Từ quý II-2008 công trình cấp nước sạch tại Thị trấn Cát Thành (Trực Ninh) trị giá 3 tỷ 242 triệu đồng đã phải dừng thi công. Công trình gồm các hạng mục: khu xử lý đầu nguồn, mạng lưới đường ống chính cấp nước sạch. Tổng kinh phí đã thực hiện bằng 46% giá trị theo tổng mức đầu tư được duyệt. Tuy nhiên, công trình đã bị bỏ dở do chính quyền địa phương không thể huy động được nguồn vốn đối ứng từ phía người dân. Nhiều hộ dân cho rằng nguồn nước giếng khoan đang sử dụng có chất lượng tương đối tốt nên chưa có nhu cầu sử dụng nước máy. Trong suốt thời gian dài, chính quyền xã chỉ huy động được đội ngũ cán bộ với tổng số tiền 44 triệu đồng. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng công trình đầu tư dang dở được xác định thuộc về UBND xã, khi tiến hành họp hội đồng triển khai dự án đã tự ý biểu quyết mà chưa thông qua ý kiến từ phía nhân dân. Hiện UBND Thị trấn Cát Thành vẫn có văn bản đề nghị được giữ lại công trình và giao cho doanh nghiệp có tiềm năng kinh tế đứng ra đảm trách, hoàn thiện đầu tư và tổ chức kinh doanh thu hồi vốn sau. Công tác tư vấn cộng đồng đã được xã tổ chức nhưng cũng chỉ nhận được sự đồng tình ủng hộ tiếp tục đầu tư công trình của 40% số dân trên địa bàn.
Vận hành thiết bị, cung cấp nước hợp vệ sinh đến tận hộ dân tại Trạm xử lý nước sinh hoạt HTX Đông Thượng, xã Trung Đông. |
Tại xã Trực Nội, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, từ tháng 12-2011 đã chính thức triển khai đầu tư xây dựng công trình cấp nước xã với tổng mức đầu tư 14 tỷ 791 triệu đồng. Theo hợp đồng, đến tháng 9-2013, công trình sẽ được hoàn tất và đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, đến nay nhà thầu mới thi công các hạng mục: tường rào, kè đá, san lấp mặt bằng, cổng ra vào khu xử lý, bể chứa nước sạch, nhà quản lý điều hành, một phần đường ống cấp nước sạch. Giá trị khối lượng thực hiện của công trình mới đạt 4 tỷ 600 triệu đồng, bằng 37,1% giá trị hợp đồng. Công trình bị tạm dừng thi công do chỉ được cấp 4,1 tỷ đồng, trong đó mới giải ngân được 3 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Chương trình mục tiêu quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn và chưa có vốn đối ứng từ phía địa phương. Thực trạng trên cho thấy, công trình chắc chắn sẽ rơi vào tình cảnh chậm tiến độ, vì tính đến thời điểm này chủ đầu tư và đơn vị thi công chỉ còn lại quỹ thời gian 7 tháng cho rất nhiều công đoạn: huy động vốn, hoàn tất hạ tầng cơ sở, máy móc, thiết bị, vận hành chạy thử và kiểm duyệt chứng thực chất lượng nguồn nước. Để khắc phục sớm tồn tại này, UBND tỉnh, UBND huyện Trực Ninh đã tổ chức các buổi làm việc, thảo luận trực tiếp với địa phương để tìm ra phương án thích hợp. Nguyên nhân của việc chậm hoàn tất huy động vốn đối ứng là do UBND xã Trực Nội chưa tích cực triển khai huy động nhân dân đóng góp. Trong quá trình thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, xã đã huy động sức dân góp vốn đầu tư các công trình hạ tầng tại cơ sở với mức đóng góp tương đối cao nên việc cùng lúc huy động thêm nguồn vốn đối ứng xây dựng công trình nước sạch sẽ khó nhận được sự đồng tình đóng góp của người dân. Mặt khác, lãnh đạo xã Trực Nội còn cho rằng, tuy tiến độ huy động vốn đối ứng từ nhân dân có chậm nhưng cũng chưa đến mức phải đôn đốc?!
Từ hai công trình cấp nước trên cho thấy, chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm và có trách nhiệm cao đối với nhiệm vụ được giao. Trong quyết định đầu tư các công trình phải tính toán việc huy động, phân bổ, sử dụng vốn và phải quan tâm đến nhu cầu sử dụng công trình sau đầu tư của nhân dân. Các nhà đầu tư các công trình cấp nước cần nghiên cứu kỹ và chỉ tiến hành xây dựng khi đã bảo đảm đủ vốn và tạo được giá trị khai thác, sử dụng sau đầu tư, tránh lãng phí nguồn vốn hoặc để nguồn vốn bị đóng băng tại chỗ trong khi còn không ít các công trình đang có nhu cầu sử dụng cấp thiết vẫn chưa có vốn để triển khai. Các nhà đầu tư của huyện có thể tham khảo các công trình đầu tư cấp nước hiệu quả, có giá trị cao trong sử dụng và được nhân dân địa phương ủng hộ cao như: Nhà máy nước Thị trấn Cổ Lễ cấp nước liên thông cho 28 nghìn dân của thị trấn và xã Phương Định; trạm cấp nước HTX Trung Lao; trạm cấp nước HTX Trực Đông, trạm cấp nước HTX Đông Thượng; nhà máy nước xã Trực Chính, nhà máy nước xã Liêm Hải. Trong số các công trình tiêu biểu của huyện, có thể kể đến trạm xử lý nước sinh hoạt HTX Đông Thượng, xã Trung Đông, ngay từ đầu năm đã được hoàn thiện với tổng kinh phí 450 triệu đồng và phục vụ cung cấp nước sinh hoạt cho bà con nhân dân trong HTX. Để đạt hiệu quả cao trong xây dựng, khai thác sử dụng công trình, chính quyền địa phương đã nỗ lực, chủ động đến từng gia đình để nắm bắt chính xác nhu cầu sử dụng và tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân chung sức góp vốn để xây dựng công trình. Bên cạnh việc huy động vốn đóng góp từ nhân dân, chính quyền địa phương đã kêu gọi, xin hỗ trợ nguồn kinh phí từ Chương trình mục tiêu quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn; đồng thời chủ động bố trí ngân sách địa phương để ứng vốn đầu tư trước hệ thống trục cấp nước chính. Từ sự chủ động của chính quyền, người dân cũng đã tự giác đóng góp kinh phí để đầu tư, sớm đưa công trình vào sử dụng. Hiện tại, các hộ dân trong HTX đều rất phấn khởi vì được sử dụng nguồn nước sinh hoạt chất lượng./.
Bài và ảnh: Thanh Thuý