Trực Ninh quy hoạch vùng chuyên canh trong sản xuất nông nghiệp

09:12, 29/12/2011

Những năm gần đây, huyện Trực Ninh tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất nông sản hàng hoá, xây dựng các vùng chuyên canh phù hợp với điều kiện của từng vùng.

Trên cơ sở quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội của huyện, các xã, thị trấn từng bước hình thành vùng sản xuất hàng hoá, gồm: Vùng lúa có năng suất cao, vùng sản xuất giống lúa, vùng cây màu, cây cảnh, vùng chăn nuôi trang trại, vùng nuôi thuỷ sản. Huyện, các xã, thị trấn tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho vùng chuyển đổi, gồm đường giao thông nội đồng, đường điện, trạm bơm, cống điều tiết, nạo vét kiên cố hoá kênh mương để chủ động tưới tiêu nước, tạo điều kiện thuận lợi cho việc ứng dụng tiến bộ KHKT, cơ giới hoá sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi… Vùng sản xuất lúa đặc sản có khoảng 1.200ha, tập trung ở các HTX Trực Hưng, Trực Nội, Trực Thái, Trực Thắng, Trực Chính, Trực Cát, Trực Thành... với các giống nếp Bắc, nếp cái hoa vàng, tám. Tại HTX Trực Chính, vụ mùa HTX thường cấy khoảng 40ha lúa nếp Bắc. Với trình độ thâm canh cao, phòng bệnh tốt nên năng suất lúa nếp ở Trực Chính đạt trên 130 kg/sào. Một sào cấy lúa nếp cho thu nhập cao hơn cấy lúa thường từ 800 nghìn đồng trở lên vì chi phí giống, công chăm sóc ít hơn 30% so với lúa tẻ trong khi giá bán lại cao và ổn định. Thị trấn Cát Thành cả 2 HTX đều cấy giống nếp cái hoa vàng. Vụ mùa HTX Trực Cát cấy tới 70%, HTX Trực Thành cấy 30% tổng diện tích cấy lúa mùa, năng suất đạt 140-160 kg/sào, giá trị cao hơn cấy lúa thường 2-2,5 lần. Vùng lúa có chất lượng cao tập trung mở rộng diện tích cấy các giống Bắc thơm số 7, nếp 97, Nam Định 1…; trong đó vụ xuân đạt khoảng 2.500ha, vụ mùa đạt trên 3.200ha. Vùng sản xuất lúa giống là các chân ruộng tốt, thuận lợi tưới tiêu nước cách ly tốt, quy hoạch thành vùng từ 3-5ha ở các HTX Trung Lao, Trực Đại, Trực Tĩnh, Trực Hùng... HTX Trung Lao đã nhiều năm sản xuất lúa giống đạt chất lượng, hiệu quả kinh tế cao hơn cấy lúa thường trên 2 lần. Vùng sản xuất lúa giống của HTX rộng 10ha để sản xuất lúa lai, lúa thuần (TH3-3). Xã Trực Hùng có 65ha dành sản xuất lúa giống, quy hoạch thành vùng rộng, thuận lợi cho việc đưa các loại máy vào sản xuất. Vùng sản xuất lúa giống ở Trực Hùng cho thu nhập cao gấp 2-3 lần cấy lúa thường. Thu hoạch lúa xong, nhiều hộ trồng 1-3 sào các loại cây vụ đông gồm bí xanh, khoai tây, dưa chuột bao tử, rau các loại. Hộ anh Đỗ Văn Mỡi ở đội 1 trồng 3,5 mẫu dưa chuột bao tử và su hào.

Gia đình anh Đỗ Văn Mỡi, đội 1, xã Trực Hùng (Trực Ninh) trồng 3,5 mẫu dưa chuột bao tử và rau cho thu nhập cao.
Gia đình anh Đỗ Văn Mỡi, đội 1, xã Trực Hùng (Trực Ninh) trồng 3,5 mẫu dưa chuột bao tử và rau cho thu nhập cao.

Vùng sản xuất cây vụ đông được các HTX quy hoạch ở các đội sản xuất có điều kiện với diện tích từ 3ha trở lên, mỗi HTX quy hoạch 2-3 vùng cây vụ đông liên đội sản xuất rộng 7-10ha, phấn đấu mỗi năm tăng 10% diện tích. Những địa phương đã có phong trào quy hoạch thành vùng, trồng cây vụ đông chiếm 15-20% diện tích như các HTX: Trung Đông, Trực Chính, Trực Mỹ, Trực Hùng, Trực Thái… Huyện đã hình thành 3 vùng sản xuất cây nguyên liệu gồm vùng 1 rộng khoảng 150ha (phía bắc đường Đen) gồm HTX Trung Lao, Đông Thượng, Thị trấn Cổ Lễ, Trực Chính. Vùng 2 khoảng 130ha (vùng ven sông Ninh Cơ) gồm các HTX Trực Nội, Trực Mỹ, Trực Thuận. Vùng 3 khoảng 200ha (phía bắc đường 486B) gồm các xã Trực Đại, Trực Thái, Việt Hùng… Các cây vụ đông được trồng là cà chua, dưa chuột, bí xanh, ngô, đậu tương, khoai tây và các loại rau. Để sản xuất vụ đông hiệu quả, các xã, HTX chủ động cấy trà lúa mùa sớm. Huyện chỉ đạo tiếp tục chuyển đổi diện tích đất cát pha, đất thịt nhẹ ở các HTX Trực Chính, Trung Lao, Trực Hưng, Trực Thuận… sang trồng màu, áp dụng công thức luân canh 2 màu + 1 lúa. HTX Trực Chính có 40ha trồng 3 vụ theo công thức khoai tây đông + lạc xuân muộn + lúa mùa cho thu nhập trên 120 triệu đồng/ha. Vụ đông, HTX trồng trên 10ha khoai tây, rau. Để tăng hiệu quả, HTX Trực Chính đã liên kết với một số đơn vị sản xuất khoai tây giống. Năm 2010, một sào khoai tây các hộ thu trên 4 triệu đồng. Ở HTX Trung Lao công thức lúa xuân + lúa mùa sớm + cây vụ đông đã được duy trì từ nhiều năm nay. Cây vụ đông gồm bí xanh, cà chua, dưa chuột. Hộ ông Vũ Đình Xuyên ở đội 8 trồng 3 sào dưa chuột bao tử thu trên 10 triệu đồng. Làng Lác Môn, xã Trực Hùng từ lâu đã hình thành vùng sản xuất các loại rau màu đạt hiệu quả cao trên đất gồ màu, vườn màu và trên đất 2 vụ lúa. Các loại rau màu trồng theo thời vụ trên diện tích lớn tạo ra lượng hàng hoá cung ứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Ở đội 4, xã Trực Cường có nhiều hộ trồng rau màu với diện tích trên 2 sào, tạo thành vùng rộng 60 mẫu. Anh Trần Văn Lung ở đội 4 cho biết: “Gia đình tôi trồng trên 2 sào gồm súp lơ, su hào, cải bắp, sau khi trừ chi phí còn thu trên 3 triệu đồng/sào. Bên cạnh đó, huyện Trực Ninh còn xây dựng vùng chăn nuôi tập trung chuyển dần nuôi lợn, gia cầm, trâu, bò từ phân tán sang nuôi theo mô hình trang trại, gia trại; tách chăn nuôi ra xa khu dân cư, bảo đảm vệ sinh môi trường. Huyện chỉ đạo mỗi xã, thị trấn có 3-5 trang trại đạt tiêu chí của Bộ NN và PTNT, đưa các giống mới vào nuôi để nâng cao năng suất, chất lượng thịt, tăng thu nhập cho người lao động. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi vùng đất trũng sang nuôi thuỷ sản ở các xã Trực Chính, Phương Định, Liêm Hải, các xã vùng ven sông Ninh Cơ. Vùng nuôi thuỷ sản tập trung vào các loại cá truyền thống; những nơi có kinh nghiệm, có điều kiện tưới tiêu thuận lợi, tổ chức nuôi tôm, cá rô phi đơn tính.

Hình thành các vùng chuyên canh trong sản xuất nông nghiệp là điều kiện để Trực Ninh hướng đến mục tiêu tạo lập nền nông nghiệp sản xuất nông sản hàng hoá bền vững, đạt hiệu quả kinh tế cao./.

Bài và ảnh: Hữu Quyết



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com