Là xã thuần nông, trước đây lúc nông nhàn người dân xã Giao Tân (Giao Thuỷ), thường phải đi khắp nơi tìm việc làm thêm. Từ năm 2004, triển khai các hoạt động dạy nghề, tạo việc làm lúc nông nhàn cho lao động nữ ở nông thôn, Hội Phụ nữ xã Giao Tân đã liên kết với các doanh nghiệp chuyên sản xuất kinh doanh các mặt hàng tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh, trong đó có Cty TNHH Linh Đa, xã Xuân Hồng (Xuân Trường) đưa nghề đan sợi về cho phụ nữ xã.
Cơ sở đan sợi của chị Trần Thị Ngân, xóm 6, xã Giao Tân. |
Về xã Giao Tân vào những ngày công việc đồng áng đã xong xuôi, đến gia đình nào trong xã cũng thấy những người phụ nữ tay thoăn thoắt đan sợi. Sản phẩm khá đa dạng từ các loại túi xách, vật dụng trong nhà bếp, phòng tắm, móc treo đồ… tất cả đều đan bằng các loại sợi dù se trông rất bắt mắt. Chị Đào Thị Mai, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Giao Tân cho biết: “Giao Tân là xã đầu tiên trong huyện đưa nghề đan sợi về cho chị em làm thêm. Được sự giúp đỡ của Phòng Công thương huyện, ban đầu mỗi xóm cử 5 người đi học nghề. Sau khi thành thạo nghề, các chị tiếp tục truyền dạy nghề cho chị em trong xóm. Từ khi có nghề đan sợi, cuộc sống của nhiều gia đình ở xã Giao Tân đã thay đổi đáng kể, phụ nữ có thêm nguồn thu ổn định nên rất phấn khởi. Trong xã đã hình thành nhiều cơ sở cung ứng đầu vào và bao tiêu đầu ra sản phẩm. Nếu năm 2004, cả xã Giao Tân chỉ có duy nhất một cơ sở cung ứng nguyên liệu và bao tiêu sản phẩm, thì hiện nay xã có 3 cơ sở vừa cung ứng vật tư, vừa bao tiêu sản phẩm lớn, tập trung ở các xóm 1, 6, 7. Chị Trần Thị Ngân, chủ cơ sở sản xuất xóm 6 cho biết, cơ sở của gia đình chị có hơn 200 hộ sản xuất vệ tinh; mỗi tuần cơ sở nhập 6-7 tạ sợi làm được 600-700 bộ sản phẩm. Có 2 loại sản phẩm chính là bộ 4 sản phẩm túi và bộ hàng móc treo. Nếu làm chăm chú, một tháng mỗi lao động nữ có mức thu nhập 800 nghìn - 1,5 triệu đồng. Sản phẩm cơ sở của chị thu mua xuất khẩu sang các thị trường Đài Loan, Malaysia, Nhật Bản, Anh... qua Cty TNHH Linh Đa.
Hiện, Giao Tân có hơn 1.000 hộ tham gia làm nghề với hàng nghìn lao động địa phương. Chị Trần Thị Mừng (xóm 6), một trong những người có thâm niên trong nghề chia sẻ thêm: Nghề đan sợi khá đơn giản, người mới học nghề chỉ cần một tuần tập trung là có thể đan thành thạo. Gia đình tôi có 2 con nhỏ, cả hai vợ chồng đều làm nông nghiệp, năm chỉ có hai vụ chính nên mùa màng xong xuôi thì không có công việc gì làm. Từ ngày có nghề đan sợi, thu nhập ổn định, cuộc sống gia đình cũng đỡ vất vả. Anh Vũ Thư, chủ cơ sở sản xuất ở xóm 1 cho biết, mỗi tuần cơ sở sản xuất của anh xuất 3.000-4.000 bộ sản phẩm cho Cty TNHH Phương Anh (Thái Bình). Khi có các loại sản phẩm mẫu mã mới, Cty đều chủ động mở các lớp đào tạo, hướng dẫn cách làm cho chị em.
Nghề đan sợi xuất khẩu của phụ nữ xã Giao Tân đã mang đến những đổi thay tích cực cho đời sống người dân trong xã, giúp nhiều gia đình thoát nghèo, hàng nghìn lao động địa phương có thu nhập ổn định. UBND xã và Hội Phụ nữ xã tiếp tục khuyến khích phát triển nhân rộng nghề để giải quyết việc làm tại chỗ cho người dân ổn định cuộc sống, vươn lên làm giàu./.
Bài và ảnh: Hoa Xuân