Hội nghị biểu dương đại biểu nông dân điển hình tiên tiến toàn quốc lần thứ IV do Trung ương Hội Nông dân (HND) Việt Nam tổ chức dự kiến sẽ diễn ra vào quý II-2012. Tỉnh ta có 6 đại biểu đại diện cho trên 36 vạn hội viên nông dân trong tỉnh tham dự. Họ là những nông dân tiêu biểu đi đầu trong việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đạt hiệu quả cao, trở thành những nông dân sản xuất kinh doanh (SXKD) giỏi. Sau đây là 2 trong số 6 gương mặt tiêu biểu được đi dự đại hội.
Cán bộ HND tỉnh thăm cơ sở sản xuất sợi PE của gia đình ông Trần Văn Hài, xã Trực Hùng (Trực Ninh). |
Dám nghĩ, dám làm
Chúng tôi đến nhà ông Trần Văn Hài, hội viên nông dân điển hình SXKD giỏi của xã Trực Hùng (Trực Ninh). Vừa dẫn chúng tôi đi thăm cơ sở sản xuất sợi PE, ông vừa kể cho chúng tôi nghe quá trình làm giàu của mình. Được sự quan tâm tạo điều kiện của các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương và HND xã, từ những năm 1990, ông được đi tham quan học tập các mô hình SXKD mới của các địa phương trong và ngoài tỉnh. Trong một lần đến Hải Dương, tiếp cận với cơ sở sản xuất sợi PE, một nguyên liệu phục vụ ngành dệt may, ông nhận thấy đây là mô hình có thể áp dụng vào điều kiện sản xuất ở địa phương. Sau nhiều tháng suy nghĩ, trăn trở, đầu năm 1992, ông đã cùng với gia đình huy động vốn đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất sợi PE. Ban đầu, ông lắp 1 dàn máy, vừa học vừa làm. Sau một thời gian sản xuất có lãi, ông tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất. Đến năm 2000, gia đình ông đã có 5 dàn máy hoạt động thường xuyên; hàng trăm hộ gia đình trong thôn nhận sợi về quay dây làm ra sản phẩm cung ứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Nhằm tăng năng suất, chất lượng hàng hóa, ông còn tự nghiên cứu, cải tiến, thiết kế, chế tạo thay thế linh kiện phụ tùng máy, tiết kiệm nhiên liệu, chi phí đầu tư. Năm 2007, được UBND xã và HND các cấp tạo điều kiện giúp đỡ, gia đình ông đã chuyển cơ sở sản xuất ra điểm công nghiệp của xã với diện tích mặt bằng trên 3.000m2. Ông đầu tư xây dựng nhà xưởng 1 trạm điện công suất 150KVA, 2 dàn máy mới, các thiết bị phụ trợ… với tổng đầu tư hơn 5 tỷ đồng. Đến nay, cơ sở sản xuất của gia đình ông đã tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động, thu nhập từ 3-4 triệu đồng/người. Ngoài ra, các hộ trong thôn còn nhận gia công công đoạn quay dây thành phẩm cho cơ sở, với mức thu nhập hằng tháng từ 2-2,5 triệu đồng/người. Với phương châm “lấy chữ tín làm đầu”, ông luôn chú trọng đến các giải pháp nâng cao chất lượng sản phẩm; thường xuyên có kế hoạch đào tạo nâng cao tay nghề cho đội ngũ công nhân, thay đổi cải tiến mẫu mã sản phẩm...
Ngoài việc phát triển sản xuất, ông tích cực tham gia vào các phong trào thi đua do HND phát động. Hằng năm vào đầu mỗi vụ sản xuất, thông qua chi HND xóm 18, ông đã giúp hàng trăm hộ nông dân vay vốn không lấy lãi, mỗi hộ từ 500 nghìn đến một triệu đồng để mua phân bón phục vụ sản xuất; ủng hộ Hội Khuyến học xã tặng quà cho 100 học sinh nghèo vượt khó học giỏi, mỗi suất từ 50-100 nghìn đồng. Ông còn tích cực tham gia đóng góp ủng hộ quỹ bảo trợ nạn nhân chất độc da cam, ủng hộ đồng bào bị lũ lụt, xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn và các phong trào văn hoá văn nghệ, thể thao của địa phương...
Anh thương binh “tàn nhưng không phế”
Ông Đoàn Huy Bé, là thương binh, hội viên nông dân điển hình SXKD giỏi ở xóm Nam Hùng 1, thôn Ngô Xá, xã Nam Phong (TP Nam Định). Trong câu chuyện với chúng tôi, ông cho biết: Trước năm 1994 gia đình ông thuộc diện hộ nghèo, thu nhập từ trồng trọt, chăn nuôi cả năm chỉ vài triệu đồng. Được HND xã hướng dẫn làm thủ tục và tín chấp, ông đã vay 3 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH để trồng 1 sào quất tại vườn nhà. Năm đầu tiên trừ chi phí, ông thu được 16 triệu đồng. Từ thành công ban đầu, ông tiếp tục mở rộng trồng 4 sào quất, hoa kết hợp với cấy lúa và chăn nuôi. Cái đói nghèo đã qua đi, kinh tế gia đình ngày càng khá giả, ông đã trả hết nợ vay ngân hàng và bắt đầu có tích luỹ và đầu tư phát triển sản xuất. Ông tiếp tục vay thêm 30 triệu đồng từ Ngân hàng NN và PTNT, đầu tư cải tạo nền vườn và chuyển đổi 7 sào lúa sang trồng quất, cây thế, cây cảnh, hoa và trồng gối vụ cho các năm. Ông mời kỹ sư Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội về hướng dẫn kỹ thuật. Từ năm 2004, gia đình ông bắt đầu ổn định vườn quất và cho thu nhập từ 700-800 triệu đồng mỗi năm; năm 2010 thu nhập của gia đình ông đạt hơn 1 tỷ đồng. Đến nay, vườn cây cảnh, cây quất của gia đình ông đã được các bạn hàng ở trong và ngoài tỉnh biết tiếng. Hiện gia đình ông tạo việc làm thường xuyên cho từ 10-12 lao động với mức thu nhập từ 2 đến 3 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, ông còn phổ biến kinh nghiệm trồng quất, giúp các hộ nông dân trong xã và các địa phương khác cùng làm giàu. Có điều kiện về kinh tế, ông luôn tích cực tham gia đóng góp xây dựng đường liên thôn, liên xóm; ủng hộ các quỹ từ thiện do HND và địa phương phát động. Ông đã nhiều lần được UBND tỉnh và Trung ương HND Việt Nam tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua SXKD giỏi./.
Bài và ảnh: Thanh Tuấn