Xuất khẩu 2011: Biến nguy cơ thành thời cơ

09:12, 24/12/2011

Thông thường, những kỷ lục nào đó đạt được của mọi tập thể, cá nhân, đương nhiên là thành quả chỉ có được nhờ sự nỗ lực cố gắng và những hiệu quả mang lại đáng trân trọng, biểu dương. Và nếu nhìn vào bức "chân dung” nền kinh tế năm 2011 này, có lẽ "nét vẽ” từ những kỷ lục kim ngạch xuất khẩu mà đất nước ta gặt hái được, chắc hẳn nếu khẳng định còn trên cả mức... phi thường, cũng không phải là quá ngoa ngôn!

Đặc biệt phải đặt vào hoàn cảnh nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng trong năm qua, luôn phải chịu không ít những tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, những nguy cơ thường trực của suy thoái kinh tế, mới thấy sự vươn mình trong lĩnh vực xuất khẩu nước ta quả là càng đáng khâm phục, tự hào!

Hoàn thiện sản phẩm bàn ghế gỗ xuất khẩu tại Cty CP Lâm sản Nam Định. Ảnh: Nguyễn Hương
Hoàn thiện sản phẩm bàn ghế gỗ xuất khẩu tại Cty CP Lâm sản Nam Định.
Ảnh: Nguyễn Hương

Báo cáo mới nhất của Bộ Công thương khẳng định, tính đến hết tháng 11-2011, kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 87,2 tỷ USD, tăng 34,7% so với cùng kỳ năm 2010. Dự báo khả năng tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2011 đạt khoảng 96 tỷ USD, tăng 33% so với năm 2010, vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra (tăng 3 lần). Trong khi đó nhập siêu giảm mạnh, cả năm dự kiến khoảng 10 tỷ USD, bằng 10,4% tổng kim ngạch xuất khẩu, thấp hơn chỉ tiêu kế hoạch (không quá 18%), đã góp phần tích cực cải thiện cán cân thanh toán và ổn định tỷ giá...

Đó không phải là những số liệu khô khan, cũng càng không phải để có được con số đó là sự đơn giản. Nhất là trong bối cảnh thị trường thế giới đang khó khăn bởi tác động tiêu cực của khủng hoảng tài chính thế giới và nợ công tại châu Âu; lạm phát cao tại một số quốc gia, bất ổn chính trị, kinh tế, xã hội ở một số nước Trung Đông và Bắc Phi, các hàng rào kỹ thuật tại một số khu vực (châu Âu, Mỹ); một số nước tại khu vực Nam Á, Trung Đông áp dụng các chính sách bảo hộ sản xuất trong nước rất cao thể hiện qua thuế suất nhập khẩu hàng hóa... Đây là những thách thức đối với hoạt động xuất khẩu của Việt Nam năm 2011 và những năm tiếp theo. Tuy nhiên điều đáng mừng là các mặt hàng xuất khẩu và đặc biệt các thị trường tiêu thụ lớn hàng hóa Việt Nam ở châu Á - Thái Bình Dương, châu Âu, châu Mỹ đều đạt mức tăng trưởng cao.

Đặc biệt, giữa lúc nền kinh tế thế giới đang loay hoay trong sự bế tắc, chúng ta đã biết tận dụng thời cơ để đưa ra những quyết sách đúng đắn trong điều hành kinh tế, gặt hái ngoại tệ, đảm bảo và nâng cao đời sống dân sinh. Một số lĩnh vực xuất khẩu của chúng ta như dệt may, thuỷ hải sản, nông sản, hàng tiêu dùng... đã thêm một lần nữa khẳng định vị thế trên thị trường thế giới. Cá biệt, có những mặt hàng "rất đỗi bình dị” như rau quả, với kim ngạch xuất khẩu cả năm 2011 ước đạt 600 triệu USD, Việt Nam đã lọt vào top 5 nước sản xuất mặt hàng này lớn nhất trên thế giới - theo một công bố mới nhất của Hiệp hội rau, quả Việt Nam. Ông Đinh Cao Khuê - Phó Tổng Giám đốc TCty rau, quả Việt Nam cho biết: "Trong năm 2011, xuất khẩu rau, quả đã có bước tăng đột biến tới 40,6% so với năm 2010. Hiện rau, quả Việt Nam đã có mặt ở 50 thị trường, trong đó có cả những thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ, EU...”. Ở lĩnh vực xuất khẩu thuỷ sản, Hiệp hội thuỷ sản Việt Nam (VASEP) công bố, tính đến hết tháng 11-2011 tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 5,6 tỉ USD, và như vậy ước tính kim ngạch xuất khẩu thủy sản cho cả năm sẽ ở mức trên 6 tỉ USD. Theo ông Trương Đình Hoè, Tổng Thư ký VASEP cho biết: "So với năm 2010 thì năm nay sản lượng thủy sản xuất khẩu chỉ tăng 6% nhưng về giá lại tăng 27%. Do vậy, xuất khẩu thủy sản năm nay vượt chỉ tiêu là nhờ giá bán năm nay cao”. Cùng với đó, các mặt hàng như gạo, hồ tiêu, cao su, cà phê... đều đạt và vượt mức kế hoạch xuất khẩu đã đề ra.

Mới đây, Chính phủ đặt ra chỉ tiêu cho cả năm 2012 là phấn đấu đạt mức tăng trưởng xuất khẩu 13%, kim ngạch khoảng 108,5 tỷ USD. Để đạt được chỉ tiêu này, tại một hội nghị của ngành công thương cách đây ít ngày, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đề nghị các thương vụ, các đơn vị trong ngành công thương tập trung làm tốt một số nhiệm vụ trọng tâm như: đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm và mở rộng thị trường, góp phần đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng có tiềm năng phát triển không bị hạn chế về khả năng sản xuất, sử dụng nhiều nguyên liệu trong nước như: hàng thủ công mỹ nghệ, sản phẩm cao su, hàng thực phẩm chế biến, hóa mỹ phẩm...; kết hợp xúc tiến thương mại với xúc tiến đầu tư và hợp tác công nghiệp; tìm kiếm, vận động các đối tác nước ngoài tham gia phát triển công nghiệp hỗ trợ, sản xuất nguyên liêu thay thế nhập khẩu và đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ xuất khẩu; chủ động và phối hợp với trong nước phát hiện nhu cầu hàng hóa, khả năng thu hút đầu tư từ bên ngoài và triển khai đầu tư từ trong nước trên thị trường nước sở tại, đề xuất với Bộ về cơ chế, chính sách phù hợp với pháp luật của ta và của địa bàn nước ngoài phục vụ phát triển sản xuất và xuất khẩu; thu hút, vận động giới doanh nghiệp trong kiều bào Việt Nam tham gia hợp tác mở rộng thị trường xuất khẩu hàng Việt Nam, xúc tiến đầu tư, thu hút kiều hối, chuyển giao công nghệ...

Dự báo năm 2012 và những năm tiếp theo, kinh tế Việt Nam vẫn đứng trước nhiều khó khăn thách thức, tình hình trong nước và thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp và khó lường... Việc xác định những định hướng và nội dung cơ bản của công tác thị trường ngoài nước cần được coi là một trong những công tác có ý nghĩa quan trọng đối với hoạt động xuất nhập khẩu. Đặc biệt, cần tiếp tục chủ động tận dụng thời cơ để đẩy mạnh xuất khẩu những mặt hàng, những ngành hàng mà chúng ta đang có nhiều lợi thế, thế mạnh cạnh tranh. Tiếp tục làm tốt điều đó, sẽ góp phần đắc lực đưa nền kinh tế nước ta nhanh chóng thoát ra (hoặc ít nhất là hạn chế ảnh hưởng) vòng xoáy của suy thoái kinh tế toàn cầu./.

Theo: daidoanket.com.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com