Ý Yên tập trung dồn điền đổi thửa

08:11, 29/11/2011

Hiện nay, huyện Ý Yên có 15.637ha đất nông nghiệp, bình quân 5-6 thửa/hộ, nhiều xã 7-8 thửa/hộ. Việc quản lý đất công ích, đất dành cho phát triển hạ tầng, khu dân cư, đất sản xuất CN-TTCN, lập hồ sơ địa chính và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở một số địa phương trong huyện chưa tuân thủ quy định và quy hoạch. Bên cạnh đó, công tác dồn điền đổi thửa (DĐĐT) của huyện còn gặp khó khăn do một bộ phận người dân, nhất là những hộ đang được sử dụng ruộng tốt, cho giá trị canh tác cao không muốn tham gia thực hiện DĐĐT... Trong khi đó, theo yêu cầu của tỉnh, thời hạn hoàn thành DĐĐT của các xã thí điểm xây dựng NTM là hết năm 2011 và thời hạn kết thúc là năm 2013. Trên thực tế, dù triển khai thực hiện từ tháng 9 nhưng thời gian tiến hành DĐĐT chỉ có thể tập trung thực hiện trong 3 tháng cuối năm, khi bà con nông dân thu hoạch xong vụ mùa, chuẩn bị làm vụ xuân.

Cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ý Yên rà soát quy hoạch đất nông nghiệp.
Cán bộ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Ý Yên rà soát quy hoạch đất nông nghiệp.

Để chủ động đảm bảo tiến độ DĐĐT, ngay sau khi Ban TVTU ra Chỉ thị số 07-CT/TU và Sở TN và MT có văn bản hướng dẫn số 1071 về việc tiếp tục thực hiện DĐĐT trong sản xuất nông nghiệp, huyện Ý Yên đã thành lập Ban chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên và chỉ đạo, hướng dẫn các xã, thị trấn thực hiện công tác DĐĐT. Tại các xã, thị trấn cũng thành lập Ban chỉ đạo DĐĐT do đồng chí Chủ tịch UBND xã, thị trấn làm trưởng ban. Ở thôn, xóm thành lập Ban DĐĐT do bí thư chi bộ hoặc trưởng thôn, xóm làm trưởng ban. Huyện tập trung khảo sát, thống kê, xây dựng kế hoạch, phương án đảm bảo công bằng theo nguyên tắc: Tạo thuận lợi cho hộ sử dụng đất thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng đất nông nghiệp theo quy định của Luật Đất đai nhưng không thay đổi mục đích sử dụng. Không chia lại ruộng đất, chỉ dồn và điều chỉnh vị trí, số lượng, diện tích thửa của từng hộ để đảm bảo mỗi hộ còn 1 đến 2 thửa, thuận tiện trong việc quản lý và sử dụng theo quy hoạch nhằm phát huy tối đa tiềm năng đất đai và tận dụng thu ngân sách cho địa phương. Thực hiện DĐĐT gắn với quy hoạch sản xuất nông nghiệp, quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và quy hoạch xây dựng nông thôn mới. Thông qua DĐĐT, các xã vận động các hộ dân hiến đất để làm đường giao thông, thủy lợi nội đồng phục vụ sản xuất nông nghiệp. Huyện chỉ đạo các xã, thị trấn căn cứ vào tình hình tại địa phương, thực hiện DĐĐT theo hai phương pháp: Chuyển đổi toàn diện, đồng bộ trên quy mô từng thôn xóm đến xã hoặc vận động, hướng dẫn các hộ tự đổi đất cho nhau để tổ chức sản xuất theo quy hoạch. Sau khi các hộ dân hoàn thành việc thỏa thuận đổi ruộng bằng văn bản, UBND cấp xã tổng hợp, hoàn chỉnh phương án DĐĐT trên địa bàn để UBND huyện xem xét, phê duyệt. Trên cơ sở phương án DĐĐT huyện đã phê duyệt, UBND các xã, thị trấn chỉ đạo ban DĐĐT của xã, thị trấn và ban đổi ruộng của các thôn, xóm tiến hành đo đạc để giao đất thực địa cho từng hộ. Ngoài ra, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để bà con nông dân hiểu rõ lợi ích sau khi dồn đổi ruộng đất thành những vùng tập trung, liền vùng liền khoảnh, thuận lợi trong canh tác và thu hoạch nông sản, từ đó đẩy nhanh tiến độ DĐĐT. Huyện đã chọn 12/32 xã, thị trấn thực hiện thí điểm DĐĐT gồm: Yên Phú, Yên Ninh, Yên Cường, Yên Tân, Yên Trung, Yên Bình, Yên Phong, Yên Hồng, Yên Đồng, Yên Nhân, Yên Lương và Thị trấn Lâm, sau đó, rút kinh nghiệm và triển khai nhân rộng ra các xã còn lại.

Nhờ xác định đúng chủ trương, phương hướng và biện pháp thực hiện, đến nay, nhiều xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã từng bước tháo gỡ được những khó khăn, tồn tại và đã đạt được những kết quả DĐĐT ban đầu. Đồng chí Phạm Văn Hiệp, Bí thư Đảng ủy xã Yên Lương cho biết: Từ khi có chủ trương DĐĐT, xã đã tích cực triển khai tuyên truyền, vận động, xây dựng kế hoạch, phương hướng, mục tiêu thực hiện. Nhờ đó, đến nay cán bộ, nhân dân trong xã đều đồng tình tiến hành dồn đổi ruộng, các hộ đều được chia cả đất lúa và đất màu. Xã phấn đấu, toàn bộ 600ha đất canh tác, gồm đất 2 vụ lúa và đất chuyên màu, đang phân chia manh mún 4-7 thửa/hộ sẽ dồn đổi còn tối đa 2 thửa/hộ. Tại 100ha đất canh tác không thuận lợi, ở chân cao, hay bị mất nước, xa khu dân cư; trước khi đưa vào dồn đổi, xã đã chủ động phối hợp với doanh nghiệp Hà Minh Lương, chuyên sản xuất vật liệu xây dựng tiến hành hạ cốt đất, cải tạo đồng ruộng. Chủ trương trên nhận được sự đồng tình ủng hộ của nhân dân nên quá trình triển khai rất thuận lợi.

Nhờ sự tập trung, nỗ lực của các cấp chính quyền và sự đồng tình ủng hộ của nhân dân, chắc chắn huyện Ý Yên sẽ hoàn thành công tác DĐĐT đúng thời hạn với khả năng sử dụng đất đạt hiệu quả cao./. 

Bài và ảnh: Thanh Thúy



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com