nghề ở địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất. Đến nay, CCN Hải Phương đã cơ bản được lấp đầy với 6 dự án đầu tư. Trong đó nổi bật là dự án đầu tư 350 tỷ đồng của Cty CP May Sông Hồng đã hoàn thành và đi vào sản xuất từ năm 2013, tạo việc làm cho trên 2.200 lao động. Với hệ thống nhà xưởng thông thoáng, thiết bị sản xuất hiện đại và môi trường làm việc chuyên nghiệp, hầu hết công nhân của Cty vốn là những lao động nông thôn với tác phong lao động tự do nay đã nhanh chóng hòa nhập, bắt nhịp với phương thức và tác phong sản xuất công nghiệp cường độ cao, góp phần quan trọng vào kết quả sản xuất, kinh doanh của toàn Cty. Anh Nguyễn Ngọc Khuyến, Giám đốc điều hành Nhà máy May Sông Hồng khu vực Hải Hậu cho biết: năm 2014, dự kiến doanh thu của Cty ước đạt 2.500 tỷ đồng, cao hơn năm 2013 khoảng 250 tỷ đồng. Trong tháng 12-2014 vừa qua, Cty đã thành công trong việc nâng mức vốn chủ sở hữu lên 108 tỷ đồng, nhờ đó, năm 2014, tỷ lệ chi trả cổ tức của Cty ở mức cao khoảng 35%, hơn 8.500 công nhân ngoài mức lương bình quân còn được Cty thưởng các tháng lương thứ 13, 14 với bình quân khoảng 8-10 triệu đồng. Vì vậy, Tết này, công nhân Cty cũng rủng rỉnh hơn trong chi tiêu, ai cũng phấn khởi. Hoàn thành vượt mức kế hoạch đặt ra trong năm 2014, trong quý I năm 2015, Cty sẽ tiếp tục đầu tư trên 34 tỷ đồng xây dựng nhà máy may công nghiệp tại xã Nghĩa Thái (Nghĩa Hưng).
Nỗ lực hoàn thành chỉ tiêu sản xuất năm 2014, trong điều kiện hết sức khó khăn, cộng đồng hơn 5.300 doanh nghiệp trong tỉnh đã tận dụng tối đa sự tạo điều kiện hỗ trợ của các ngành, các cấp, phát huy nội lực, tăng cường đầu tư thiết bị sản xuất hiện đại, nâng cao năng lực quản lý để tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Đặc biệt là sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh với các ngành, các cấp trong việc triển khai kịp thời các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn đã tiếp sức tích cực cho doanh nghiệp. Nhờ đó, trong năm 2014, nhiều doanh nghiệp thuộc 6 ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh là: dệt may, cơ khí, chế biến gỗ, sản xuất thuốc và hóa dược, chế biến thực phẩm và đồ uống, sản xuất VLXD đã hoàn thành vượt mức chỉ tiêu kế hoạch đặt ra. Ở khối ngành công nghiệp dệt may, hơn 120 doanh nghiệp đã không ngừng nỗ lực đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, giữ vững các thị trường xuất khẩu truyền thống và phát triển các dòng sản phẩm phục vụ đa dạng các phân khúc thị trường. Năm 2014, Cty CP May Nam Định (Nagaco) đạt tổng doanh thu 142,5 tỷ đồng, tăng trên 2,5% so với năm 2013; giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 131,4 tỷ đồng, tăng 3,2% so với cùng kỳ, lợi nhuận trước thuế ước đạt trên 11,7 tỷ đồng. Bình quân thu nhập của người lao động đã được nâng lên 4,8 triệu đồng/người/tháng. Không chỉ các doanh nghiệp của ngành dệt may, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong các làng nghề của ngành công nghiệp cơ khí cũng có kết quả sản xuất, kinh doanh khả quan. Trong đó, nổi bật là các doanh nghiệp sản xuất máy móc nông nghiệp, đồ gia dụng, công nghiệp như: Cty CP Dây lưới thép Nam Định (TP Nam Định); các Cty TNHH: Thắng Lợi, Kim khí Anh Tú, Việt Thắng… (Nam Trực), Quyết Tiến (Giao Thủy)… Bên cạnh đó, năm 2014 cũng ghi nhận sự phục hồi bước đầu của một số doanh nghiệp ngành đóng tàu như: Cty TNHH một thành viên Đóng tàu Thịnh Long (Hải Hậu); các Cty CP Công nghiệp tàu thủy: Sông Đào, Nam Hà… Năm 2014, Cty CP Công nghiệp tàu thủy Sông Đào đã đạt giá trị tổng sản lượng trên 196,6 tỷ đồng, tổng doanh thu đạt trên 273,6 tỷ đồng, thu nhập bình quân của người lao động được nâng lên mức trên 6,8 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh các doanh nghiệp thuộc các ngành nghề chủ lực như dệt may, cơ khí, nhiều doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực sản xuất công nghiệp khác như: sản xuất bao bì, chế biến lương thực, thực phẩm - đồ uống… cũng đã đạt kết quả sản xuất, kinh doanh khả quan. Cty CP VICEM Bao bì Bút Sơn (TP Nam Định) có 3 xưởng sản xuất bao bì xi măng được trang bị 2 dây chuyền sản xuất đồng bộ, công suất thiết kế 50 triệu vỏ bao/năm. Đây là công nghệ hoàn chỉnh gồm 5 công đoạn khép kín với 3 loại sản phẩm chính là vỏ bao KPK, PK, PP. Trong năm 2014, để nâng cao chất lượng sản phẩm, Cty đã đầu tư hàng tỷ đồng lắp đặt dây chuyền sản xuất bao xi măng dán đáy. Cty đã bảo đảm hiệu quả sản xuất ổn định, tổng sản lượng ước đạt 56,6 triệu sản phẩm, cao hơn cùng kỳ năm trước hơn 1,6 triệu sản phẩm. Nhờ đó, bình quân thu nhập của người lao động đã được nâng lên mức 6,8 triệu đồng/người/tháng. Cty CP Kinh doanh than Hà Nam Ninh đạt tổng sản lượng mua bán than 285 nghìn tấn, vượt 5% kế hoạch, giá trị sản xuất công nghiệp đạt trên 12,5 tỷ đồng, tăng 7% so với chỉ tiêu được giao; nộp ngân sách trên 850 triệu đồng. Cty CP Bia Hà Nội - Nam Định trong năm 2014 đã sản xuất được trên 4,55 triệu lít bia các loại và 710 tấn bánh mỳ, giá trị tổng sản lượng đạt trên 59,1 tỷ đồng, vượt 6,5% kế hoạch và tăng 19,4% so với năm 2014. Trong đó, sản phẩm bia các loại vượt 9,6% kế hoạch và có mức tăng trưởng ấn tượng 24,3% so với năm 2013; sản phẩm bánh mỳ cũng tăng 11% so với cùng kỳ năm trước. Nhờ đó, tổng doanh thu năm 2014 của Cty đạt trên 57,6 tỷ đồng, tăng gần 7 tỷ đồng so với năm trước, nâng mức thu nhập bình quân của gần 120 lao động lên mức 3,7 triệu đồng/người/tháng.
Kết quả sản xuất, kinh doanh năm 2014 của các doanh nghiệp vượt chỉ tiêu kế hoạch đã khẳng định hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh và các sở, ngành chức năng trong việc thực hiện những biện pháp, cơ chế, chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu phát triển sản xuất CN-TTCN của tỉnh. Đó cũng là cơ sở vững chắc để tỉnh hoàn thành tốt các mục tiêu phát triển sản xuất CN-TTCN năm 2015 như: giá trị sản xuất công nghiệp đạt 27.341 tỷ đồng, tăng từ 23-24%; giá trị hàng hóa xuất khẩu đạt 670-680 triệu USD, tăng 15,1%... so với năm 2014./.
Bài và ảnh: Thành Trung