Làm giàu từ phát triển mô hình kinh tế trang trại

08:03, 26/03/2013

Sau 12 năm phục vụ trong quân đội, đến năm 1986 ông Nguyễn Văn Thạnh, ở xóm 4, xã Hải Bắc (Hải Hậu) xuất ngũ trở về địa phương và hưởng chế độ mất sức với tỷ lệ 61%. Trước “bài toán” kinh tế gia đình, ông Thạnh trăn trở, thử nghiệm với nhiều công việc từ đi đào vàng ở Thái Nguyên, đi bè thuê, về làm bảo vệ cho các trường học ở địa phương. Bôn ba vất vả là vậy, nhưng kinh tế gia đình cũng chẳng khá lên được. Quan sát thấy nhiều nông dân đi lên từ đồng ruộng, qua nhiều đêm suy nghĩ tính toán, ông quyết định đi theo con đường làm kinh tế tại đồng đất quê hương mình. Ông đã chủ động tìm đến những mô hình VAC làm ăn hiệu quả ở các địa phương trong và ngoài huyện, sang cả các trang trại ở Ninh Bình, Thanh Hóa, Hải Dương… để học hỏi kinh nghiệm. Năm 2010, khi UBND xã có chủ trương xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn và triển khai quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp theo chương trình xây dựng nông thôn mới, ông Thạnh đã đi trao đổi, thỏa thuận với bà con trong xã chuyển đổi các thửa ruộng để ông được lấy dồn về một mảnh tại cùng một khu vực. Ngoài số ruộng của gia đình, ông còn được anh em, họ hàng và những gia đình thoát ly nông nghiệp cho thuê lại để canh tác với tổng diện tích hơn 4ha. Nhờ có quỹ đất tập trung để có thể tổ chức sản xuất lớn theo phương thức hiện đại, ông đã đầu tư xây dựng mô hình trang trại tổng hợp, trong đó chủ lực là sản xuất các giống lúa chất lượng cao. Đất liền vùng thuận lợi cho việc đưa máy móc vào để cơ giới hoá, ông Thạnh đã đầu tư sắm máy cày, máy bơm, máy gặt đập liên hợp… để thực hiện hầu hết các khâu sản xuất, giảm sức lao động thủ công, đảm bảo thời vụ, hiệu quả. Toàn bộ diện tích cấy lúa đều được ông áp dụng gieo sạ. Ông Thạnh cho biết, nếu cấy theo phương pháp truyền thống với hơn 4ha, ông phải dành diện tích gần 1 sào và nhiều ngày công để gieo mạ, vận chuyển ra đồng, chưa kể công cấy. Sau khi tham khảo cách gieo sạ của một số địa phương lân cận, ông đã về áp dụng tại cánh đồng của gia đình và qua hai năm thực hiện đã cho những kết quả ngoài mong đợi. Thay vì mất nhiều ngày công lao động gieo cấy, hiện nay ông chỉ mất khoảng 2 đến 3 ngày để hoàn thành gieo sạ toàn bộ khu ruộng của gia đình đảm bảo đúng lịch thời vụ. Đến khi lúa đẻ nhánh, ông mất khoảng 5 đến 7 ngày công nữa để tỉa, dặm, làm cỏ là xong. Để thuận tiện cho việc chăm sóc, bảo vệ lúa ông đã đầu tư mua máy phun thuốc sâu loại PT-45, công suất lớn, đảm bảo hiệu quả phun thuốc, ngăn chặn sâu bệnh kịp thời lại bảo vệ sức khoẻ người phun thuốc. Ngoài ra, ông còn đầu tư 300 triệu đồng mua máy gặt đập liên hợp của Nhật Bản vừa phục vụ nhu cầu thu hoạch lúa của gia đình vừa phục vụ nhu cầu của nông dân trong xã lúc đông vụ. Vụ mùa năm 2012, ông thu được 21 tấn lúa các loại, trừ chi phí ông thu lãi gần 60 triệu đồng… Sản xuất lúa hàng hoá nên ông chú trọng chọn giống lúa chất lượng cao, được thị trường ưa chuộng. Vụ xuân 2013, toàn bộ diện tích lúa của ông được gieo sạ bằng giống lúa Bắc thơm số 7, đây là giống lúa phù hợp với chân đất của địa phương, kháng sâu bệnh tốt, cho năng suất cao, đồng thời đảm bảo chất lượng gạo tốt. Đối với vụ mùa, ông cấy thêm một số giống lúa đặc sản như Tám Xoan, nếp Thái Bình… Ông Thạnh cho biết, để sản phẩm lúa bán ra thị trường đạt giá trị kinh tế cao, ông tổ chức thu hoạch khi lúa chín được khoảng 75-80%, vì đây là thời điểm sẽ cho hạt gạo trong, cơm thơm ngon nhất. Ngoài ra, ông còn chủ động hợp đồng với các đại lý ở Thành phố Nam Định, Hà Nội, Hải Phòng để tiêu thụ sản phẩm bảo đảm ổn định, không bị ép giá vì phụ thuộc tư thương. Thóc được xay xát ngay tại gia đình, cám thu được ông đầu tư vào chăn nuôi từ 30-40 con lợn/lứa, mỗi năm lợi nhuận thu về từ nuôi lợn cũng được từ 30-40 triệu đồng. Trang trại lúa của ông Thạnh hiện đã sản xuất ổn định. Diện tích ao nuôi cá rộng hơn 1.000m2 cũng đang cho thu những lứa cá thịt đầu tiên. Đứng giữa mênh mông màu xanh của lúa xuân đang thì con gái, chúng tôi thật sự khâm phục khi ước mơ làm giàu từ đồng ruộng của một nông dân đã dần trở thành hiện thực./.

Văn Thứ



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com