Tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp (SXCN) năm 2011 chỉ tăng 6,8%, bằng khoảng 50% so trung bình những năm trước đây (13 đến 14%/năm). Tháng 1-2012, chỉ số này giảm 12,9% so với tháng 12-2011, trong đó, công nghiệp khai thác mỏ giảm 7,1%, công nghiệp chế biến giảm 15,9% và sản xuất, phân phối điện, ga, nước giảm 9,8%. So cùng kỳ năm 2011, con số này giảm 2,4%.
Sản xuất tại Cty May Sohavina, CCN Trung Thành (Vụ Bản). Ảnh: Thanh Thuý |
Nguyên nhân do ngay từ đầu năm, sức mua giảm làm lượng dự trữ hàng Tết tồn kho cao; thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống nhân dân; người dân chi tiêu chặt chẽ hơn và chỉ tiêu dùng cho những mặt hàng thiết yếu; các doanh nghiệp vẫn khó khăn nguồn vốn vay do lãi suất vẫn ở mức cao; tháng 1-2012, do số ngày nghỉ Tết Dương lịch và Âm lịch kéo dài hơn năm trước...
Dự báo, năm 2012 sẽ là một năm đầy khó khăn, thách thức đối với tất cả các nền kinh tế trên thế giới: Tình hình chính trị xã hội châu Phi và Trung Đông có nhiều biến động phức tạp, khủng hoảng nợ công đang lan rộng có nguy cơ đẩy nền kinh tế toàn cầu vào suy thoái, giá cả nguyên vật liệu liên tục tăng cao, nhiều thị trường xuất khẩu truyền thống của Việt Nam như Mỹ, EU, Nhật Bản sụt giảm nhu cầu... Những điều đó ảnh hưởng rất lớn tới lĩnh vực SXCN trong nước. Cùng với đó, chúng ta vẫn phải thắt chặt chính sách tiền tệ; cắt giảm, hạn chế đầu tư công, thắt chặt chi tiêu, thúc đẩy tái cấu trúc nền kinh tế... cũng là những thách thức không nhỏ đối với SXCN.
SXCN có ý nghĩa quyết định tới tăng trưởng kinh tế, góp phần ổn định vĩ mô, do đó biện pháp cấp bách nhất hiện nay là phải ngăn chặn đà suy giảm của SXCN, nỗ lực thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong năm 2012. Để làm tốt nhiệm vụ này, Chính phủ đã xác định tiếp tục kiên định thực hiện các giải pháp theo tinh thần Nghị quyết 11/NQ-CP, trong đó thực hiện thắt chặt chính sách tiền tệ, đầu tư công. Về điểm này, Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định và nhấn mạnh ngành ngân hàng có trách nhiệm dành ưu tiên cao nhất nguồn vốn tín dụng cho các lĩnh vực, ngành sản xuất nông nghiệp, SXCN thiết yếu, sản xuất hàng xuất khẩu, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thực hiện nghiêm túc chủ trương cắt giảm, hạn chế đầu tư công nhưng tập trung ưu tiên nguồn vốn cho các công trình, dự án trọng điểm, thiết yếu có thể hoàn thành trong năm 2012 để sớm phát huy hiệu quả kinh tế - xã hội, nhất là các công trình nguồn và lưới điện, hạ tầng giao thông trọng điểm.
Các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp nhận thức rõ lợi thế lớn, đó là chúng ta có sự ổn định chính trị xã hội, là điều kiện tốt để tranh thủ thu hút vốn đầu tư nước ngoài, ODA, khách du lịch; đó còn là một nền sản xuất nông nghiệp khá phát triển, là nền tảng cho tăng trưởng kinh tế, góp phần quan trọng bảo đảm an sinh xã hội, an ninh lương thực... Từ đó, nỗ lực khai thác tốt năng lực sản xuất và nhu cầu thị trường trong nước để đẩy mạnh SXCN, tạo điều kiện cao nhất cho doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ phục vụ sản xuất và tiêu dùng. Lãnh đạo các bộ, địa phương phải "xắn tay" cùng doanh nghiệp chủ động đề xuất các biện pháp cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Theo dõi sát biến động thị trường thế giới để có biện pháp hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp xuất khẩu, thực hiện các chính sách hạn chế nhập khẩu các mặt hàng không thiết yếu, hàng tiêu dùng xa xỉ, góp phần kiềm chế nhập siêu, ổn định kinh tế vĩ mô.
Tiếp tục đẩy mạnh cải tiến công nghệ, tăng cường quản lý, nghiên cứu sử dụng nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị trong nước đã sản xuất được để giảm chi phí, đặc biệt là sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, tài nguyên nhằm tăng hiệu quả đầu tư và hiệu quả sản xuất, kinh doanh, góp phần giảm nhập siêu. Tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng tái đầu tư công; tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước; rà soát, hoàn thiện quy hoạch các ngành, lĩnh vực. Tập trung chỉ đạo, giám sát chặt chẽ tiến độ các dự án đầu tư SXCN đang thực hiện, đặc biệt là các dự án trọng điểm chậm tiến độ và các dự án có khả năng hoàn thành trong năm.
Tập trung kiềm chế lạm phát, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu để chủ động và linh hoạt trong điều tiết cung cầu và bình ổn thị trường sau Tết, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tăng giá, gây "sốt" giá; tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động buôn bán, tàng trữ, vận chuyển hàng lậu, hàng giả, hàng cấm, gian lận thương mại...
Theo: nhandan.com.vn