Trong khi đang tập trung thu hoạch vụ lúa xuân với năng suất cao hơn vụ xuân năm 2009 là 3 tạ/ha thì giải pháp giành vụ lúa mùa 2010 thắng lợi đã được ngành NN-PTNT tỉnh đề ra để ứng phó với thiên tai, dịch hại đang diễn biến phức tạp...
Xã viên HTX Nam Hải (Nam Trực) gieo mạ chuẩn bị cho sản xuất vụ xuân. Ảnh: Đức Hoa |
Tăng tỷ lệ mùa sớm và các giống lúa ngắn ngày
Những năm gần đây, trà lúa mùa sớm ở tỉnh ta luôn đạt năng suất cao. Do cấy sớm, trỗ sớm, cho thu hoạch sớm nên lúa mùa sớm tránh được sâu bệnh và mưa úng cuối vụ nên được mùa. Vụ mùa năm 2010, tỉnh ta xác định mở rộng diện tích trà lúa mùa sớm và mùa trung sớm, hoàn thành cấy lúa xong trước 20-7. Trong đó trà lúa mùa sớm có diện tích 20% trở lên; cụ thể với các huyện phía bắc tỉnh dành 25% diện tích cho trà lúa mùa sớm, còn các huyện phía nam tỉnh phải đạt 20% diện tích. Với trà lúa mùa sớm gieo mạ xong trước 20-6 và cấy gọn trong tháng 6-2010, sẽ cho thu hoạch cuối tháng 9, đầu tháng 10, tránh được sâu đục thân lứa 6 và rầy lứa 7. Ngoài ra, thu hoạch sớm còn là điều kiện đầu tiên cho các địa phương phát triển diện tích trồng cây vụ đông hàng hoá, cho hiệu quả cao.
Về sử dụng giống lúa, vụ mùa này tỉnh ta tập trung chuyển đổi mạnh cơ cấu theo hướng hạn chế tối đa các giống lúa dài ngày, mở rộng diện tích cấy các giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn, kháng bạc lá, cho năng suất cao như: Việt Hương Chiếm, Khang Dân 18, BC15, Nam Định 1, TBR1 (lúa thuần); TX111, Phú ưu 1, Nưu 69, Thiên ưu 1025, HYT 100 (lúa lai). Hạn chế sử dụng giống lúa Bắc Thơm số 7 và các giống lúa nhiễm rầy. Với trà mùa sớm, các địa phương chủ yếu sử dụng các giống lúa ngắn ngày như Việt Hương Chiếm, Khang Dân 18 (lúa thuần), Nưu 69, Vân Quang 14, TX111 (lúa lai). Giống lúa lai 2 dòng TH3-3 cấy trà mùa sớm và mùa trung sớm tại những chân ruộng vàn, vàn cao của các huyện phía bắc tỉnh, là vùng chưa xuất hiện bệnh lùn sọc đen (LSĐ). Với vụ mùa năm 2010, lần đầu tiên tỉnh ta đưa giống lúa BC15 vào cơ cấu giống lúa cấy trên toàn tỉnh. Đây là giống lúa thuần chất lượng cao (chất lượng gạo, cơm chỉ đứng sau giống Bắc Thơm số 7), cho năng suất cao hơn và sức chống chịu hơn hẳn Bắc Thơm số 7, nhất là bệnh bạc lá vụ mùa, chống đổ tốt. Thực tế trong vài vụ mùa gần đây, giống BC15 đã được cấy với diện tích khá lớn tại các huyện Mỹ Lộc, Vụ Bản, Ý Yên. Vụ mùa năm 2009, diện tích cấy giống lúa BC15 ở Mỹ Lộc chiếm tới trên 30%, có xã cấy 50-60% diện tích; năng suất bình quân tại các địa phương ở phía bắc tỉnh cấy trong vụ mùa, lúa BC15 thường đạt 230-250 kg/sào (64-69,4 tạ/ha). Đây là giống lúa được ngành NN-PTNT tỉnh ta đang chọn để từng bước thay thế và hạn chế giống lúa Bắc Thơm số 7 có nhiều nhược điểm khó khắc phục nếu người trồng, cấy không quan tâm đúng mức cho các bệnh bạc lá, đạo ôn; các loại sâu, rầy... nặng hơn các giống lúa hiện đang cấy trên địa bàn tỉnh. Với vụ mùa này giống lúa Bắc Thơm số 7 được khuyến cáo những địa phương đã có bệnh lùn sọc đen ở vụ mùa năm 2009 không nên cấy và hạn chế ở các địa phương khác.
Quyết liệt phòng ngừa bệnh lùn sọc đen
Để bảo đảm vụ lúa mùa năm 2010 đạt năng suất cao, tỉnh và ngành NN-PTNT đã chỉ đạo các địa phương, các Cty TNHH một thành viên KTCTTL và nông dân tập trung chống úng cho cây lúa. Khoanh vùng bơm tát, khơi thông dòng chảy, mua sắm thêm các phương tiện bơm điện, bơm dầu... giữ lúa không bị úng, đặc biệt là khi cấy và khi thu hoạch. Mặt khác cũng hướng dẫn nông dân sử dụng triệt để phân tổng hợp NPK, bón cân đối, bón sớm, bón gọn, không lạm dụng phân đạm, đặc biệt không bón phân đạm muộn. Cùng với lo nước, bón phân, phương pháp thâm canh tổng hợp cũng được tập huấn kỹ thuật đến từng xã, HTX để cây lúa khoẻ, chống chịu tốt với khí hậu, thời tiết và sâu bệnh. Tập trung phát hiện, phòng trừ sâu bệnh theo phương châm "4 đúng". Đặc biệt vụ mùa năm 2010, tỉnh, ngành NN-PTNT chỉ đạo quyết liệt bệnh lùn sọc đen trên lúa. Đây là bệnh rất nguy hiểm, chưa có thuốc đặc trị, nếu để thành dịch có thể tạo nên mất mùa trên diện rộng. Thực tế vụ mùa năm 2009, bệnh được phát hiện từ giữa tháng 8 chủ yếu các địa phương phía nam tỉnh như Giao Thuỷ, Nghĩa Hưng, Hải Hậu, Xuân Trường... Tổng diện tích nhiễm 17556,91 ha, trong đó có 8093,07 ha mất trắng, không cho thu hoạch. Nguyên nhân là do mầm bệnh từ lúa, ngô, cỏ dại, vật trung gian truyền bệnh là rầy lưng trắng. Vụ xuân năm 2010, ở một số huyện phía nam tỉnh cũng xuất hiện bệnh lùn sọc đen trên diện tích hơn 1500ha. Do phát hiện sớm nên đã nhổ vùi các cây bị bệnh, đồng thời toàn tỉnh phun thuốc trừ rầy lứa 2 cho 100% diện tích lúa cấy nên đến nay bệnh không gây hại, không làm giảm năng suất lúa vụ xuân. Song từ vụ xuân sang vụ mùa thời gian ngắn nên nguy cơ lây nhiễm bệnh sang vụ lúa mùa là rất cao do nguồn rầy từ vụ xuân chuyển ngay sang mạ mùa. Vụ mùa gieo cấy trong điều kiện nắng nóng, thuận lợi cho rầy phát sinh và truyền bệnh. Tỉnh và ngành NN-PTNT đã yêu cầu các địa phương tập trung thu hoạch nhanh lúa xuân, đồng thời vệ sinh ngay đồng ruộng; thu gom, tiêu huỷ triệt để cây bệnh, rơm rạ, lúa chét và cỏ dại; cày lật đất ngay sau khi gặt; thường xuyên dọn sạch cỏ bờ ruộng và mương máng không để sót mầm bệnh và thức ăn cho rầy. 100% hạt thóc giống được xử lý bằng thuốc cruise phun 312, 5FS khi ngâm ủ rất rẻ, chỉ vài nghìn đồng cho mỗi sào ruộng cấy. Đây là biện pháp vừa làm tăng sức khoẻ cho mạ, đồng thời thuốc lưu dẫn tồn tại trong mạ khoảng 15 ngày rầy trích hút sẽ bị chết. Triệt để trừ rầy di trú cho mạ, những diện tích mạ có điều kiện nên chùm lưới để ngăn rầy di trú. Phun thuốc trừ rầy trước 2-3 ngày khi nhổ mạ cấy. Phát hiện sớm, ngay từ giai đoạn mạ có diện tích biểu hiện triệu chứng bệnh lùn sọc đen để kịp thời tổ chức tiêu huỷ nguồn bệnh, không để lây lan. Tổ chức bẫy đèn bắt rầy tiêu diệt và gửi đi xét nghiệm. Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng; chính quyền và lực lượng bảo vệ thực vật xác định chính xác thời điểm phát sinh của các lứa rầy, mật độ rầy... quyết định phun trừ rầy vào thời điểm hiệu quả nhất.
Hiện tại các lớp tập huấn của ngành NN-PTNT tỉnh đã được tổ chức tại các địa phương. Ngoài việc hướng dẫn quy trình thâm canh thì biện pháp phòng ngừa bệnh lùn sọc đen được đặc biệt chú ý khi lên lớp hướng dẫn cho nông dân. Thực hiện sự chỉ đạo của tỉnh và ngành NN-PTNT các địa phương vừa tổ chức gặt, vừa cày lật đất ngay. Đến ngày 18-6-2010, toàn tỉnh đã cày được 5120 ha. Các huyện có diện tích cày lật đất được nhiều là Hải Hậu 1100 ha, Ý Yên 1000ha, Xuân Trường 600ha, Trực Ninh 500ha... Cũng đến thời điểm này, các địa phương trong tỉnh đã gieo 669 ha mạ mùa, diện tích mạ đã gieo đều xử lý hạt giống bằng thuốc đặc hiệu trừ rầy, các biện pháp phòng trừ rầy cho mạ cũng được triển khai đồng bộ. Toàn tỉnh đang khẩn trương triển khai sản xuất vụ mùa và đồng bộ các biện pháp phòng, giữ, bảo vệ an toàn cho vụ mùa thắng lợi./.
Tuấn Anh