Hiệu quả mô hình nuôi cá chạch đồng ở Quỹ Nhất

09:03, 05/03/2013

Đầu năm 2006, anh Nguyễn Văn Vinh ở tổ 8, Thị trấn Quỹ Nhất (Nghĩa Hưng) đầu tư hơn 18 triệu đồng mua cá chạch giống về thả vào 9 sào ruộng theo mô hình cá luồn lúa. Ban đầu do thiếu hiểu biết về tập tính sinh sống và thức ăn của cá chạch đồng nên toàn bộ số cá thả ruộng kết quả không cao. Đến đầu tháng 5-2011, sau thời gian nghiên cứu phương pháp nuôi, sinh sản cá chạch đồng, anh Vinh đã thành công trong việc cho sinh sản nhân tạo giống cá chạch đồng với tỷ lệ sinh đậu trung bình từ 70-80%. Anh tiếp tục tham khảo tài liệu về nuôi cá chạch đồng, tham quan các mô hình về thức ăn cho thủy sản và đã sử dụng men vi sinh lên men phân chuồng tạo thức ăn cho cá. Cuối năm 2011 anh vừa đấu thầu, vừa mua tổng số 15 mẫu ruộng để xây dựng mô hình nuôi cá chạch đồng kết hợp trồng lúa, đầu tư hơn 500 triệu đồng để cải tạo mặt ruộng, chia ô nuôi cá thương phẩm. Hiện tại, gia đình anh có hơn 1 mẫu ao nuôi cá chạch đồng thương phẩm; 4 sào ruộng ương cá giống ngoài đồng, 80 bể ương cá bột, 800m2 nuôi cá chạch đẻ. Bình quân hằng tháng anh xuất bán hơn 10 tấn cá giống với giá 70-150 nghìn đồng/kg, tạo việc làm ổn định cho hơn 8 lao động với thu nhập bình quân 150 nghìn đồng/người/ngày. Năm 2012, tổng thu nhập của gia đình đạt hơn 1 tỷ đồng. Từ nhiều nguồn tài liệu của các cơ quan chức năng, anh đã hoàn thiện quy trình nuôi cá chạch đồng theo hướng bền vững và bảo vệ môi trường sinh thái. Ruộng nuôi cá chạch đồng luồn lúa yêu cầu phải đắp bờ rộng tránh thất thoát nước, chủ động thiết kế kênh hào xung quanh ruộng rộng 30x50cm tùy theo mật độ thả, trung bình từ 30-50 con/m2; mực nước trong ruộng ổn định cao hơn mặt ruộng 40cm. Thời điểm thích hợp ương cá bột từ tháng 1 đến tháng 4 âm lịch và từ tháng 7 đến tháng 10 âm lịch. Cá chạch đồng là loài ăn tạp, ưa lạnh, thức ăn chủ yếu là phù du, vi sinh vật và cả phụ phẩm nông nghiệp. Để chuẩn bị thức ăn cho cá, hộ nuôi theo mô hình cá chạch luồn lúa chủ động đóng phân chuồng đã lên men vi sinh vào bao sau đó thả xuống ruộng. Phân men vi sinh tạo ra màu để nuôi cá đồng thời là môi trường để tạo nguồn thức ăn: vi sinh, giun đỏ cho cá giống. Sử dụng thức ăn men vi sinh cho cá không những tạo môi trường giàu ôxy còn giúp tiết kiệm chi phí xử lý phế thải trong chăn nuôi, đồng thời giảm chi phí mua thức ăn; đồng thời phân vi sinh bón trực tiếp cho lúa giúp tăng năng suất lúa, hạn chế sử dụng phân bón hoá học, thuốc trừ sâu. Để trừ rầy cho lúa, người nuôi có thể bơm nước cao vào các ruộng nuôi xen cá chạch đồng, rầy sẽ trở thành một phần thức ăn cho cá. Cá chạch đồng có thể hướng tới nuôi 3 vụ/năm. Khi thời tiết đại hàn, người nuôi sử dụng rơm rạ, bèo tây cho cá trú ẩn tránh rét, đồng thời bơm nước cao từ 70-80cm để nuôi xen canh với các loại cá trắm đen, cá chép nhằm tận dụng thức ăn dư thừa ở các tầng nước.

Kiểm tra chất lượng cá chạch đồng giống bố mẹ tại gia đình anh Nguyễn Văn Vinh tổ 8, Thị trấn Quỹ Nhất.
Kiểm tra chất lượng cá chạch đồng giống bố mẹ tại gia đình anh Nguyễn Văn Vinh tổ 8, Thị trấn Quỹ Nhất.

Mô hình nuôi cá chạch đồng luồn lúa đạt hiệu quả kinh tế cao, phát triển theo hướng bền vững, giúp người nuôi tận dụng được ưu thế đồng ruộng ngoài sản xuất lúa. Đến nay, tại Thị trấn Quỹ Nhất có nhiều hộ chuyển sang nuôi thử nghiệm cá chạch đồng luồn lúa như hộ các ông Lương Văn Dụng, Trần Văn Hợi ở tổ 1... Ông Dụng cho biết: Vụ xuân 2013, gia đình ông thả hơn 70 vạn con cá chạch đồng giống nuôi luân canh với cá rô đồng và cá chép lai 3 máu trên diện tích hơn 4,5 mẫu ruộng. Dự kiến đến tháng 5 sẽ cho thu hoạch hơn 14 tấn cá chạch đồng; trừ chi phí, mỗi sào nuôi lãi từ 10-20 triệu đồng. Không chỉ giúp các hộ trong và ngoài tỉnh nuôi thành công mô hình cá chạch đồng trong ruộng lúa, anh Vinh còn chủ động bao tiêu sản phẩm cho các hộ nuôi góp phần đảm bảo phát triển ổn định bền vững và mở hướng nhân rộng mô hình. Với quy trình hoàn thiện từ đầu vào đến đầu ra của sản phẩm cùng với định hướng phát triển nuôi cá chạch đồng theo hướng bền vững, trong tương lai không xa cá chạch đồng sẽ trở thành đối tượng con nuôi có thương hiệu của tỉnh như cá bống bớp Nghĩa Hưng, ngạo sạch Giao Thuỷ./.

Bài và ảnh: Đức Toàn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com