Trên địa bàn tỉnh hiện có nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông như: VNPT, Mobile phone, S-Fone, Viettel… Sự gia tăng nhanh chóng về số lượng doanh nghiệp trong khi thị phần không nhiều biến động đã xoá bỏ tình trạng doanh nghiệp độc quyền cung cấp sản phẩm. Để nâng cao năng lực cạnh tranh, VNPT Nam Định đã không ngừng huy động, sử dụng hiệu quả nguồn lợi nhuận sau kinh doanh để tái đầu tư, nâng cấp hệ thống thiết bị máy móc theo hướng hiện đại, đồng bộ. Đơn vị đã tăng cường đầu tư xây dựng các tuyến cáp quang phục vụ mạng truy nhập FTTx trên toàn tỉnh, hoàn thành xây dựng các tuyến cáp quang bổ sung cho mạng Man E, hoàn thiện hệ thống đường trục, mạng lưới băng rộng, hệ thống trạm BTS 2G và 3G với tổng số hơn 200 trạm BTS2G, gần 300 trạm BTS 3G và trạm IPDSLAM; tập trung phát triển công nghệ sử dụng tổng đài nội hạt kết hợp với sóng vô tuyến của mạng điện thoại di động nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của loại hình dịch vụ điện thoại cố định; triển khai công nghệ FTTH tạo lập mạng viễn thông rộng bằng cáp quang giúp nâng cao chất lượng các dịch vụ tốc độ cao. Ngoài ra, VNPT Nam Định tăng cường quảng bá thương hiệu, thường xuyên tiếp cận với khách hàng để nhanh chóng nắm bắt thị hiếu và đưa ra phương thức điều chỉnh phù hợp theo từng tháng ở tất cả các loại hình dịch vụ, đồng thời đẩy mạnh các biện pháp chăm sóc khách hàng như: Có chính sách ưu đãi dành cho khách hàng lớn, điều chỉnh giá cước dịch vụ phù hợp với từng đối tượng, quay số mở thưởng, tặng quà sinh nhật, tổ chức các chương trình hỗ trợ học bổng cho học sinh nghèo… Bên cạnh đó, VNPT Nam Định luôn thực hiện tốt nhiệm vụ cung cấp dịch vụ viễn thông công ích; đầu tư mở rộng mạng lưới dịch vụ ở các vùng xa trung tâm, vùng ít người sử dụng dịch vụ. Hiện tại, VNPT Nam Định đã hoàn thành mục tiêu 100% thôn, xóm có máy điện thoại, đưa internet đến 100% UBND các phường, xã, trạm y tế, tạo thuận lợi trong chỉ đạo, điều hành hoạt động chính trị, xã hội cũng như ứng dụng CNTT trong toàn tỉnh. Đơn vị còn mạnh dạn cung cấp các dịch vụ viễn thông mới, tiêu biểu như dịch vụ truyền hình trả tiền My TV. Với những nỗ lực kể trên, chất lượng các dịch vụ do doanh nghiệp cung cấp luôn đạt mức độ cao và từ nhiều năm nay VNPT Nam Định luôn chiếm vị trí số một trên địa bàn tỉnh. Năm 2011, thị phần di động của VNPT Nam Định đạt gần 50%, thị phần internet đạt trên 90% và thị phần điện thoại cố định có dây và không dây đạt trên 80%.
Chi nhánh Viễn thông Viettel Nam Định tặng quà tri ân khách hàng. |
Năm 2011, Chi nhánh Viettel Nam Định đã tập trung phát triển có hệ thống hạ tầng theo hướng đầu tư mạnh về vùng sâu vùng xa, vùng biển. Đến nay Chi nhánh đã nâng tổng số lên 20 nghìn km cáp quang, 90% các xã trên địa bàn tỉnh có trạm BTS, cơ bản phủ kín sóng truyền dẫn trên địa bàn tỉnh và phục vụ mạng với chất lượng dịch vụ tốt hơn hẳn so các đơn vị khác cho công tác bảo vệ an ninh quốc phòng và cho ngư dân. Chi nhánh Viettel Nam Định luôn cung cấp phong phú số lượng gói thuê bao di động, internet với chất lượng dịch vụ tốt và nhiều khung giá cước linh động, hợp lý thu hút tối đa nhu cầu sử dụng của các tầng lớp nhân dân. Tiêu biểu như dịch vụ internet 3G của Viettel có ưu thế chiếm lĩnh thị trường mạnh hơn so với nhiều đơn vị khác trên địa bàn, tổng số thuê bao di động đã đạt gần 50 nghìn thuê bao. Chi nhánh thực hiện hiệu quả các chế độ chăm sóc khách hàng như: cung cấp thiết bị đầu cuối với mức giá có hỗ trợ, tặng quà định kỳ cho khách hàng lớn, lâu năm… Năm 2011, doanh thu của Chi nhánh đạt 460 tỷ đồng. Năm 2012, Chi nhánh sẽ tiếp tục hoàn thiện đầu tư hạ tầng thiết bị theo hướng hiện đại, phấn đấu 100% số xã có trạm BTS và 100% số trạm BTS được cáp quang, xây dựng hệ thống định vị an toàn, địa bàn an toàn, không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ…
Không chỉ hai đơn vị trên mà tất cả các đơn vị viễn thông trên địa bàn tỉnh đều tích cực khai thác tối đa thế mạnh của mình để cung cấp đến khách hàng các loại hình dịch vụ ngày càng chất lượng. Nhờ đó, trong những năm qua, các đơn vị, tổ chức cá nhân trên địa bàn tỉnh đều được bảo đảm thông tin liên lạc, thuận lợi, góp phần tích cực vào việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội; đặc biệt là thông tin liên lạc phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp, thông tin phục vụ công tác phòng, chống lụt bão, công tác quốc phòng, an ninh. Năm 2011, tổng số thuê bao cố định và di động trả sau trên mạng đạt 272.396 thuê bao, thuê bao internet phát triển mới tăng 207% so với năm 2010, nâng tổng số lên 64.141 thuê bao. Doanh thu hoạt động dịch vụ viễn thông toàn tỉnh đạt 829 tỷ 104 triệu đồng, tăng 21% so với năm 2010./.
Bài và ảnh: Thuý Vy