Năm 2012, doanh thu dịch vụ viễn thông, internet của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt 924 tỷ đồng, tăng 11,4% so với năm 2011. Trong đó, tổng số thuê bao điện thoại cố định và trả sau phát triển trong năm là 44.904 thuê bao, tăng 18% so với năm 2011. Tuy nhiên số thuê bao điện thoại cố định đã giảm mạnh, tụt xuống mức 48% so với năm 2011. Thực trạng này đã đặt các doanh nghiệp phải chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh.
Nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống đại lý phân phối sản phẩm là chiến lược trong phát triển sản xuất kinh doanh trong năm 2013 của Chi nhánh Viettel Nam Định. |
Chi nhánh Viettel Nam Định đang tập trung thực hiện quan điểm kinh doanh phát triển nhanh, chiếm lĩnh và duy trì thị phần với các mục tiêu: sản phẩm tốt nhất, giá tốt nhất, hệ thống kênh phân phối rộng nhất, chăm sóc khách hàng tốt nhất… Trong đó, từ năm 2012 Chi nhánh quan tâm phát triển hệ thống kênh phân phối như một kênh chủ đạo trong phát triển và giữ chân khách hàng. Với mục tiêu xây dựng hệ thống điểm bán, nhân viên điểm bán đến từng thôn xóm, Chi nhánh đã tổ chức tuyển dụng cộng tác viên bán hàng, đào tạo nghiệp vụ cho nhân viên để bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ thu cước, bán hàng, chăm sóc khách hàng, đồng thời kịp thời cập nhật, phổ biến cho 100% cán bộ, nhân viên và các đại lý, cửa hàng, điểm bán, nắm vững và nghiêm túc thực hiện các chính sách của tập đoàn, các Cty thành viên và các gói cước mới, các chương trình khuyến mại, giảm giá cước. Chi nhánh đã thực hiện mở rộng và đồng bộ hoá, nâng cao hình ảnh thông qua các kênh như: trang bị biển hiệu cho 580 điểm bán, 151 nhân viên địa bàn và phối hợp với các đại lý uỷ quyền thực hiện cải tạo, sửa chữa lại mặt bằng, cơ sở vật chất cho các đại lý bị hư hỏng sau cơn bão số 8... Nhờ đó năm 2012, Chi nhánh đã xây dựng được hệ thống kênh phân phối sâu rộng với 12 cửa hàng, 23 đại lý và hơn 2.500 điểm bán cùng 300 nhân viên địa bàn bán hàng tại các xã, phường, thị trấn. Hệ thống kênh phân phối này hoạt động khá hiệu quả, góp phần giúp Chi nhánh phát triển và duy trì được thị phần thuê bao di động chiếm 51% thị phần toàn tỉnh. Trong năm 2013, Chi nhánh Viettel Nam Định tiếp tục củng cố và phát triển hai kênh phân phối nòng cốt là đại lý và điểm bán. Tập trung nâng cao tính chuyên nghiệp trong công tác chăm sóc hỗ trợ điểm bán, đại lý. Thường xuyên tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả chăm sóc, hỗ trợ điểm bán của các bộ phận; tăng cường xây dựng hình ảnh, tạo sự trung thành và mối quan hệ gắn bó giữa điểm bán với chi nhánh. Chú trọng thực hiện chế độ giám sát, rà soát, loại bỏ các đại lý hoạt động kém hiệu quả để bổ sung thêm đại lý thay thế có năng lực hơn, đồng thời tiếp tục đẩy mạnh kinh doanh các dịch vụ đã có, khuyếch trương các dịch vụ mới, đặc biệt là các gói cước có mức giá rẻ, thu hút, kích thích nhu cầu sử dụng của nhiều nhóm khách hàng như: 7colors, sim đôi, gói cước người già, Hischool, sinh viên, sumo sim và các dịch vụ giá trị gia tăng, các dịch vụ 3G.
VNPT Nam Định với mục tiêu phấn đấu đạt doanh thu 583 tỷ đồng trong năm 2013, cũng tập trung thực hiện nhiều biện pháp nhằm giữ vững vai trò số 1 trong cung cấp dịch vụ viễn thông công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh. Theo đó, VNPT Nam Định sẽ sắp xếp lao động theo hướng tinh gọn, linh hoạt, hiệu quả, phù hợp với yêu cầu sản xuất kinh doanh. Phát triển sản xuất theo chiều sâu, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh trên cơ sở sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực và hạ tầng thiết bị sẵn có. Tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng mạng viễn thông có trọng tâm, trọng điểm, tối ưu hoá, nâng cao chất lượng hạ tầng BTS, hệ thống tổng đài, mạng băng rộng, từ đó phát triển dịch vụ băng rộng, tạo đột phá trong phát triển các dịch vụ gia tăng và công nghệ thông tin nhằm tạo nguồn doanh thu mới. Lấy khách hàng làm trung tâm để phát triển hài hoà ba nhân tố: khách hàng, người lao động, hiệu quả kinh doanh và ưu tiên trong thực hiện các giải pháp chăm sóc khách hàng…
Cùng với việc áp dụng các chiến lược kinh doanh phù hợp, hiệu quả, năm 2013, các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh sẽ có những ưu đãi dành cho thuê bao cá nhân, đưa ra các chương trình ưu đãi nhằm thu hút nhu cầu sử dụng của nhóm khách hàng doanh nghiệp với gói thuê bao “sỉ”. Khi tham gia vào gói cước này, các thuê bao sẽ có cơ hội giảm chi phí, tuy nhiên để đủ điều kiện đăng ký các gói cước doanh nghiệp, phải có ít nhất từ năm thuê bao (cùng mạng) trở lên. Mức cước của các nhà mạng có thị phần khống chế như Vinaphone, Mobifone, Viettel rẻ hơn mức cước quy định từ 40-50% so với những thuê bao thông thường, dao động từ 495-585 đồng/phút tuỳ theo mạng. Mức này chỉ tính cho những cuộc gọi trong nhóm, nếu gọi cho các thuê bao khác thì tính theo mức thông thường. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp còn áp dụng chính sách “gọi nhiều có thưởng” vào cuối kỳ thanh toán, như Viettel có mức thưởng 3% dành cho hoá đơn của chủ nhóm gói cước Corporate, khi số tiền cước của cả nhóm phải đóng từ 3 triệu đồng/tháng trở lên; Mobifone áp dụng chính sách chiết khấu cước theo số lượng thành viên của nhóm (nếu nhóm từ 5-29 thuê bao sẽ được giảm 7%/tổng cước mỗi tháng của nhóm, từ 30 thuê bao trở lên sẽ được giảm 12% trên giá trị hoá đơn); Vinaphone sẽ giảm 20% trên tổng số giá trị hoá đơn/tháng với con số là 100 triệu đồng…
Bài và ảnh: Thanh Thuý