Một số lưu ý khi đăng ký nhãn hiệu

06:01, 25/01/2013

Khi chuẩn bị đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp thường lúng túng không biết bắt đầu từ khâu nào, phải làm những thủ tục gì, hồ sơ đăng ký nộp ở đâu, thậm chí còn có sự nhầm lẫn giữa các khái niệm nhãn hiệu, thương hiệu và lô gô... Sở KH và CN lưu ý các đơn vị doanh nghiệp chưa đăng ký nhãn hiệu hoặc chuẩn bị đăng ký nhãn hiệu nắm bắt một số thông tin cơ bản, các thủ tục, trình tự của việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu.

Theo Luật Sở hữu trí tuệ, nhãn hiệu được hiểu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau. Dấu hiệu dùng làm nhãn hiệu là dấu hiệu nhận thấy, được thể hiện dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ảnh ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều mầu sắc và có khả năng phân biệt hàng hóa, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hoá, dịch vụ của chủ thể khác. Việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu là việc làm tự nguyện, không bắt buộc của chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh. Việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu là "hành động khôn ngoan" và cần thiết của nhà sản xuất nhằm truyền đạt tới người tiêu dùng các đặc tính nổi trội của sản phẩm, dịch vụ thông qua nhãn hiệu, đồng thời gia tăng niềm tin của người tiêu dùng khi sử dụng sản phẩm hàng hoá, dịch vụ của nhà sản xuất. Việc nhãn hiệu được Nhà nước bảo hộ chính là một công cụ marketing quan trọng để nhà sản xuất phát triển thị trường. Rõ ràng, việc đăng ký nhãn hiệu là việc khẳng định độc quyền sử dụng các dấu hiệu gắn trên hàng hoá, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu; bảo hộ nhãn hiệu tức là thủ tục hành chính do cơ quan có thẩm quyền tiến hành với ý nghĩa thừa nhận quyền sở hữu nhãn hiệu đối với nhà sản xuất.

Gạo tám xoan Hải Hậu là sản phẩm được cấp văn bằng bảo hộ độc quyền về chỉ dẫn địa lý trên toàn lãnh thổ Việt Nam.
Gạo tám xoan Hải Hậu là sản phẩm được cấp văn bằng bảo hộ độc quyền về chỉ dẫn địa lý trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

Theo quy định, mọi tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh đều có quyền đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ của mình; chủ thể sản xuất có quyền đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm do mình sản xuất; chủ thể kinh doanh dịch vụ có quyền đăng ký nhãn hiệu cho dịch vụ do mình cung cấp; chủ thể kinh doanh thương mại có quyền đăng ký nhãn hiệu cho hàng hóa mà mình buôn bán, với điều kiện người sản xuất không sử dụng và không phản đối việc sử dụng nhãn hiệu đó; tổ chức tập thể của các chủ thể kinh doanh có quyền nộp đơn đăng ký nhãn hiệu tập thể cho hàng hoá, dịch vụ của các thành viên với điều kiện có sự đồng thuận của các thành viên; tổ chức có chức năng kiểm soát, chứng nhận chất lượng, đặc tính, nguồn gốc hoặc tiêu chí khác liên quan đến hàng hóa, dịch vụ có quyền đăng ký nhãn hiệu chứng nhận, với điều kiện không tiến hành sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đó. Khi tiến hành đăng ký nhãn hiệu mà bị từ chối đăng ký, người đăng ký thường mắc vào một số lỗi như: không có khả năng thực hiện chức năng phân biệt của nhãn hiệu; trùng hoặc tương tự tới mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác đã được đăng ký hoặc nộp đơn đăng ký sớm hơn hoặc nhãn hiệu được coi là nổi tiếng hoặc nhãn hiệu được thừa nhận rộng rãi; trùng hoặc tương tự tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, kiểu dáng, tên nhân vật hoặc hình tượng, quyền tác giả của người khác đã được biết đến rộng rãi; trùng với tên riêng, biểu tượng, hình ảnh của quốc gia, địa phương, danh nhân, tổ chức của Việt Nam và nước ngoài (trừ trường hợp được phép của cơ quan hoặc cá nhân có thẩm quyền); trùng hoặc tương tự với dấu chứng nhận, dấu kiểm tra, dấu bảo hành của tổ chức quốc tế mà tổ chức đó có yêu cầu không được sử dụng, trừ trường hợp chính tổ chức này đăng ký các dấu hiệu đó làm nhãn hiệu đối chứng; mang tính mô tả hàng hoá, dịch vụ hoặc gây hiểu sai lệch về nguồn gốc, tính năng, công dụng, giá trị, chất lượng của hàng hóa dịch vụ; chứa dấu hiệu không phù hợp với trật tự và đạo đức xã hội. Khi làm đơn đăng ký nhãn hiệu cần chú ý những dấu hiệu bị coi là không có khả năng phân biệt của một nhãn hiệu, bao gồm: Dấu hiệu chỉ là màu sắc mà không được kết hợp với dấu hiệu chữ hoặc dấu hiệu hình hoặc không được thể hiện thành dạng dấu hiệu chữ hoặc dấu hiệu hình; ký hiệu thuộc ngôn ngữ mà người tiêu dùng Việt Nam có hiểu biết thông thường không thể nhận biết và ghi nhớ được; ký tự có nguồn gốc La tinh nhưng chỉ bao gồm một chữ cái hoặc chỉ bao gồm chữ số hoặc mặc dù có hai chữ cái nhưng không thể đọc được, trừ trường hợp được trình bày dưới dạng đồ họa hoặc dạng đặc biệt khác; một từ hoặc một tập hợp từ được sử dụng tại Việt Nam như tên gọi thông thường của chính hàng hóa, dịch vụ liên quan hoặc mang nội dung mô tả chính hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu hoặc mô tả hình thức pháp lý, lĩnh vực kinh doanh của chủ nhãn hiệu; dấu hiệu là hình học phổ thông như hình tròn, hình e-lip, đa giác hoặc hình vẽ đơn giản hoặc dấu hiệu là hình vẽ, hình ảnh chỉ được sử dụng làm nền hoặc đường nét trang trí sản phẩm, bao bì sản phẩm; dấu hiệu làm hiểu sai lệch, gây nhầm lẫn hoặc có tính chất lừa dối người tiêu dùng về nguồn gốc xuất xứ, tính năng, công dụng, chất lượng, giá trị hoặc các đặc tính khác như thành phần cấu tạo, quy trình sản xuất, nguyên vật liệu, tính ưu việt của hàng hóa, dịch vụ.

Để đăng ký nhãn hiệu thành công, người đăng ký lập hồ sơ đăng ký nhãn hiệu gồm những tài liệu: Tờ khai yêu cầu cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu (2 bản); mẫu nhãn hiệu gắn trên tờ khai và 12 nhãn hiệu kèm theo (kích thước 7 x 7cm); chứng từ nộp lệ phí nộp đơn. Nếu nhờ người nộp đơn phải kèm theo giấy ủy quyền nộp đơn (1 bản) và các khoản lệ phí phải nộp theo quy định./.

Ks Hoàng Hữu Nam
(Sở KH và CN)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com