Trước khi thực hiện dồn điền, đổi thửa (DĐĐT), xã Hải Ninh (Hải Hậu) có bình quân số thửa đất mỗi hộ là 2,39 thửa; một số hộ có tới 8 thửa, phân bố trên nhiều xứ đồng. Để giải quyết tình trạng ruộng đất manh mún và phân tán, tạo thuận lợi để đưa cơ giới hoá, giải phóng sức lao động, giảm chi phí đầu tư, tăng hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp, Đảng uỷ, UBND xã Hải Ninh đã tập trung chỉ đạo và thực hiện thành công việc DĐĐT. Đến nay, bình quân mỗi hộ chỉ còn 1-2 thửa, giảm 1 thửa/hộ so với trước DĐĐT; riêng xóm 11, số hộ còn 1 thửa là 120 hộ, chiếm 92% số hộ của xóm. Cùng với DĐĐT, xã đã huy động nhân dân góp được 49,7ha đất để xây dựng hệ thống thủy lợi, giao thông nội đồng. Để thuê máy nạo vét kênh mương, đắp đường giao thông nội đồng, bê tông hóa một số tuyến đường, bên cạnh nguồn kinh phí Nhà nước hỗ trợ là 60%, còn lại xã đã huy động các hộ dân trong xã đóng góp tiền, ngày công và con em quê hương đi làm ăn xa, hội đồng hương ủng hộ. Nhờ đó, toàn xã đã đắp mới được 12km đường giao thông nội đồng với bề rộng 4-6m; mở được hệ thống đường xương cá với tổng chiều dài gần 90km, đường bờ mương rộng 1,2m; 62km đường bờ vùng, bờ thửa rộng 0,8m. Bên cạnh đó, xã đã “bê tông hóa” 2,83km đường giao thông nội đồng, với bề mặt 2m, dày 10-12cm ở các xóm 6, 12, 14, 15, 16, 17. Qua DĐĐT, xã đã quy hoạch được các vùng sản xuất: vùng cấy lúa đảm bảo an toàn lương thực rộng hơn 103ha, vùng sản xuất lúa hàng hóa và cây vụ đông 83ha, vùng nuôi thủy sản 45,5ha, vùng trồng cây có giá trị kinh tế cao 43ha, vùng phát triển kinh tế trang trại, gia trại và vùng chuyên sản xuất kinh doanh 30ha, vùng quy hoạch xây nhà máy nhiệt điện 205ha. Diện tích đất công do UBND xã quản lý đã được dồn lại để quy hoạch xây dựng sân thể thao và công viên cây xanh 3ha, xây dựng khu dịch vụ thương mại 1,5ha, khu giãn dân 10ha…
Đường ra đồng xóm 6, xã Hải Ninh được bê tông hóa sau dồn điền đổi thửa. |
Với việc thực hiện DĐĐT, xã Hải Ninh có điều kiện để hình thành các vùng sản xuất hàng hoá tập trung, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, góp phần tăng hiệu quả, giá trị sản xuất nông nghiệp. Cũng từ thực hiện DĐĐT, xã đã quy hoạch lại được hệ thống thuỷ lợi, giao thông đồng ruộng thuận tiện cho sản xuất nông nghiệp. Năm 2012, căn cứ vào quy hoạch vùng sản xuất, Ban nông nghiệp xã đã xây dựng cơ cấu giống lúa theo tỷ lệ lúa thuần 70%, lúa lai 30% diện tích. Giống lúa thuần tập trung vào các giống chất lượng cao như: Bắc thơm số 7, BC15; lúa lai tập trung vào giống Nhị ưu 838 và thực hiện cấy một loại giống ở mỗi vùng quy hoạch. Nhờ đó, lượng phân bón, số lần phun thuốc trừ sâu và công chăm sóc lúa đã giảm đáng kể. Vụ xuân năm 2012, năng suất lúa bình quân toàn xã đạt 75,3 tạ/ha, tăng 5% so với năng suất lúa vụ xuân năm 2011, dự kiến vụ mùa này, năng suất lúa đạt 55 tạ/ha, cao hơn vụ mùa năm trước 5 tạ/ha. Năm nay, gia đình bà Vũ Thị Thoa, xóm 11 không còn vất vả như trước bởi vì toàn bộ diện tích cấy lúa của gia đình bà đã tập trung tại một xứ đồng nên việc chăm bón, phòng trừ sâu bệnh chỉ mất 1 ngày. Bà Thoa phấn khởi cho biết: “Gia đình tôi trước kia có 5 thửa ở 4 xứ đồng khác nhau, sau DĐĐT, gia đình tôi chỉ còn 2 thửa, thời gian và công sức chăm sóc lúa được rút ngắn, thuận lợi hơn trước rất nhiều”. Đặc biệt, năm nay, xã đã xây dựng kế hoạch mở rộng diện tích 43ha cây vụ đông trên đất hai vụ lúa ở các vùng quy hoạch với các cây: cải dầu, su hào, bắp cải, đậu tương..., tăng 6 lần so với diện tích cây vụ đông năm 2011, nhằm nâng hệ số sử dụng đất, tăng thu nhập cho nông dân trong xã. Thời gian tới, xã tiếp tục chỉnh trang đồng ruộng, ưu tiên xây dựng và hoàn thiện các tuyến giao thông để tạo thuận lợi cho sản xuất./.
Bài và ảnh: Ngọc Ánh