Giải quyết tình trạng thiếu lao động trong các doanh nghiệp dệt may

08:02, 17/02/2012

Năm 2011 và những tháng đầu năm 2012, tình trạng thiếu lao động diễn ra tại nhiều doanh nghiệp, trong đó chủ yếu là doanh nghiệp thuộc khối ngành dệt may trên địa bàn tỉnh. Để doanh nghiệp dệt may hoạt động ổn định, góp phần tạo việc làm, thu nhập cho người lao động đang là vấn đề cần quan tâm giải quyết.

Nhiều chuyền sản xuất của Cty TNHH Young Smart Shirt VN thiếu người vì công nhân bỏ việc.
Nhiều chuyền sản xuất của Cty TNHH Young Smart Shirt VN thiếu người vì công nhân bỏ việc.

Theo thống kê của Sở LĐ-TB và XH, tại 208 doanh nghiệp trọng điểm về sử dụng lao động của tỉnh, trong năm 2011, tuyển dụng được 6.895 lao động ở đều các khối ngành sản xuất, kinh doanh nhưng số lao động giảm lên tới 8.494 người, tập trung chủ yếu ở khối ngành dệt may. Cty TNHH May Youngone Nam Định tuyển thêm được 1.249 lao động nhưng có tới 2.222 lao động bỏ việc, Cty TNHH D.F.Zin tuyển thêm được 350 lao động nhưng có 382 lao động nghỉ việc. Một số doanh nghiệp vốn ổn định về lao động trong nhiều năm như Cty CP May Nam Hà cũng giảm 116 lao động và chỉ tuyển dụng mới được 37 lao động… Nguyên nhân chủ yếu là do người lao động chủ động thôi việc, bỏ việc; chỉ có 43 lao động thôi việc do bị kỷ luật, đuổi việc. Ban quản lý các KCN của tỉnh cho biết, trong năm 2011 nhiều doanh nghiệp dệt may bế tắc vì thiếu lao động; có doanh nghiệp phải cử cán bộ đi các tỉnh khác, lên cả các tỉnh miền núi phía Bắc để tuyển lao động. Nhiều doanh nghiệp phải thuê cơ sở khác gia công, thậm chí phải từ chối đơn đặt hàng vì không đủ lao động. Ngay trong những tháng đầu năm 2012 đã diễn ra tình trạng lao động bỏ việc. Đồng chí Nguyễn Xuân Thuật, phụ trách Phòng Quản lý lao động (Ban quản lý các KCN tỉnh) cho biết, sau khi nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Thìn đến nay, trong tổng số khoảng 2 vạn lao động đang làm việc tại các KCN của tỉnh, chỉ có 90% trở lại làm việc, khoảng 2.000 lao động đã bỏ việc, trong đó lao động khối ngành dệt may, chiếm trên 90%. Nguyên nhân bỏ việc do thu nhập của người lao động thấp, không đảm bảo được cuộc sống; một số người bỏ việc vì không chịu được cường độ, thời gian làm việc quá vất vả của nghề dệt may. Chị Lê Thị Lan vừa bỏ việc tại Cty CP Thủy Bình cho biết: “Làm miệt mài từ sáng đến tối mịt mà thu nhập chỉ trên 2 triệu đồng/tháng. Giá cả sinh hoạt đắt đỏ, cuộc sống khó khăn nên không “trụ” nổi”. Ở một số doanh nghiệp dệt may có thu nhập cao hơn nhưng vẫn có không ít lao động bỏ việc vì không đủ sức khỏe. Năm 2011, Cty TNHH Youngone Nam Định đạt thu nhập bình quân là 3,4 triệu đồng/người/tháng, trong khi thu nhập bình quân tại các KCN của tỉnh chỉ đạt 2,3 triệu đồng/người/tháng. Đây cũng là doanh nghiệp may có nhiều đơn đặt hàng, đảm bảo việc làm ổn định cho người lao động nhưng vẫn có lao động bỏ việc. Một số lao động vừa xin nghỉ đầu tháng 2-2012 cho biết, Cty thực hiện khoán sản phẩm, để có thu nhập cao thì phải làm cật lực, bám đuổi ca, kíp đầy đủ. Nếu chưa có gia đình thì có thể cố gắng nhưng khi có con nhỏ thì không thể “theo” được nên đành phải xin nghỉ để tìm việc khác. Tại các doanh nghiệp dệt, may ở ngoài các KCN cũng trong tình trạng thiếu lao động. Bà Đoàn Thị Thu Nga, phó giám đốc Cty CP Daum&Jungan (D&J) ở xã Mỹ Hưng (Mỹ Lộc) cho biết: Mặc dù có mức thu nhập và các cơ chế tương đối hấp dẫn nhưng Cty vẫn thiếu khoảng 300 lao động so với nhu cầu; ngay đầu năm đã có mấy chục công nhân tự động bỏ việc. Theo thống kê của Sở LĐ-TB và XH thì nhu cầu tuyển dụng lao động của 208 doanh nghiệp trọng điểm sử dụng lao động 6 tháng đầu năm 2012 lên tới 14.489 người. Trong đó, các doanh nghiệp dệt, may chiếm tới trên 80% nhu cầu tuyển dụng với số lượng trên 10.000 lao động nữ. Ngoài đăng ký tại Sàn giao dịch việc làm, từ đầu năm đến nay, hầu hết các doanh nghiệp dệt, may trong tỉnh đều thông báo và tiến hành tuyển dụng lao động tại trụ sở doanh nghiệp. Cũng chính từ nguyên nhân thiếu lao động, khó tuyển dụng lao động nên đã xuất hiện tình trạng một số doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh trong tuyển dụng lao động dệt, may; cá biệt có doanh nghiệp lôi kéo, hứa hẹn người lao động bỏ nơi làm việc, trả công cho người tìm tuyển được lao động, thậm chí gây dư luận xấu để người lao động không yên tâm, bỏ việc…

Để ngăn chặn hành vi cạnh tranh tuyển dụng không lành mạnh, Ban Quản lý các KCN của tỉnh đã tiến hành điều tra thực trạng, nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp dệt may trong các KCN để ngay trong tháng 2-2012 sẽ tổ chức hội nghị với các doanh nghiệp và các ngành hữu quan nhằm tìm ra giải pháp phù hợp trong tuyển dụng lao động. Tuy nhiên, tình trạng thiếu lao động trong ngành dệt, may không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến các doanh nghiệp mà còn tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Từ thực tế nhân công bỏ việc, thôi việc và khó tuyển dụng lao động cho thấy để ngăn chặn tình trạng này cần một giải pháp lâu dài, bền vững. Trước hết các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, xử lý, ngăn chặn tình trạng vi phạm Bộ luật Lao động về giờ làm, giờ làm thêm, giờ nghỉ, điều kiện lao động, mức lương tối thiểu… tại các doanh nghiệp dệt, may. Bên cạnh đó, cần có chế tài mạnh đối với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong tuyển dụng lao động. Cùng với quản lý, vấn đề quan trọng là xuất phát từ ý thức về phát triển bền vững của các doanh nghiệp. Chỉ khi người lao động có thu nhập tương xứng, môi trường lao động phù hợp thì người lao động mới yên tâm gắn bó với doanh nghiệp./.

Bài và ảnh: Hoàng Long
 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com