Ý Yên phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa

05:10, 20/10/2012

Trước đây chăn nuôi ở huyện Ý Yên chủ yếu theo quy mô nhỏ lẻ, tận dụng nên hiệu quả thấp. Nhận thức rõ vai trò của chăn nuôi trong phát triển kinh tế, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn đẩy nhanh quá trình tích tụ ruộng đất, phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa. Được sự hỗ trợ của tỉnh, của huyện, xã Yên Lợi đã tổ chức các lớp đào tạo nghề, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật chăn nuôi cho nông dân, đồng thời tạo thuận lợi về thủ tục cho nông dân vay vốn từ các ngân hàng: NN và PTNT, CSXH để đầu tư mở rộng chăn nuôi. Đến nay, trên địa bàn xã đã hình thành nhiều trang trại, gia trại chăn nuôi có mức thu nhập vài trăm triệu đồng mỗi năm. Tiêu biểu như trang trại của các ông Trần Văn Nghiên, xóm Thanh Thủy; Nguyễn Văn Thanh, xóm Thịnh Đại; Nguyễn Văn Sơn, xóm Nam Sơn... Trang trại của ông Nguyễn Việt Hùng, thôn Phương Xá với 5 dãy chuồng riêng biệt để nuôi lợn nái, lợn giống và lợn thương phẩm, bình quân mỗi năm, ông xuất bán ra thị trường từ 30-40 tấn lợn hơi và hàng trăm con lợn giống cho các hộ dân trong vùng. Xã Yên Tân có nhiều thuận lợi trong phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm. Người dân trong xã đã mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, mở rộng các mô hình chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá.

Trang trại nuôi lợn của chị Chu Thị Thành, xóm 12, xã Yên Nhân.
Trang trại nuôi lợn của chị Chu Thị Thành, xóm 12, xã Yên Nhân.

Hiện nay, trên địa bàn xã có 123 trang trại, gia trại, với tổng diện tích gần 70ha, trong đó chủ yếu là trang trại, gia trại chăn nuôi lợn, gia cầm đem lại nguồn thu nhập cao. Nhiều gia trại có quy mô từ 5.000-7.000m2, hằng năm thu lãi hàng trăm triệu đồng như trang trại của các ông Chu Văn Lượng, Phạm Văn Lê, Nguyễn Văn Nguyên ở thôn Nguyệt Bói; Trần Văn Đông ở thôn Nguyệt Thượng... Đến nay, toàn huyện đã có 50 trang trại đạt tiêu chí của Bộ NN và PTNT và 632 gia trại chăn nuôi. Các xã chăn nuôi với quy mô lớn là Yên Lợi, Yên Tân, Yên Phú, Yên Lộc… Năm 2011, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng của huyện đạt hơn 21 nghìn tấn, tăng 41% so với năm 2006; sản lượng thịt gia cầm đạt gần 2 nghìn tấn, tăng 92% so với năm 2006. Tổng doanh thu của ngành chăn nuôi đạt 1,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 40% tỷ trọng cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Doanh thu mỗi trang trại đạt từ 350-550 triệu đồng/năm. Ngoài ra, các mô hình nuôi nhím, lợn mường, thỏ… đã được mở rộng ở các xã: Yên Bình, Yên Nghĩa, Yên Hồng, Yên Bằng… Để phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững, năm 2012, Phòng NN và PTNT huyện đã xây dựng thí điểm mô hình chăn nuôi lợn nái hướng nạc theo quy trình khép kín, bảo đảm vệ sinh môi trường ở các xã Yên Lợi, Yên Khánh. Trước đó, Phòng NN và PTNT huyện đã xây dựng mô hình nuôi gà thả vườn tại hộ ông Hoàng Văn Hải, thôn Đông Phú, xã Yên Lợi. Đến nay, mô hình này đã được mở rộng ra hơn chục hộ trong xã và đến cả các xã khác Yên Tân, Yên Nghĩa… Bên cạnh đó, huyện đã làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại cho các hộ sản xuất đạt tiêu chuẩn trang trại theo tiêu chí của Bộ NN và PTNT để các hộ có điều kiện thế chấp vay vốn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất. Huyện phối hợp với Trường Trung cấp Nông nghiệp Nam Định tổ chức các lớp đào tạo kỹ thuật chăn nuôi cho 35 chủ trang trại, gia trại ở xã Yên Phú…

Chăn nuôi đã đem lại nguồn thu nhập cao và làm giàu cho nhiều hộ nông dân ở huyện Ý Yên. Tuy nhiên, các trang trại, gia trại chăn nuôi trên địa bàn huyện vẫn chưa có nhiều cơ sở sản xuất, cung ứng giống đảm bảo chất lượng tại địa phương để người chăn nuôi có cơ hội lựa chọn con giống. Các hộ chăn nuôi vẫn phải mua giống không rõ nguồn gốc của các thương lái, chất lượng không đảm bảo và gây khó khăn trong công tác kiểm soát dịch bệnh. Bên cạnh đó, nhiều hộ dân chưa có kinh nghiệm trong chăn nuôi cũng như chưa nắm bắt tình hình thông tin thị trường dẫn đến hiệu quả đầu tư không cao; việc liên kết giữa các hộ chăn nuôi để trao đổi thông tin về thị trường, nguồn giống, phòng trừ dịch bệnh và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất vẫn chưa được thường xuyên… Thời gian tới huyện Ý Yên sẽ tiếp tục thực hiện các chính sách khuyến khích, hỗ trợ nông dân, tích cực chuyển giao khoa học công nghệ, cải tạo giống, làm tốt công tác phòng trừ dịch bệnh, kiểm soát giết mổ… Huyện chỉ đạo Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên tiếp tục có các hoạt động hỗ trợ cho hội viên thông qua đầu tư xây dựng các mô hình điểm, hướng dẫn, trao đổi kinh nghiệm chăn nuôi, hợp đồng với các Cty thức ăn gia súc cung cấp nguồn thức ăn đảm bảo chất lượng, giúp nông dân tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm..., tạo tiền đề để đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa./.

Bài và ảnh: Ngọc Ánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com