Đồng ruộng sang xuân

06:02, 18/02/2013

Thời tiết những ngày giáp Tết Quý Tỵ chợt nắng, chợt rét, nhưng rất thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp. Đang nắng với nhiệt độ gần 300C làm cây mạ gieo nền cứng vóng lên, nguy cơ chết chòm nếu không được cấy sớm, thì đợt rét đậm dưới 150C tuy ngắn nhưng cũng đủ thời gian cho mạ phơi phới hồi xanh chuẩn bị ra đồng.

Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, mồng 3 Tết Quý Tỵ (12-2-2013) các địa phương xuống đồng cấy lúa và trồng cây vụ xuân, chúng tôi tranh thủ du xuân ngắm đồng ruộng sang xuân. Nước đủ nên việc làm đất cơ bản xong trước tết, đúng theo phương châm "ruộng chờ mạ". Đi qua các xã vùng đất màu Yên Đồng, Yên Nhân, Yên Cường, Yên Dương (Ý Yên), Liên Minh, Kim Thái, Liên Bảo (Vụ Bản)… trên cánh đồng tấp nập, đông vui. Người bổ hốc, người tra phân, người gieo hạt… hối hả trong lất phất mưa xuân và những câu chuyện không dứt về tết, về xuân. Chị Bùi Thị Hạnh, nông dân xã Liên Bảo (Vụ Bản) vừa nhanh tay tra hạt, vừa tranh thủ trao đổi với tôi: "Mưa thế này thuận cho cây lạc lắm. Tôi tranh thủ trồng xong ngay trong ngày để mai đi cấy, sao cho kịp "rút chân khỏi ruộng" trước ngày mồng 8 tháng Giêng để trẩy hội chợ Viềng cho may mắn cả năm…". Chỉ sang ruộng bên cạnh cây lạc đã vươn cao, ngoài 2 lá mầm thì lá thật đang nhú rực rỡ màu vàng chanh, chị nói thêm: "Lạc mới trồng hôm "Tết Ông Táo" đấy, nhanh không…". Dọc theo đường Vàng của huyện Nam Trực, nông dân các xã Nam Hồng, Nam Hoa, Nam Dương, Thị trấn Nam Giang cũng tấp nập ra đồng trồng lạc xuân. Từ hiệu quả cây lạc cao gấp 2-3 lần cấy lúa nên diện tích trồng lạc được nhân rộng trên các chân ruộng cao hạn, cơ giới nhẹ, gieo cấy lúa kém hiệu quả do năng suất thấp. Từ 3,5 nghìn ha những vụ xuân trước, đến nay diện tích lạc xuân của toàn tỉnh đã đạt trên 5 nghìn ha.

Gieo sạ lúa xuân ở xã Nghĩa Đồng (Nghĩa Hưng).
Gieo sạ lúa xuân ở xã Nghĩa Đồng (Nghĩa Hưng).

Vùng giáp ranh Nam Thành (Nam Trực) với Nghĩa Đồng, Nghĩa Thịnh (Nghĩa Hưng) mọi người cũng đã đổ ra đồng. Máy làm đất, người trang, người kéo, kể cả trâu bò cũng được huy động xuống đồng san phẳng ruộng trước khi gieo sạ hàng thay cho cấy lúa truyền thống. Nông dân Nghĩa Đồng vẫn nhắc lại cách đây 4 năm khi bí thư chi bộ xóm 5 của xã cùng với xóm trưởng vận động nông dân áp dụng tiến bộ kỹ thuật sạ hàng đã phải cam kết với Đảng ủy, UBND xã chỉ được phép thành công chứ không được thất bại. Hiệu quả ngay vụ gieo sạ đầu tiên thật thuyết phục: năng suất cao, hiệu quả vượt trội… lại giảm được lao động nặng nhọc, giảm phun thuốc bảo vệ thực vật so với cấy truyền thống. Từ vài chục ha vụ xuân đầu tiên năm 2009 của đội 5, bây giờ cả 6 đội sản xuất của xã Nghĩa Đồng đều cùng làm theo phương thức gieo sạ hàng, đưa diện tích sản xuất lúa theo phương pháp này lên hàng trăm ha mỗi vụ. Anh Vũ Ngọc Lý, xã viên đội sản xuất số 5, xã Nghĩa Đồng tâm sự: "Bây giờ có ai cho tiền bảo chúng tôi bỏ gieo sạ để quay lại cấy lúa thì chúng tôi cũng xin kiếu…". Chị Vũ Thị Ly đang san ruộng ở ruộng bên cạnh cũng "góp chuyện": "Tôi phải san nhanh ruộng này xong trong ngày để mai tiếp tục san phẳng khu ruộng 4 sào do người quen cho mượn ở xã Nam Thành (Nam Trực) để ngày kia gieo sạ luôn một thể…". Còn xã Nghĩa Minh bên cạnh có kinh nghiệm gieo sạ hàng cả trong 2 vụ mỗi năm thì vụ xuân này quyết định đẩy sớm thời vụ để gieo sạ lúa mùa sớm, chủ động mở rộng diện tích vụ đông nên đã tổ chức gieo sạ lúa trước Tết Nguyên đán, ngay sau tiết lập xuân. Mới được một tuần mà cây lúa đã đạt 1,5 lá khá đẹp đang mởn xanh trong mưa xuân. Gặp chị em chị Đới Thị Nguyệt ở đội sản xuất số 1, xã Nghĩa Minh ra thăm đồng, chị cho biết: "Cả cánh đồng Gié, cánh đồng Đầu Cầu đều gieo sạ trước Tết Nguyên đán. Số hộ cấy truyền thống của Nghĩa Minh vụ xuân này chỉ đếm trên đầu ngón tay…". Không khí rộn ràng làm đất, kéo ống gieo sạ thu hút đến cả trăm người, chúng tôi lại gặp ở xã Hải Hà (Hải Hậu), trong tiết mưa xuân nặng hạt nhưng mọi người đều vui. Đồng chí chủ nhiệm HTXNNDV Hải Hà cho biết, trong vụ xuân 2013 diện tích gieo sạ của xã chiếm 70-80% diện tích sản xuất lúa của xã. Cảnh xuống đồng làm đất gieo sạ hàng liên tục gặp trên đường nơi chúng tôi đi qua. Các địa phương tận dụng tối đa diện tích, chủ động nước để tổ chức gieo sạ hàng, vừa đẩy nhanh tiến độ, vừa tiết kiệm chi phí sản xuất cả về giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, cả công lao động… vừa tạo điều kiện đưa cơ giới vào sản xuất nông nghiệp. Diện tích gieo sạ hàng vụ xuân này chắc vượt xa con số kế hoạch 12 nghìn ha toàn tỉnh. Đây là kết quả của nhiều năm, nhiều vụ gần đây và cũng là phát huy tác dụng sau cuộc cách mạng dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng: cả giao thông và thuỷ lợi nội đồng, theo hướng sản xuất hàng hoá chuyên canh tập trung. Cùng với tiến bộ kỹ thuật sạ hàng trong sản xuất lúa, cả tỉnh đã và đang xây dựng 162 cánh đồng mẫu lớn với 7 nghìn ha; trong đó 148 cánh đồng sản xuất lúa với tổng diện tích 6.500ha, 14 mô hình cánh đồng mẫu lớn với diện tích 500ha trồng rau màu vụ xuân - một cuộc cách mạng đang mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp theo hướng Viet GAP bền vững.

Vui hơn khi về đến Xuân Ninh (Xuân Trường) nông dân xuống đồng cấy lúa như đi hội trong trống giong cờ mở. 30ha sản xuất lúa giống cả 2 vụ vài năm nay đã cho tổng thu nhập bình quân 170 triệu đồng/ha, cao gấp đôi bình quân chung sản xuất nông nghiệp toàn tỉnh. Vụ xuân 2013 này 30ha của xã Xuân Ninh được chọn là vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đầu tiên của tỉnh và của vùng Nam đồng bằng sông Hồng. Nông dân Nguyễn Văn Minh chỉ cho tôi cách cấy một dảnh, đâu là hàng lúa mẹ, đâu là hàng lúa bố 1, lúa bố 2; hăng hái giải thích cho tôi vì sao sản xuất hạt lai F1 phải cấy mà không được gieo sạ, cách cấy và thời gian cấy lúa bố 1, bố 2, mẹ; phương pháp khử lẫn, cách phun GA3,… nhưng không phải gặt, không phải phơi… cứ như một chuyên gia về sản xuất hạt lúa lai F1. Khó đấy, phức tạp đấy, kỹ thuật đấy mới có sản phẩm trị giá gấp 4-5 lần, làm tôi vui lây.

Chiều ngày mồng 5 Tết (14-2-2013) nắng vàng rực rỡ, tôi đang mải mê ghi lại những hình ảnh cấy lúa của nông dân Nghĩa Sơn (Nghĩa Hưng) thì đồng chí Nguyễn Phùng Hoan, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT đi kiểm tra sản xuất cũng về tới. Anh thông báo nhanh tiến độ sản xuất vụ xuân năm 2013. Như vậy đến hết ngày 14-2-2013, toàn bộ 77.500ha gieo cấy lúa xuân của tỉnh đã đủ nước và cơ bản bừa ngả xong, 70% diện tích đã bừa cấy. Các địa phương gieo cấy được 3.264ha, trong đó cấy được 2.464ha và gieo sạ 800ha. Các địa phương đã gieo cấy lúa xuân với diện tích khá là: Nghĩa Hưng 1.000ha, Ý Yên 850ha, Hải Hậu 700ha… Riêng diện tích sạ hàng chủ yếu của 3 huyện: Ý Yên 400ha, Nghĩa Hưng 200ha và Vụ Bản 200ha. Đồng thời các huyện, thành phố cũng đã trồng được 7.362ha cây màu xuân; trong đó diện tích lạc là 4.077ha, ngô là 600ha và 2.685ha cây rau màu khác. Theo đồng chí Phó Giám đốc Sở NN và PTNT thì mạ, ruộng và thời tiết đang "đuổi" các địa phương đẩy nhanh tiến độ gieo cấy. Chỉ trên một tuần nữa là 77.500ha lúa và 13.300ha cây màu vụ xuân sẽ cơ bản gieo trồng xong, đúng trong khung thời vụ tốt nhất.

Tối nhọ mặt người nhưng tiếng gọi nhau vẫn vang vọng trên các cánh đồng, nông dân hẹn nhau sáng mai cùng ra ruộng sớm để gieo cấy cho kịp thời vụ, phấn đấu cấy xong sớm và cùng nhau trẩy hội chợ Viềng "năm có một phiên" thêm phần may mắn./.

Bài và ảnh: Tuấn Anh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com