Toàn tỉnh hiện có 24 nghìn ha nuôi thuỷ sản với nhiều vùng chuyên canh đem lại hiệu quả kinh tế cao. Để góp phần phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế cho nghề nuôi thủy sản, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Sở NN và PTNT) đã xây dựng các vùng thủy sản phát triển bền vững, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP).
Cán bộ kỹ thuật Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thuỷ sản lấy mẫu và phân tích chất lượng thức ăn dành cho tôm thẻ chân trắng tại vùng nuôi xã Giao Phong (Giao Thuỷ). |
Cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền những quy định của pháp luật trong việc đảm bảo VSATTP và truy xuất nguồn gốc khi tham gia vào chuỗi liên kết trong tiêu thụ sản phẩm, từ năm 2010, Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản đã tổ chức tập huấn cho người lao động ở các trang trại nuôi thủy sản lớn và các hộ nuôi ở những vùng nuôi thuỷ sản trọng điểm trong tỉnh. Qua đó, các hộ nuôi thuỷ sản trong tỉnh đã hiểu được những tác nhân gây nên dịch bệnh, ô nhiễm môi trường qua từng công đoạn sản xuất và biện pháp để ngăn chặn, kiểm soát, hạn chế tối đa các mối nguy hại trong quá trình nuôi thủy sản. Bên cạnh đó, Chi cục đã tiến hành xây dựng mô hình điểm nuôi thủy sản áp dụng quy phạm thực hành sản xuất tốt trên ba ba, tôm, cá ở cả các vùng sinh thái đặc trưng trên địa bàn tỉnh. Tại trang trại nuôi ba ba thương phẩm ở xã Nghĩa Sơn và Cty TNHH một thành viên Đông Hải, Thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng), sau một thời gian ứng dụng quy trình thực hành nuôi tốt, sản phẩm ở các trang trại được công nhận đạt quy chuẩn thực hành nuôi tốt. Các tiêu chí về đảm bảo VSATTP, khống chế dịch bệnh trên vật nuôi và yếu tố đảm bảo không gây hại đến môi trường xung quanh… của các trang trại đều đạt 100%. Sản phẩm trước khi đưa ra thị trường được cấp chứng nhận VSATTP và giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ, tạo thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm của các trang trại. Hiệu quả bước đầu của việc ứng dụng quy trình nuôi tốt trong các mô hình nuôi thủy sản ở Nghĩa Hưng đã góp phần tăng năng suất, chất lượng vật nuôi, thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm; kiểm soát được các chỉ số về VSATTP, dịch bệnh và hạn chế nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, đồng thời nâng cao tính cộng đồng, trách nhiệm của chủ trang trại và lao động trực tiếp sản xuất. Từ thành công ở các trang trại đơn lẻ, Chi cục đã tiến hành khảo sát vùng nuôi và áp dụng quy trình nuôi theo nguyên tắc thực hành nuôi tốt, nuôi có trách nhiệm (GAqP/CoC) ở 14 cơ sở chuyên nuôi tôm thẻ chân trắng với tổng diện tích 26,5ha tại vùng nuôi thuộc xã Giao Phong (Giao Thuỷ). Đây là những cơ sở có đủ điều kiện về diện tích, vốn đối ứng, cơ sở vật chất, kỹ thuật, chủ cơ sở phải có kinh nghiệm nuôi tôm từ 3 năm trở lên và tự nguyện áp dụng nuôi theo tiêu chuẩn GAqP/CoC. Để hỗ trợ vùng nuôi phát triển bền vững, Chi cục tổ chức tập huấn, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, năng lực cộng đồng về VSATTP và quản lý môi trường, dịch bệnh; hướng dẫn các hộ nuôi cách thiết kế trang trại, chuẩn bị ao nuôi, quản lý thức ăn, thuốc, hóa chất, quản lý sức khỏe tôm nuôi, vệ sinh trang trại và thu hoạch, bảo quản sản phẩm. Ngoài ra, các hộ còn được trang bị kiến thức về nhận diện mối nguy hại gây mất an toàn đối với tôm nuôi và môi trường xung quanh qua từng công đoạn, đồng thời có biện pháp kiểm soát, ngăn chặn các mối nguy hại không để lây lan ra diện rộng... Sau 6 tháng nuôi tôm theo mô hình này, năng suất bình quân của các cơ sở nuôi đạt 10 tấn/ha. Sản phẩm tôm nuôi đạt tiêu chuẩn ATVSTP, giảm thiểu dịch bệnh và những tác động xấu đến môi trường.
Thành công trong việc xây dựng vùng nuôi theo nguyên tắc GAqP/CoC là cơ sở để Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thuỷ sản tiếp tục nhân rộng mô hình ra toàn tỉnh nhằm tạo thêm những vùng nuôi bền vững, đảm bảo ATVSTP, đáp ứng yêu cầu chuỗi liên kết trong an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, để mô hình nuôi thuỷ sản theo nguyên tắc GAqP/CoC tiếp tục mở rộng trong thực tế, cần có cơ chế hỗ trợ về giống, vốn, quy trình áp dụng và hoạt động chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật đặc biệt ở khâu xây dựng và vận hành trại nuôi tạo cơ sở để xây dựng thương hiệu cho các đối tượng con nuôi, góp phần nâng cao giá trị thu nhập cho nông dân./.
Bài và ảnh: Nguyễn Hương