Gia đình anh Bùi Xuân Chính, thôn Mai Phú, xã Yên Tân (Ý Yên) trồng cà chua cho thu nhập 18 triệu đồng/sào. |
Là xã thuộc vùng chiêm trũng nhưng những năm qua Yên Tân (Ý Yên) đã biết phát huy lợi thế hình thành các vùng chuyên canh phù hợp với điều kiện tự nhiên để phát triển kinh tế.
Năm 2010, xã đã hoàn thành quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2011-2020, từng bước đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa. Trong lĩnh vực trồng trọt, xã hình thành các vùng sản xuất tập trung, đưa vào thâm canh các giống có năng suất, chất lượng cao, ổn định quỹ đất cấy lúa. Xã hình thành 7 vùng sản xuất lúa + cá với diện tích gần 109ha, 9 vùng cấy lúa với diện tích trên 156ha, 7 vùng cấy lúa chất lượng cao với diện tích gần 113ha, 9 vùng chuyên trồng màu với diện tích gần 55ha và vùng chăn nuôi tập trung 27ha. Xã phấn đấu đến năm 2015, cơ cấu giống lúa chất lượng cao chiếm 55%, lúa đặc sản chiếm 25%, từng bước xây dựng các cánh đồng mẫu sản xuất lúa theo hướng hiện đại, áp dụng đồng bộ các quy trình sản xuất từ làm đất, xuống giống, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản. Xã đã đầu tư nâng cấp hệ thống trạm bơm điện để chủ động tưới tiêu nước và làm tốt các công tác khuyến nông, BVTV, hướng dẫn nông dân phòng chống sâu bệnh… Bằng nhiều giải pháp đồng bộ, những năm gần đây năng suất lúa của xã luôn đạt 105 tạ/ha/năm. Về trồng màu, xã tập trung phát triển các loại cây lạc, ngô, đậu tương, dưa chuột theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với thị trường tiêu thụ và bảo quản sau thu hoạch, từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng nông nghiệp phục vụ sản xuất như bờ bao hệ thống tưới tiêu nước cho vùng chuyên canh rau màu. Anh Ngô Văn Quý, trưởng thôn Mai Phú cho biết: Thôn có 130 hộ, trong đó trên 25% số hộ có diện tích trồng rau màu nhiều cho thu nhập cao hơn cấy lúa từ 3-5 lần. Hộ anh Bùi Xuân Chính có 2,5 sào ruộng luân canh 3 vụ trong năm: cà chua + dưa chuột xuất khẩu + cà chua cùng các loại rau, cho thu nhập gấp 5 lần cấy lúa. Hiện thôn mới có hơn 1ha vùng tập trung rau màu nhưng hộ các anh Ngô Văn Thuật, Ngô Văn Tuân, Ngô Văn Dũng… có diện tích từ 2,5 đến 3,5 sào đã đạt hiệu quả kinh tế cao. Tới đây thôn sẽ mở rộng gần 2ha chuyên màu, tạo điều kiện cho các hộ chuyển sang trồng rau màu. Xã tạo điều kiện liên kết "4 nhà" gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm. Để tăng thu nhập từ trồng trọt, xã đã tích cực vận động các hộ xã viên mở rộng diện tích cây vụ đông trên đất 2 vụ lúa, mỗi năm diện tích cây vụ đông chiếm gần 20% diện tích.
Xã Yên Tân có nhiều thuận lợi trong phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản. Năm 2010, xã có trên 9.500 con lợn, đàn gia cầm trên 30 nghìn con, đàn trâu bò 300 con sản lượng thủy sản trên 70 tấn… Hiện nay, trên địa bàn xã có 123 gia trại và 19 hộ có mô hình trang trại tổng hợp, chủ yếu chăn nuôi lợn, gia cầm, thủy sản đem lại nguồn thu nhập cao. Xã luôn tạo điều kiện, khuyến khích các hộ chăn nuôi tiếp tục đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống chuồng trại. Trong thời gian tới, xã tập trung nâng chất lượng giống vật nuôi như Sind hóa đàn bò, chọn lọc đàn trâu bò, nạc hóa đàn lợn, nâng cao chất lượng đàn lợn nái, chú trọng phát triển đàn nái ngoại… Xã quy hoạch vùng trồng cỏ để chủ động nguồn thức ăn cho đàn trâu, bò và phổ biến việc ứng dụng nhanh các tiến bộ về công nghệ chuồng trại, quy trình chăm sóc tiên tiến. Quy hoạch vùng sản xuất tạo hiệu quả cao là tiền đề giúp xã Yên Tân sớm hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới./.
Bài và ảnh: Hữu Quyết