Nghĩa Hưng phát huy các nguồn lực xây dựng nông thôn mới

08:12, 01/12/2011

Những năm qua, huyện Nghĩa Hưng đã tập trung chỉ đạo, khai thác các nguồn lực đẩy mạnh phát triển sản xuất CN-TTCN, kinh tế biển, nông nghiệp theo hướng kinh tế hàng hóa. Những thành tựu trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn và khai thác tiềm năng từ biển là nền tảng để huyện thực hiện thành công mục tiêu xây dựng nông thôn mới (NTM).

Với chiều dài bờ biển trên 12km, trên 8.800ha bãi bồi và 2 đảo cát nhỏ tạo thành Cồn Xanh, Cồn Mờ huyện đã xây dựng quy hoạch tổng thể và kế hoạch phát triển kinh tế biển. Đến nay, diện tích nuôi trồng thủy sản toàn huyện đạt 2.930ha; trong đó, diện tích nuôi mặn lợ 1.843,6ha, diện tích nuôi nước ngọt 1.086,4ha. Với những giải pháp đồng bộ và tích cực, tốc độ tăng trưởng toàn ngành thủy sản những năm gần đây của huyện Nghĩa Hưng đạt 18-20%/năm, giá trị sản phẩm đạt gần 250 tỷ đồng. Toàn huyện hiện có 710 phương tiện đánh bắt với tổng công suất gần 8.000CV, trong đó có 10 tàu đánh bắt xa bờ, tổng công suất 3.080CV; 221 trang trại nuôi thủy sản, nhiều trang trại quy mô rộng 4-5ha với con nuôi chủ lực là: tôm sú, cua, cá bống bớp…, lợi nhuận thu được từ nuôi thủy sản đạt trên 200 triệu đồng/ha/năm.

Thi công công trình cải tạo, nâng cấp kênh Đại Tám đoạn qua địa phận xã Nghĩa Thái (Nghĩa Hưng).
Thi công công trình cải tạo, nâng cấp kênh Đại Tám
đoạn qua địa phận xã Nghĩa Thái (Nghĩa Hưng).

Cùng với việc phát triển kinh tế biển, huyện Nghĩa Hưng tập trung phát triển trang trại, gia trại tổng hợp chuyên canh phù hợp với điều kiện của địa phương; phát triển chăn nuôi đa dạng theo hướng sản xuất hàng hóa, đưa các giống mới, năng suất cao, đáp ứng yêu cầu tiêu thụ nội địa và phục vụ chế biến xuất khẩu. Các giống lúa lai được nông dân trong huyện đưa vào gieo cấy với diện tích ngày càng cao, nâng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác, đẩy mạnh thâm canh 2 vụ, đưa năng suất lúa đạt 134 tạ/ha/năm. Một số mô hình sản xuất vụ đông trên đất 2 vụ lúa điển hình cả về diện tích, hiệu quả kinh tế như mô hình thâm canh tăng vụ ở Thị trấn Quỹ Nhất; mô hình chuyển đổi từ trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, trồng màu ở xã Nam Điền… Ngoài ra, việc cải tạo vườn tạp trồng cây ăn quả, cây cảnh có hiệu quả kinh tế cao đang được nhiều hội viên nông dân thực hiện. Tiêu biểu là xã Nghĩa Bình hiện có gần 60 hộ phát triển kinh tế theo mô hình trang trại tổng hợp. Xã tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ tham gia phát triển trang trại về thủ tục hành chính, hướng đầu tư, hỗ trợ xây dựng điện - đường khu quy hoạch trang trại, hỗ trợ xây dựng hầm bioga, hệ thống tiêu thoát nước thải và xử lý môi trường… đồng thời, huy động nhiều nguồn vốn cho các hộ vay để mua giống và đầu tư xây dựng trang trại. Ban nông nghiệp và HTXNN hướng dẫn nông dân khai thác hiệu quả khu vực bãi ven sông Ninh Cơ phục vụ nuôi thủy sản. Đến nay, diện tích đất bãi được cải tạo để nuôi trồng thủy sản đã lên đến hơn 90ha, mang lại nguồn thu lớn cho nhiều hộ nông dân địa phương. Thực hiện Nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVIII về phát triển kinh tế trang trại, gia trại giai đoạn 2011-2015; trong đó, mục tiêu mỗi xã, thị trấn có 3-5 trang trại đạt tiêu chí của Bộ NN và PTNT, huyện sẽ hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng cho các vùng chuyển đổi có dự án được duyệt; hỗ trợ xây dựng trang trại chăn nuôi, nuôi thủy sản, chuyển giao ứng dụng tiến bộ KHKT, xây dựng mô hình chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, từ đó hình thành các vùng chuyên canh, các trang trại có quy mô phù hợp để sản xuất hàng hóa.

Đại hội Đảng bộ huyện Nghĩa Hưng lần thứ XXIII đã xác định: Xây dựng NTM là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của nhiệm kỳ 2010-2015. Huyện ủy đã ra nghị quyết chuyên đề về “Lãnh đạo xây dựng NTM giai đoạn 2010-2015 và định hướng đến năm 2020 trên địa bàn huyện”. Trên cơ sở kết quả khảo sát, đánh giá thực trạng nông thôn theo 5 nhóm và 19 tiêu chí xây dựng NTM tại 25 xã, thị trấn của huyện, UBND huyện đã xây dựng Đề án “Xây dựng NTM huyện Nghĩa Hưng giai đoạn 2010-2015”, chỉ đạo xã Nghĩa Sơn (đơn vị làm điểm của tỉnh) tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM, phấn đấu đến năm 2015, toàn huyện có 9 xã cơ bản đạt các tiêu chí về NTM. Bên cạnh đó, huyện đã hoàn thành quy hoạch sản xuất nông nghiệp và tiếp tục triển khai lập quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Sau một năm triển khai chương trình xây dựng NTM, huyện Nghĩa Hưng đã triển khai một số công trình, dự án như: Dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường Giây Nhất, chợ Gạo dài 13,2km với kinh phí hơn 90 tỷ đồng; Dự án cải tạo, nâng cấp kênh và đường giao thông hai bên bờ kênh Quần Vinh I, Quần Vinh II, dài 5km, phục vụ tưới tiêu cho các xã phía nam huyện; Dự án cải tạo, nâng cấp kênh và hoàn thiện mặt đường đoạn từ Thị trấn Liễu Đề đến cầu Đào Khê, dài 6,7km. Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, nhân dân các địa phương trong huyện đã đóng góp kinh phí, ngày công lao động, hiến đất để xây dựng các công trình. Toàn huyện đã đào đắp 540 nghìn m3 trên tuyến kênh cấp I, cấp II, cấp III với tổng kinh phí hơn 35 tỷ đồng, hoàn thành 53/450km nền đường ra đồng. Đến nay, vốn ngân sách hỗ trợ cho 9 xã, thị trấn xây dựng NTM đạt hơn 13,4 tỷ đồng. Cùng với việc đầu tư nâng cấp, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, huyện tập trung chỉ đạo các xã chuyển dịch cơ cấu kinh tế, mở mang ngành nghề, nâng cao thu nhập cho người dân. Huyện tiếp tục duy trì và phát triển các ngành sản xuất CN-TTCN truyền thống và du nhập thêm một số nghề mới, phấn đấu các xã, thị trấn trong huyện đều có làng nghề, góp phần từng bước chuyển dịch cơ cấu lao động theo tiêu chí xây dựng NTM. Đến nay, trên địa bàn huyện có 184 doanh nghiệp với nhiều ngành nghề phát triển như sản xuất vật liệu xây dựng, sửa chữa và đóng mới tàu thủy, chế biến các sản phẩm từ cói… tập trung ở các xã Nghĩa Trung, Nghĩa Sơn, Nghĩa Châu, Nghĩa Phong, Nghĩa Bình, Thị trấn Rạng Đông. Về đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã trong huyện hiện nay, trình độ chuyên môn, cơ bản đáp ứng yêu cầu công việc. Toàn huyện hiện có 529 cán bộ, công chức cấp xã (thiếu 48 người so với tổng biên chế được duyệt), trong đó phần lớn cán bộ có trình độ trung cấp về chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị và quản lý Nhà nước.

Bên cạnh những kết quả đạt được, huyện Nghĩa Hưng đang gặp một số khó khăn khi triển khai chương trình xây dựng NTM như nguồn kinh phí của các xã, thị trấn hạn hẹp; đất nông nghiệp đã giao cho hộ xã viên hiện vẫn còn manh mún, dẫn đến vướng mắc khi triển khai xây dựng hạ tầng, nhất là mở rộng các tuyến đường ra đồng để áp dụng cơ giới hóa. Tốc độ phát triển CN-TTCN, làng nghề trên địa bàn huyện còn chậm, hầu hết là các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, trang thiết bị công nghệ lạc hậu, sản phẩm chủ yếu dùng cho tiêu thụ nội địa, trong khi việc du nhập phát triển ngành nghề mới còn chậm, vì vậy lao động trong lĩnh vực sản xuất CN-TTCN đạt thấp, tỷ lệ lao động trong lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp còn cao, chiếm trên 70%. Để giải quyết vấn đề này, thời gian tới, huyện Nghĩa Hưng tiếp tục lập kế hoạch, dự án đầu tư xây dựng mới các khu, CCN theo quy hoạch đã được duyệt, có chính sách phát triển làng nghề và đầu tư về nông thôn như: chính sách đất đai, khuyến công, hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo nguồn nhân lực thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia. Quan tâm đào tạo nghề cho nông dân, gắn với tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Tiến hành tốt công tác dồn điền đổi thửa, xây dựng hệ thống chính trị các cơ sở nông thôn trong sạch vững mạnh. Thực hiện chính sách khuyến khích các cán bộ trẻ đủ tiêu chuẩn về công tác tại các xã, thị trấn./.

Bài và ảnh: Việt Thắng

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com